Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nguyễn Việt Anh lạc quan làm thơ dù đời nhiều sóng gió

"Ai cũng có khoảng thời gian gập ghềnh, sóng gió trong đời. Điều quan trọng là chúng ta đối mặt như thế nào và ứng xử ra sao với những điều đó" - tác giả "Nỗi đau" chia sẻ.

Nguyễn Việt Anh, sinh năm 1982 là một nhà thơ trẻ có số phận đặc biệt. Trước khi được công chúng yêu thơ biết đến với vai trò một người sáng tác, anh đã trải qua nhiều sóng gió cuộc đời.

Cú ngã định mệnh vào năm 1994, khi đang học lớp 7 đã khiến anh bị thoái hóa võng mạc và sau đó trở thành một người khiếm thị. Bố mẹ anh đã phải bán một căn nhà cùng nhiều tài sản giá trị để chạy chữa cho con trai ở nhiều nước trên thế giới nhưng không có kết quả. Anh sống trong bóng tối từ đó đến bây giờ.

Trưởng thành, Nguyễn Việt Anh làm nghề bấm huyệt, khi sức khỏe ổn định công việc của anh tương đối thuận lợi. Anh kết hôn, hai người có với nhau một trai, một gái. Thế nhưng, do làm việc quá sức, xương khớp của anh gặp vấn đề, kinh tế gia đình bắt đầu suy giảm, lại thêm những mâu thuẫn thế hệ trong một gia đình Hà Nội gốc khiến cuộc hôn nhân của anh tan vỡ. Sau đó không lâu thì người bố mà anh hết mực yêu thương qua đời vì căn bệnh ung thư gan quái ác.

Thời điểm tưởng như không gượng dậy được nữa, Nguyễn Việt Anh tìm đến thơ và vô tình trở thành một gương mặt tài năng trên thi đàn Việt. Dù cuộc đời nhiều trắc trở nhưng hồn thơ của anh lại lạc quan và gửi gắm niềm yêu sống tới người đọc. Ngay cả khi Nguyễn Việt Anh viết về nỗi đau, người ta vẫn thấy dường như anh đang yêu cả chính nỗi đau đó: “Nỗi đau ai thấy đâu nào/ Ở trên gương mặt ngọt ngào sáng êm/ Mặt hồ càng đáng yêu thêm/ Khi tôi biết đáy ẩn chìm xót xa/ Trái tim có đủ thiết tha/ Để yêu cả mặt hồ và nỗi đau”.

Nhà thơ Nguyễn Việt Anh trên sân khấu Trẻ tại Ngày thơ Việt Nam lần thứ 14. Ảnh: Quang Đức

- Cuộc đời nhiều đau khổ dễ dẫn đến một hồn thơ bi quan. Tại sao anh lại không như vậy?

- Bạn nói hoàn toàn đúng. Người làm thơ thường gửi gắm tâm sự của mình vào thơ, cuộc đời nhiều sóng gió rất dễ dẫn đến một tâm hồn thơ bi quan.

Nhưng tôi thì không như vậy, tôi nghĩ rằng ai cũng có khoảng thời gian sóng gió, gập ghềnh trong đời, người bình thường cũng vậy và người có hoàn cảnh đặc biệt như tôi cũng vậy. Điều quan trọng là chúng ta đối mặt với với nó như thế nào và ứng xử với nó ra sao. Ứng xử với những điều đó chính là cách làm cho cuộc sống sáng sủa và tốt đẹp hơn.

- Nhiều tác giả coi thơ là cứu cánh sau khi trải qua nhiều biến cố trong đời, còn anh?

- Tôi không phản đối quan điểm đó vì mỗi người có một cách cảm nhận riêng, một suy nghĩ riêng. Tôi thì đồng tình với từ “giải thoát” hơn là từ “cứu cánh”. Tôi quan niệm phải tự mình cố gắng, tự mình giải thoát và tự mình bứt phá ra khỏi những khó khăn, gông cùm của cuộc sống mà chúng ta vô tình gặp phải.

Cuộc sống có rất nhiều góc khuất tăm tối, do vậy người làm thơ phải luôn luôn tìm tòi, sáng tạo để làm mới chính mình. Có bước chân vào hành trình tìm kiếm mới thấy rằng cuộc sống xung quanh có rất nhiều điều cần phải khám phá.

- Ngoài việc “giải thoát” khỏi những góc khuất của cuộc sống hiện tại, với anh, thơ ca còn có ý nghĩa gì?

- Tôi đến với thơ ca, trước hết, từ chính niềm đam mê và yêu thích của mình. Trước đó, tôi chưa hề nghĩ mình sẽ trở thành một người viết thơ nhưng sau khi cuộc đời xảy ra nhiều chuyện như vậy thì thơ cứ tự tuôn ra, như một cái gì đó bức bách lâu ngày cần được giải phóng.

Với tôi, thơ khởi đầu từ sự thơ dại, sau đó trưởng thành nhờ cuộc sống. Người làm thơ luôn thấy thơ gặt bó chặt chẽ và không tách rời với những thứ xung quanh. Không ai biết ngày mai mình sẽ gặp phải điều gì và mình sẽ đương đầu với nó ra sao. Thơ cũng vậy, không ai biết rằng, ngày mai mình sẽ viết thơ ra sao. Với tôi, thơ vừa giống như một người đồng hành, vừa giống như một người tiếp sức mạnh để bản thân luôn sẵn sàng trước cuộc sống.

Trước khi trở thành một nhà thơ, Nguyễn Việt Anh từng có một gia đình hạnh phúc với vợ và hai con một trai, một gái. 

- Nội dung các sáng tác của anh có gì khác so với thời bình lặng nhiều năm trước đây?

- Tôi làm thơ từ ngày còn nhỏ, sau này đi học phổ thông cũng vẫn miệt mài làm thơ. Nhưng hồi đó, tôi làm chủ yếu cho vui, không nghĩ ngợi gì và cũng chưa định hình được giọng thơ của mình. Những bài thơ thời học sinh thường đơn giản vì rất ít sự suy tư.

Nhưng sau này khi trải qua nhiều biến cố của cuộc đời thì giọng thơ của tôi khác hẳn. Thơ của tôi bắt đầu mang độ lùi của thời gian với nhiều trải nghiệm, suy tư và trăn trở. Với tôi, làm thơ không còn là làm thơ nữa mà là gửi gắm những thông điệp, cách nhìn nhận của bản thân mình về con người và cuộc sống.

- Anh có nghĩ mình gặp nhiều khó khăn hơn những người bình thường khi sáng tác thơ?

- Tôi không thấy có gì khó khăn vì như bạn biết đấy, cuộc sống bây giờ được ví như tên lửa, rất nhanh, rất hỗn độn và cũng rất vội vàng. Tôi vẫn có thể sống chậm trong cuộc sống đó, một phần là vì tôi bị gò bó vào hoàn cảnh cá nhân. Đó chỉ là một sự vô tình mà không ai mong muốn nhưng lại giúp mọi thứ xung quanh chậm lại, nhờ sự chậm đó mà tôi cảm nhận mọi thứ sâu sắc hơn.

Tôi có nhiều thời gian, nhiều khoảng trống để có thể nhìn sâu vào đời sống nội tâm của chính mình và của mọi người. Tôi nghĩ rằng, nếu tôi có đôi mắt bình thường như những người khác thì chưa chắc tôi đã nhận ra nhiều thứ như vậy. Tôi thấy mình có kinh nghiệm sống hơn trước đây rất nhiều, tất cả những kinh nghiệm đó đến từ chính những cuộc đương đầu với cuộc sống.

- Cuộc sống hiện tại của anh ra sao?

- Tôi hiện sống với ông bà, mẹ, bác và con trai học lớp 4 ở Hà Nội. Tôi còn một cô con gái học lớp 1 nhưng cháu đang sống với mẹ ở TP HCM. Sau nhiều biến cố, cuộc sống hiện tại của tôi diễn ra êm đềm, tôi được người thân trong gia đình giúp đỡ rất nhiều trong cuộc sống và hơn cả là gia đình ủng hộ việc theo đuổi đam mê thơ ca của tôi. 



Lê Quang Đức (thực hiện)

Bạn có thể quan tâm