Emma Stone thủ vai nữ chính Bella Baxter trong phim. Ảnh: NYT. |
Ngày 27/2 vừa qua ban giám khảo Giải thưởng Oscar đã kết thúc bình chọn vòng cuối. Lễ trao giải sẽ diễn ra vào ngày 10/3 tới đây. Phim Poor Things do Yorgos Lanthimos đạo diễn, kịch bản của Tony McNamara có tổng cộng 11 đề cử tại Giải thưởng năm nay, chỉ xếp sau bom tấn Oppenheimer.
Một nguyên tác "kỳ lạ"
Nguyên tác của Poor Things là cuốn sách cùng tên của nhà văn, nghệ sĩ người Scotland Alasdair James Gray. Theo tờ The New York Times, không phải khi lên màn ảnh Poor Things mới là một thế giới lạ kỳ, mà vốn dĩ tiểu thuyết gốc cũng là một tác phẩm táo bạo và khác thường: Sau khi tự tử, Bella - một phụ nữ 25 tuổi - được hồi sinh bằng bộ não của đứa con chưa chào đời.
Bản in đầu của Poor Things, do chính tác giả vẽ bìa. Ảnh: NYT. |
Poor Things: Tuyển tập về giai đoạn đầu đời của Archibald McCandless - MD Cán bộ Y tế Công cộng Scotland lấy bối cảnh phần lớn ở Glasgow cuối thế kỷ 19. Gray khéo léo kết hợp các thể loại kinh dị gothic, khoa học viễn tưởng và hài kịch để chuyển tác phẩm thành một biên niên sử thời Victoria.
Trong phim, Bella Baxter (Emma Stone thủ vai) thích thú chìm đắm trong thế giới siêu thực bắt mắt: Khinh khí cầu bay lên trên Địa Trung Hải. Xe điện trên không bay dọc theo những sợi dây treo lơ lửng trên các con hẻm của Lisbon. Làn khói xanh nhạt bay lên bầu trời đêm từ phễu một tàu du lịch.
Cuốn sách không kể một câu chuyện đơn giản. Nó là hồi ký năm 1909 của McCandless (trong phim do Ramy Youssef thủ vai), được vớt ra từ một đống rác và Gray biên tập lại. Lời bạt kết thúc cuốn sách làm thay đổi phần lớn cốt truyện.
Đạo diễn Lanthimos giữ lại các ý chính của câu chuyện. Nhưng hình thức của bộ phim là pha trộn chiết trung giữa các yếu tố belle epoque (thời kỳ tươi đẹp) và kỳ ảo như H.G Wells và Jules Verne, khác xa với cách mô tả của Gray trong phần văn xuôi và minh họa trắng đen của mình.
Biên kịch Tony McNamara (Giải Kịch bản xuất sắc là 1 trong 11 đề cử Oscar của bộ phim) nhớ lại Lanthimos từng nhắc đến cuốn sách khi họ đang thực hiện bộ phim The Favourite năm 2018. Theo McNamara, Lanthimos đã đến thăm Gray ở Glasgow để nhận lời chúc của tác giả cho bộ phim Poor Things. McNamara nói: “Anh ấy thực sự rất ấn tượng với Alasdair và khi anh ấy quay lại, chúng tôi cùng ăn trưa và anh ấy đưa cho tôi cuốn sách.”
McNamara và Lanthimos quyết định tập trung câu chuyện vào Bella, người phụ nữ trẻ được sống lại. McNamara giải thích: Đặt trải nghiệm của Bella làm trọng tâm cho phép anh “phát triển và mở rộng câu chuyện của cô ấy”.
Oscar có làm rạng danh văn nghiệp của cố nhà văn?
Song có lẽ Poor Things không phải là cuốn sách lập dị nhất của tác giả. Là nhà văn và nghệ sĩ hình ảnh nổi tiếng qua đời ở tuổi 85 vào năm 2019, văn nghiệp của Gray còn 5 tiểu thuyết khác, 2 tiểu thuyết ngắn, 89 truyện ngắn và một bản Thần khúc của Dante (Điểm xuyết và Anh ngữ hóa không theo lối thơ).
Chân dung Alasdair James Gray. Ảnh: The Times. |
Ở Scotland, Gray là báu vật quốc gia. Di cảo của ông được lưu giữ tại Thư viện Quốc gia Scotland. (Bìa gấp cuốn tự truyện minh họa A Life in Pictures của ông mô tả người đàn ông sống cả đời ở Glasgow là “nhà bác học nổi tiếng Scotland”). Song ông được biết đến nhiều bên ngoài Vương quốc Anh.
Tiểu thuyết gia người Anh Jonathan Coe cho biết: “Có thể nói ông ấy thuộc số rất ít nhà văn thời đại tôi sống mà tôi kính trọng”, đồng thời nhấn mạnh Gray được giới nhà văn và phê bình “cực kỳ tôn trọng”. Nhưng anh nói thêm: “Tôi không chắc điều ấy tương đương với chuyện có nhiều độc giả".
Gray có thành công về mặt văn học với tiểu thuyết đầu tay Lanark khi đã 46 tuổi. Nhưng tiếng tăm của ông bị lu mờ trong danh sách các tên tuổi văn hào dưới 40 thời buổi ấy thống trị văn đàn Anh như McEwan, Kazuo Ishiguro, Salman Rushdie và Pat Barker...
Tuy nhiên, ở Scotland, cuốn tiểu thuyết đã giúp mở ra một thời kỳ phục hưng quốc gia về văn chương. Các nhà văn Scotland hàng đầu như Irvine Welsh, Alan Warner và AL Kennedy đều được mô tả là “những đứa con cưng của Gray”.
Sau đó, Gray ra mắt thêm tám cuốn sách nữa. Dù năng suất giảm sút vào giữa những năm 1990, nhưng sáng tác của ông vẫn bao gồm tiểu thuyết, truyện, kịch, sách phi hư cấu, thơ và tiểu luận. Trong suốt thời gian đó, ông vẫn tiếp tục vẽ tranh, vẽ tường và các minh họa đặc biệt xuất hiện nhiều trong sách của mình.
Poor Things giúp Gray được đón nhận rộng rãi hơn, giành Giải thưởng Whitbread của Anh và Giải thưởng Tiểu thuyết Guardian. Trong một bài viết năm 1992 trên tờ London Review of Books, Coe ca ngợi Poor Things là tiểu thuyết “hài hước nhất” và “ít thất thường nhất” của Gray.
Gần đây khi được hỏi về nhận định trước đó, ông thừa nhận rằng “kiểu viết lạc đề, lan man và dài dòng hoa mỹ có chủ ý” khiến văn của Gray thuộc dạng không dễ cảm. “Có lẽ Poor Things có ít yếu tố đó hơn bất kỳ tiểu thuyết lớn nào khác của ông, nên có thể là điểm để độc giả mới tiếp cận với văn của Gray".
Theo Andrew Gray, con trai tác giả, dù sách của ông chưa bao giờ đứng đầu bảng xếp hạng nhưng hầu hết vẫn được in. Mối quan tâm gần đây dành cho Poor Things có thể giúp doanh số bán tăng, nhưng anh tin rằng Lanark vẫn là cuốn sách bán chạy nhất của cha anh.
Anh lưu ý rằng điều đó có thể thay đổi sau lễ trao giải Oscar ngày 10/3. Nhưng ngay cả khi không thắng giải Oscar, phim của Lanthimos có thể khiến những cuốn sách khác của cha ông được nhìn nhận lại.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho ZNews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. ZNews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.