Theo Sputnik, Georgy Zhukov, sinh ngày 1/12/1896 trong một gia đình nông dân nghèo ở Strelkovka, Kaluga Oblast. Năm 1915, ông bị quân đội Nga bắt đi lính và chiến đấu trong Thế chiến I. Ông gia nhập Đảng Bolshevik sau Cách mạng Tháng Mười năm 1917.
Ông nhanh chóng chứng tỏ là người có tài thao lược trong các hoạt động chiến đấu trong Nội chiến Nga, giai đoạn 1918-1921. Con đường binh nghiệp của Zhukov thăng tiến rất nhanh, ông lần lượt được bổ nhiệm nhiều vị trí quan trọng trong Hồng quân.
Công thần trong Thế chiến II
Trong Thế chiến II, Zhukov lần lượt giữ các chức vụ: Tư lệnh Phương diện quân Dự bị, Tư lệnh Phương diện quân Tây, Tư lệnh Phương diện quân Belorussian 1, Tổng Tham mưu trưởng quân đội Liên Xô trực tiếp chỉ huy nhiều chiến dịch quan trọng.
Tên tuổi và tài thao lược quân sự của Zhukov được khẳng định qua cuộc phản công ở Stalingrad năm 1942, giúp Hồng quân lật ngược thế cờ, chuyển từ phòng ngự sang phản công. Zhukov được cho là người khai sinh chiến thuật xe tăng của cực kỳ hiệu quả của Hồng quân.
Chiến thuật xe tăng mà Zhukov lập ra đã khẳng định sức mạnh trong Trận Vòng cung Kursk, trận đánh xe tăng lớn nhất lịch sử nhân loại vào năm 1943. Tiếng tăm của Zhukov vang khắp Mặt trận phía Đông cũng như trên toàn thế giới.
Nguyên soái Zhukov (thứ 2 từ phải sang) trao đổi cùng các cộng sự ở mặt trận Khalkhin Gol năm 1939. Ảnh: Sputnik. |
Năm 1944, Zhukov trở thành chỉ huy Phương diện quân Belorussian 1 tham gia trận đánh Vistula–Oder Offensive và trận Berlin. Những năm Thế chiến II, có giai thoại rằng ở đâu có Zhukov ở đó xuất hiện bước ngoặt của chiến sự, Hồng quân Liên Xô chuẩn bị ra đòn tấn công và chắc chắn sẽ giành chiến thắng.
Để ghi nhận công lao của Zhukov, ông được phép tham gia ký kết văn kiện đầu hàng của Đức quốc xã và chỉ huy cuộc diễu binh mừng chiến thắng ở Moscow. Trong rất nhiều tướng lĩnh nổi danh thế giới trong Thế chiến II, Zhukov được xếp hàng đầu về số lượng trận thắng, được công nhận về tài năng chỉ đạo chiến dịch và chiến lược.
Những chiến tích của ông đã trở thành những đóng góp rất lớn vào kho tàng di sản kiến thức quân sự nhân loại. Nó không những có ảnh hưởng lớn về lý luận quân sự của Liên Xô mà cũng có ảnh hưởng rất lớn đối với sự phát triển của lý luận quân sự thế giới.
Georgy Zhukov 4 lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô cùng nhiều huân, huy chương cao quý khác. Ở Liên Xô, ngoài Zhukov, chỉ có Leonid Brezhnev cũng 4 lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô.
Cái gai trong mắt Stalin
Sau khi Đức quốc xã đầu hàng, Zhukov đảm nhận chức vụ Tổng tư lệnh Quân đội Liên Xô ở Đông Đức. Ngày 10/6/1945, ông trở về Moscow chuẩn bị cho cuộc diễu hành Chiến thắng tại Quảng trường Đỏ, ngày 24/6, ông được bổ nhiệm làm Tổng tham mưu trưởng Quân đội Liên Xô.
Với những chiến công lừng lẫy, Zhukov trở thành vị chỉ huy có tầm ảnh hưởng lớn nhất đối với Hồng quân. Điều đó khiến ông bị liệt vào “mối đe dọa” tiềm tàng đối với vị trí lãnh đạo tối cao của Stalin. Tháng 4/1946, trong cuộc họp bất đắc dĩ của Hội đồng Quân sự Trung ương, Zhukov bị cáo buộc thiếu sự tin tưởng chính trị đối với Trung ương Đảng.
Nguyên soái Zhukov (đeo băng đỏ) cùng một số tướng lĩnh đồng minh trước Cổng Brandenburg ở Berlin. Ảnh: Wikipedia. |
Ông bị tước chức vụ Tổng tư lệnh Quân đội Liên Xô ở Đông Đức với những lý do không rõ ràng. Từ vị trí chỉ huy hàng “nhất phẩm” trong Hồng quân, Zhukov bị điều xuống làm chỉ huy quân khu Odessa, một khu vực nằm xa Moscow và không có tầm quan trọng đối với quân đội.
Trong thời gian này, nhóm chống đối Zhukov tranh thủ tìm đủ mọi cách để hạ bệ và loại bỏ ảnh hưởng của ông đối với quân đội. Giai đoạn 1946-1948, ông bị cáo buộc hàng loạt tội danh như, tiêu hủy chiến lợi phẩm chiến tranh, cường điệu hóa sức mạnh của Đức quốc xã, tàng trữ trái phép tài sản thu được của Đức quốc xã.
Tháng 2/1948, sau khi hồi phục sức khỏe do một cơn đau tim, Zhukov được bổ nhiệm làm chỉ huy quân khu Urals. Tháng 2/1953, Stalin triệu hồi Zhukov về Moscow nhưng không giao cho bất kỳ nhiệm vụ gì. Tháng 3/1953, Stalin đột ngột qua đời, cuộc đời của vị nguyên soái lừng lẫy lại bước sang một trang mới, nhiều thành công nhưng cũng lắm bi kịch.
Quân bài của Khrushchev
Theo Sergei Shtemenko, người từng giữ chức Tổng tham mưu trưởng Quân đội Liên Xô giai đoạn 1948-1952, tác giả cuộc sách: Tổng tham mưu trưởng trong chiến tranh, sau khi Stalin qua đời, Liên Xô rơi vào cuộc khủng hoảng lãnh đạo.
Georgy Malenkov tạm thời giữ chức Bí thư thứ nhất, ông cùng một số người ủng hộ cố gắng để làm sạch “di sản” của Stalin. Tuy nhiên, Malenkov lại không đủ can đảm để làm một mình. Lavrentiy Beria, Phó thủ tướng thứ nhất, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, người đứng đầu an ninh và cảnh sát mật của Liên Xô dưới thời Stalin được cho là rất nguy hiểm đối với bất kỳ ai có ý định loại bỏ di sản của Stalin.
Các chính trị gia nhanh chóng tìm kiếm sự ủng hộ của những nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn đối với đất nước và quân đội. Nikita Khrushchev, lúc đó là trưởng Ban Thư ký Trung ương lập tức trọng dụng Nguyên soái Zhukov.
Với tầm ảnh hưởng sâu rộng đối với quân đội và lực lượng an ninh, Nguyên soái Zhukov không mấy khó khăn để thuyết phục họ theo mệnh lệnh của ông. Tháng 6/1953, Lavrentiy Beria bị bắt trong một cuộc họp đặc biệt của Bộ Chính trị Liên Xô, Zhukov được cho là đã tổ chức một lực lượng bí mật thay thế toàn bộ thân tín của Beria trong Điện Kremlin, tạo điều kiện cho việc bắt giữ diễn ra thuận lợi và không vấp phải sự kháng cự nào.
Tượng đài Nguyên soái Zhukov tại Quảng trường Đỏ. Ảnh: Sputnik. |
Lavrentiy Beria bị đưa ra tòa với tội danh phản quốc. Đối thủ lớn nhất bị loại bỏ, Khrushchev được bổ nhiệm làm Bí thư thứ nhất, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô. Việc nguyên soái Zhukov giúp Khrushchev loại bỏ các đối thủ chính trị đã giúp sự nghiệp của ông thăng tiến nhưng nó cũng báo hiệu những bi kịch tiếp theo đối với ông.
Năm 1955, nguyên soái Zhukov được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, có mặt trong số ít những người hoạch định chính sách của Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô. Tuy nhiên, khi trở thành người lãnh đạo cao nhất của quân đội, Zhukov một lần nữa lại trở thành “mối đe dọa” tiềm tàng đối với Khrushchev.
Ngày 4/10/1957, Georgy Zhukov rời Moscow tới cảng Sevastopol, sau đó lên tầu tuần dương Kuibyshevazot bắt đầu chuyến thăm chính thức Nam Tư (cũ) và Albania. Georgy Zhukov vừa khởi hành, Nikita Khrushchev cũng lập tức kết thúc sớm kỳ nghỉ dưỡng ở Crimea, quay trở về Moscow để chuẩn bị cho kế hoạch “lật đổ” Zhukov.
Ngày 25/10/1957, Đoàn Chủ tịch Xô viết tối cao thông qua Nghị quyết đưa vấn đề làm thế nào tăng cường công tác chính trị, tư tưởng cho lực lượng lục quân và hải quân vào nội dung thảo luận tại kỳ họp Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô tổ chức 3 ngày sau đó.
Tại cuộc họp ngày 28/10/1957, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô đã nghiêm khắc phê bình Georgy Zhukov. Về phần Nikita Khrushchev, trong bài phát biểu của mình đã không còn úp mở, vạch thẳng mặt chỉ thẳng tên: “Cần phải có biện pháp kiên quyết giải quyết vấn đề đồng chí Georgy Zhukov. Bất cứ ai nếu không phục tùng lợi ích của đảng, đảng sẽ không khoan thứ, cho dù người đó công trạng có lớn tới đâu. Điều này cần trở thành một nguyên tắc trong sinh hoạt đảng”.
Ngày 29/10/1957, nguyên soái Zhukov bị bãi nhiệm mọi chức vụ, sự nghiệp chính trị của vị danh tướng lừng lẫy năm châu kết thúc theo một cách không thể tệ hơn. Theo nhiều nhà nghiên cứu, các chính trị gia Liên Xô có nỗi sợ hãi sâu xa đối với “người đàn ông quyền lực”.
Trong cuốn hồi ký sau này của mình, Nikita Khrushchev biện minh rằng Georgy Zhukov nắm trong tay quyền lực quá lớn. Điều này bắt đầu làm cho các nhà lãnh đạo cao cấp của Liên Xô lúc bấy giờ lo lắng không yên. Nếu nguyên soái Zhukov có ý định đoạt vị, họ hầu như không thể chống đỡ, nên kế sách tốt nhất là loại bỏ ông trước.