Hôm 21/8, trên fanpage chính thức của CLB, lãnh đạo đội Bình Dương bày tỏ sự không hài lòng khi biết Nguyễn Tiến Linh tham gia vào đội bóng phong trào mà không xin phép. Tiền đạo số 22 tự ý thỏa thuận và gia nhập FC Nghệ sĩ khi được siêu mẫu Hồ Đức Vĩnh mời tham gia nhằm gây quỹ từ thiện. Ảnh: Quang Thịnh. |
Hình ảnh Tiến Linh cầm áo đấu ra mắt đội bóng phong trào hôm 9/8 được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội. Lãnh đạo CLB Bình Dương cho rằng Tiến Linh là tài sản của CLB và người của tuyển Việt Nam. Mọi hành động liên quan tới anh đều phải được thực hiện cẩn trọng và cần thông qua CLB chủ quản. Ngày 22/8, Hồ Đức Vĩnh nhận lỗi khi mời Tiến Linh vào đội bóng Nghệ sĩ. Ảnh: Quang Thịnh. |
Trước Tiến Linh, nhiều cầu thủ cũng có được những bài học đáng nhớ khi gặp phải những rắc rối liên quan hoạt động quảng cáo. Năm 2015, Nguyễn Công Phượng từng gây tranh cãi với chiếc áo đội tuyển U19 Việt Nam trong đoạn video quảng cáo cho một hãng bia. Ảnh: Duy Anh. |
LĐBĐ Việt Nam (VFF) đã có văn bản nhắc nhở Công Phượng và đơn vị mời anh tham gia quảng cáo để điều chỉnh, bởi không cá nhân hay tổ chức nào được phép sử dụng hình ảnh đội tuyển quốc gia để quảng cáo khi chưa được sự đồng ý của VFF. Ảnh: Minh Chiến. |
Năm 2018, Nguyễn Quang Hải dính vào lùm xùm với video quảng cáo bia tương tự. Hải "con" xuất hiện với màn tái hiện pha đá phạt thành bàn trong trận chung kết giải U23 châu Á, rồi sau đó nâng lon bia lên ăn mừng niềm hạnh phúc chiến thắng. Ảnh: Minh Chiến. |
Đơn vị quảng cáo cố tình cho Quang Hải mặc áo khác với áo đấu của đội tuyển Việt Nam để "lách luật", nhưng vẫn bị coi là có hành vi xâm phạm bản quyền hình ảnh của VFF. Một lãnh đạo CLB Hà Nội chia sẻ với Zing: “CLB Hà Nội cũng khuyên nhãn hàng là không nên sử dụng áo đội tuyển U23 Việt Nam hay thậm chí là nhái đội tuyển, nhưng bên nhà tài trợ vẫn mong muốn dùng hình thức truyền tải này bởi họ nhận định làm như vậy sẽ mang tới hiệu quả truyền thông cao hơn”. Ảnh: Minh Chiến. |
Sau khi trở về từ U23 châu Á 2018, thủ môn Bùi Tiến Dũng cũng gặp rắc rối liên quan tới hình ảnh cá nhân khi tham gia trình diễn catwalk trong phần bế mạc của Tuần lễ thời trang Việt Nam 2018. Dư luận xuất hiện nhiều quan điểm động viên Tiến Dũng nên dành thời gian tập luyện để khẳng định vị trí ở CLB. Ảnh: Minh Chiến. |
Trước đó không lâu, một đơn vị tự nhận là đại diện của Bùi Tiến Dũng công bố bảng báo giá quảng cáo của thủ môn này. Theo bảng báo giá, một bài đăng (status) quảng cáo trên trang cá nhân của Bùi Tiến Dũng có giá khoảng 57 triệu đồng, một lần livestream 1 tiếng có giá hơn 110 triệu đồng. CLB Thanh Hóa (đội bóng chủ quản của Tiến Dũng lúc đó) đã lên tiếng bảng báo giá quảng cáo này ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh của Bùi Tiến Dũng, tập thể đội U23 Việt Nam, đội bóng chủ quản Thanh Hóa. |
Cựu tiền vệ U19 Việt Nam Nguyễn Hồng Sơn (phải) cũng từng gặp rắc rối khi tham gia gameshow trên mạng xã hội. Cầu thủ này không may xuất hiện trong cảnh quay nhạy cảm khiến anh chịu nhiều chỉ trích từ người hâm mộ. Đoạn video nhạy cảm được đăng lên mạng xã hội chỉ vài ngày trước trận mở màn VCK U19 châu Á khiến Hồng Sơn bị loại khỏi đội U19 Việt Nam. Ảnh: Ngọc Vân. |