Ít ai biết Quang Tình có một thú vui rất đỗi bình dị là ăn ốc. Nó cũng bình dị hệt như cái biệt danh Tình “con” mà những người bạn, những cổ động viên xứ Nghệ hay gọi người đội trưởng Sông Lam.
Cứ theo truyền thống ở Sông Lam thì gần như người ta mặc định chiếc băng đội trưởng phải được trao cho những tay số má. Ngày xa xưa là Hữu Thắng, thời sau là Huy Hoàng, đều là những mẫu hình “nói có người nghe, đe có người sợ”. Nhưng ở mùa giải vừa rồi, danh vị thủ quân của SLNA được HLV Ngô Quang Trường gửi gắm Quang Tình, một cái tên so về tầm vóc thì thua xa các đàn anh.
Ông Ngô Quang Trường chọn Tình không hẳn vì bản lĩnh, chuyên môn hay thâm niên vượt trội so với các cầu thủ khác. Anh chỉ là người tổng hoà được tất cả yếu tố đó, trong thời kỳ Sông Lam chảy máu. Quan trọng nhất, Tình ngoan, sạch và có tâm, đúng như cái tên bố mẹ đặt cho anh.
Quang Tình là đội trưởng duy nhất của SLNA chưa hề lên ĐTQG. Chính xác thì năm 2009, anh có nằm trong đội tuyển U21 VN dự giải U21 quốc tế báo Thanh niên tổ chức tại Bình Dương. Lứa này được coi là hạt giống ươm sẵn chờ SEA Games 2011, nhưng rốt cuộc lại rơi rớt là chủ yếu, và Quang Tình cũng nằm trong số đó.
Một chấn thương nặng ở gối và dây chằng khiến Quang Tình dang dở giấc mơ SEA Games, đồng thời cũng đóng sập mọi cánh cửa vào đội tuyển sau đó. Nhưng với bản chất không ngại khó ngại khổ của một người “nông dân” thứ thiệt (Quang Tình quê Đô Lương, hồi nhỏ từng suýt bị loại vì thể hình còi cọc nhưng đỗ “vớt” vào đội trẻ Sông Lam nhờ lực cổ chân quá “dị”), anh cặm cụi, miệt mài tìm lại chỗ đứng của mình ở CLB.
Ngày bộ ba Trọng Hoàng, Văn Bình, Văn Hoàn lần lượt bỏ Sông Lam vào Bình Dương theo những bản hợp đồng tiền tỷ, các CĐV xứ Nghệ đinh ninh rồi cũng sẽ đến lượt Quang Tình. Lúc ấy, Tình đã khỏi chân, đã sung sức trở lại và đang là tiền vệ hiếm hoi ở V.League có cú sút xa chết chóc.
Nhưng rốt cuộc, Tình không đi đâu cả. Anh ở lại sân Vinh để nhận vẻn vẹn 100 triệu đồng mang tính chất “cứu trợ”, chứ không phải là lót tay hay thương thảo. Sau này, Tình bảo anh không nỡ dứt áo trước tình cảm dạt dào của người hâm mộ quê nhà.
Đúng là ở Vinh, Quang Tình có những thứ mặn nồng đến mức sẵn sàng gạt đi cả tiền bạc. Có lần, anh tâm sự, cái giữ chân anh ở lại Sông Lam đơn giản chỉ là mấy đứa em chầu chực ngoài cổng khán đài A, đợi anh Tình đá xong trận bóng ra là khoác vai đi ăn ốc luộc. Một thói quen khó bỏ…
Cần Thơ, mảnh đất ấy quá xa xôi so với một người nặng nghĩa gia đình như Quang Tình. Nhưng Cần Thơ lại đảm bảo cho Quang Tình một khoản tiền, tuy không lớn, cũng đủ khiến anh phải suy nghĩ khi tuổi nghề chẳng còn quá dài. Khoản tiền ấy, SLNA dù cố gắng lắm cũng không đáp ứng nổi cho anh đến 7-8 phần khi đáo hạn hợp đồng.
Nhưng nếu không phải là HLV Vũ Quang Bảo gọi mời, có lẽ Quang Tình cũng chẳng bao giờ có ý định từ bỏ màu áo Sông Lam. Anh chỉ chấp nhận ra đi khi ở nơi xa ấy, có một Sông Lam thu nhỏ khác đang chờ đợi.
Ông Bảo là một người con xứ Nghệ thuần chất. Đi đến đâu ông cũng cố gắng xây dựng hội đồng hương, từ Navibank SG cho đến Lâm Đồng, và bây giờ là Cần Thơ. Đội bóng ngụ bến Ninh Kiều đang có các trụ cột như thủ môn Thế Anh, trung vệ Ngọc Mạnh, Văn Khánh… đều từ lò Sông Lam mà ra, nên Quang Tình đến đó cũng không khác về nhà.
Ấy vậy mà ngày đến trụ sở CLB SLNA nhận giấy thanh lý hợp đồng, Quang Tình vẫn gần như bật khóc. Anh lớn lên cùng Sông Lam từ U11, đến giờ đã là 28 tuổi. Một khoảng thời gian quá dài để Sông Lam gắn bó thành máu thịt.
“Tôi buộc phải rời Sông Lam là để mưu sinh. Nhưng mong ước lớn nhất của tôi là sau này, nếu có giải nghệ, cũng sẽ được giải nghệ trong màu áo Sông Lam”, Quang Tình chia sẻ.