Trong ký ức của ông Dương Văn Phúc - nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười là một người thương dân, cần kiệm liêm chính.
Cuốn sách Những câu chuyện về đồng chí Đỗ Mười - nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam (tác giả Diệu Ân, NXB Hồng Đức) ghi lại kỷ niệm của ông Dương Văn Phúc trong quãng thời gian làm việc cùng Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười.
Được sự đồng ý của tác giả sách Diệu Ân, Zing.vn trích đăng phần nội dung này. Bài viết giữ nguyên danh xưng của ông Dương Văn Phúc (xưng tôi).
Ông Đỗ Mười và anh nông dân đi xe đạp thồ đến Phủ Thủ tướng
Khoảng tháng 8/1988, lúc đó ông Mười làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Thấy dân đi khiếu nại, ông gọi tôi vào dặn:
- Chú Phúc và chú Cẩm lưu ý, dân có oan mới khiếu nại lên Chính phủ, nếu Chính phủ không giải quyết thì ai giải quyết, 6 giờ sáng hàng ngày tôi đến, các chú nhớ chuyển đơn khiếu nại cho tôi xem, để tôi giải quyết.
Ngày 1/11/1992, Tổng bí thư Đỗ Mười trò chuyện với người dân xã Lê Lợi, huyện Thường Tín, Hà Tây cũ. Ảnh: TTXVN. |
Mặc dù công việc rất bận nhưng ông luôn sẵn sàng tiếp dân.
Có lần, một anh nông dân đi chiếc xe đạp thồ đến thẳng Phủ Thủ tướng kêu la ầm ĩ vì bị chính quyền địa phương lấy đất…
Ông nói: “Thôi được, để tớ tiếp, chú mời đồng chí bí thư Thành ủy Hà Nội lên cùng nghe xem oan sai thế nào để còn giải quyết ngay cho dân”.
Khi ngồi vào bàn tiếp dân, ông chú ý lắng nghe sự bức xúc của anh nông dân rồi ông trả lời rõ ràng từng câu một. Nhưng anh nông dân vì quá nóng nảy nên ông Mười nói đến đâu anh ta cũng nói đến đấy.
Tôi nhắc nhở anh nông dân:
- Bác Mười là Thủ tướng Chính phủ còn ngồi nghe anh trình bày từ đầu đến cuối, bây giờ bác nói cho anh hiểu, bác nói câu nào anh cãi lại câu ấy là thất lễ.
Anh ta đỏ mặt xin lỗi:
- Thôi chết, cháu quên.
Sau đó, ông Đỗ Mười trao đổi với đồng chí phó bí thư thường trực Hà Nội giải quyết việc oan ức về đất đai cho người dân ở huyện Hoài Đức.
Một lần khác, ông Đỗ Mười thấy một đoàn khoảng hơn 60 người đứng ở ngoài cổng cơ quan, thái độ căng thẳng, buổi tối họ ngủ ngay trước cửa Phủ Thủ tướng. Ông hỏi tôi:
- Có việc gì đấy?
- Báo cáo anh, đây là đồng bào ở huyện An Lão, Hải Phòng lên thắc mắc về việc dời mồ mả của người thân họ ở đường 5.
Ông suy nghĩ một lát rồi nói:
- Tôi đồng ý tiếp dân, chiều nay chú Phúc gọi điện cho chủ tịch thành phố Hải Phòng lên cùng nghe. [...]
Trong buổi tiếp, dân phản ánh là khi giải tỏa nghĩa trang, xã đã đưa cho mỗi gia đình một cái nồi đất để đựng hài cốt, nhân dân rất phẫn nộ về cách ứng xử thiếu đạo lý này nên kéo nhau đi kiện.
Sau khi gặp ông Đỗ Mười, ông phó chủ tịch UBND TP Hải Phòng trao đổi với anh Phúc. Anh Phúc đề nghị ông phó chủ tịch nhắc huyện An Lão cử người xuống xã gặp dân, ngày mai thủ tướng cũng sẽ cử người xuống.
Sau đó anh Phúc ra gặp và giải thích cho dân: "Thủ tướng sẽ cử người xuống xã cùng cán bộ của thành phố và huyện giải quyết yêu cầu chính đáng của bà con". Rồi thủ tướng cho xe của văn phòng đưa bà con về xã.
Qua một số vụ dân kéo nhau đến Phủ Thủ tướng khiếu nại, ăn nằm tại hiên nhà và sân của Văn phòng, ông Đỗ Mười đã dặn tôi xây một số nhà ngoài khuôn viên cơ quan Phủ Thủ tướng để dân đi khiếu nại có chỗ ăn ở không phải nằm vạ vật. Tôi đã báo cáo lại cặn kẽ, ông Mười mới thôi không bắt Văn phòng xây nhà kế tiếp nữa.
Thấy ông Đỗ Mười nhiệt tình tiếp dân, mất khá nhiều thời gian, tôi đã đề nghị với ông Mười: “Chỉ một số đối tượng nào đó do Văn phòng sắp xếp, số đông còn lại Văn phòng sẽ tiếp, nếu gặp vướng mắc sẽ báo cáo với anh”. Một người lãnh đạo Chính phủ săn sóc tiếp dân như ông Mười thật hiếm có, phải có lòng thương dân như thế nào mới làm được như vậy.
"Sữa còn hiếm, phải để dành cho người già, trẻ em"
Tôi và một số anh em có nhớ khoảng năm 1989, trong một cuộc họp Hội đồng Chính phủ đến giờ giải lao, đại biểu ra ăn bánh ngọt và uống sữa. Ông Mười gọi tôi ra nói: “Lần sau không được cho uống sữa, sữa còn hiếm phải để dành cho người già, người bệnh và trẻ em”.
Ông Dương Văn Phúc nhớ mãi những kỷ niệm về tính cần kiệm liêm chính của nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười. Ảnh minh họa: Reuters. |
Ông Mười đặc biệt ghét bày đặt ra để chè chén. Một lần ông về tỉnh X làm việc, xong việc có lẽ để tỏ lòng quý trọng lãnh đạo cấp trên, tỉnh bố trí bữa ăn rất thịnh soạn, thết đãi ông và cán bộ cùng đi. Khi về, ông nói với tôi: “Tớ ngán quá, đành phải nói là đau bụng không ăn được để từ chối, rồi ăn qua loa mấy thức ăn nhẹ”.
Về cuộc sống riêng, ông rất liêm khiết, khi bà vợ ông là bà Tạ Thị Thanh vào TP.HCM ở dài ngày, theo chị phục vụ nói lại, hàng tuần tiêu chuẩn thịt của ông, ông không ăn, ông nhờ chế biến gửi vào cho bà Thanh, vì bà thường đau yếu. Ông không bao giờ yêu cầu cơ quan Văn phòng cung cấp thêm thực phẩm.
Nhà ở của ông không rộng rãi và không thuận tiện khi phải xuống xe ra vào. Khi tôi đưa ông đi xem một nhà thuận tiện hơn, xem xong ông từ chối vì cho là nhà rộng quá.