Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nguyễn Nhật Ánh thử sức mình, phá vỡ giới hạn trong tác phẩm mới

Theo nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, nhu cầu làm mới mình là điều tự nhiên với những ai làm công việc sáng tác văn chương, dù là trên phương diện bút pháp, cấu trúc hay chủ đề.

Nguyen nhat anh anh 1

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh tại buổi ra mắt tác phẩm Tiệm sách của nàng. Ảnh: P.K.

Tiệm sách của nàng là tác phẩm "3 trong 1" đầu tiên của Nguyễn Nhật Ánh: ba câu chuyện cùng được kể song song Tiệm sách của nàng, Trước tuổi mười lămBên kia đồi Quạ, với kết cấu “truyện trong truyện”.

Tác phẩm sẽ chính thức phát hành vào ngày 6/12 - như một lời hẹn vì đều đặn hàng năm độc giả của nhà văn luôn chờ đợi "vitamin hạnh phúc" từ những trang sách của ông.

Kết cấu 3 trong 1, đan xen hiện tại, quá khứ

Chia sẻ tại buổi họp báo ra mắt sách vào sáng ngày 5/12 tại Nhà xuất bản Trẻ, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cho biết viết cuốn sách này, ông phải dụng công và vất vả hơn nhiều tác phẩm khác. Mỗi câu chuyện có bút pháp, văn phong riêng, đồng thời phải nhuần nhuyễn tạo thành một mạch tổng thể hợp lý.

Nguyễn Nhật Ánh từng có các tác phẩm Lá nằm trong lá, Cảm ơn người lớn vận dụng kết cấu "truyện trong truyện", nhưng mới dừng ở mức độ "2 trong 1". Ở lần trở lại này, ông muốn "thử sức thói quen viết của tác giả, cũng là thử thách thói quen đọc của độc giả".

Nhà văn chia sẻ lựa chọn này phát xuất từ nhu cầu làm mới mình, khám phá giới hạn bản thân của người viết.

Một điểm mới nữa, đó là lần đầu chữ “sách” xuất hiện trong tựa đề một tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh, dù hình ảnh các cuốn sách, người đọc, tiệm sách từng nhiều lần xuất hiện trong các trang sách của ông.

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh tâm sự về lần đầu đi nhà sách Ký ức về hiệu sách Nam Ngãi của tuổi thơ và những năm mở hiệu sách Kính vạn hoa đã thôi thúc Nguyễn Nhật Ánh viết tác phẩm mới ‘Tiệm sách của nàng’

Tác giả tâm sự về ký ức lần đầu được cha dẫn đến chơi ở một hiệu sách - một trải nghiệm mới mẻ với một cậu bé sinh trưởng nơi miền quê, cùng những kỷ niệm hơn 10 năm mở hiệu sách Kính vạn hoa, tất cả đã cùng nhau thôi thúc ông viết một cuốn sách mở đầu và lấy bối cảnh xuyên suốt ở một hiệu sách.

Nơi đó, nhân vật chính đã tình cờ được ôn lại tuổi niên thiếu của mình, qua góc nhìn của hai người bạn cũ năm xưa. Câu chuyện được chuyển cảnh về với thị trấn Hà Lam thuộc huyện lị Thăng Bình (cách làng Đo Đo không xa) - một bối cảnh khá quen thuộc từng xuất hiện trong một số sáng tác trước đây của nhà văn.

Điều này giúp nhân vật chính dần cởi bỏ được những khúc mắc trong quá khứ, thấu hiểu và cảm thông hơn cho chính bản thân mình và những người thân yêu xung quanh.

Nguyễn Nhật Ánh cho biết ở Tiệm sách của nàng, độc giả vẫn bắt gặp một “đặc trưng” xuyên suốt những tác phẩm của ông: đó là tinh thần đề cao sự tử tế và tính nhân văn.

Trong cuốn sách này, những nhân vật, vốn là những người bình thường như bao người, không tránh được mắc phải lầm lỗi. Nhưng sau cùng, họ luôn biết nhìn lại, hối cải. Hình ảnh những người mẹ tảo tần hy sinh cũng được tác giả khéo léo lồng ghép trong câu chuyện. Chính nhờ tình yêu thương và lòng bao dung của những người xung quanh mà mỗi người có thể mở lòng và hòa nhập lại với cuộc sống xung quanh sau những tổn thương, biến cố.

Lan tỏa tình yêu sách

Tiệm sách của nàng còn nhắc đến những tuần báo, tạp chí văn chương, vốn gắn với kỷ niệm một thời của bạn đọc yêu thích văn thơ. Thời đó, bút danh của nhiều tác giả đậm chất lãng mạn, nghe rất “kêu”: Cỏ Phong Sương, Trầm Mặc Tử, Hận Thế Nhân, Lãnh Nguyệt Hàn - là bút nhóm học trò từng được đề cập trong tác phẩm Lá nằm trong lá của cùng tác giả.

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đọc trích đoạn 'Tiệm sách của nàng' Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, người được mệnh danh "hoàng tử bé" của văn học tuổi hoa, đọc một trích đoạn mà ông yêu thích trong tác phẩm mới phát hành.

Tiệm sách của nàng còn khắc họa vẻ đẹp từ tình tri kỷ giữa những người yêu sách và thơ văn. Một thời, sách là một món ăn tinh thần không thể thiếu với nhiều người. Khi gặp nhau, tình cờ nhắc đến một tác giả hay tác phẩm nổi tiếng nào đó là người kia hiểu ngay, không phải giải thích gì thêm, thì đó là cảm giác “tri kỷ” mà người yêu sách rất thấu hiểu.

Trong Tiệm sách của nàng, bạn đọc sẽ bắt gặp cảm giác đó, khi “anh” và “nàng” gặp nhau ở tiệm sách, cùng biết về Stephan Zweig và Alberto Moravia, cùng chia sẻ thú vui tìm đọc truyện dài kỳ đăng trên tuần báo cũ… Những chi tiết đó khiến tác phẩm nhuốm màu hoài niệm và lãng mạn.

Qua tác phẩm này, tác giả mong muốn khơi gợi tình yêu đọc sách và tinh thần sáng tác văn thơ nơi độc giả. Ông nhớ lại ngày bé, những tác phẩm như truyện loài vật của Tô Hoài, Những người khốn khổ, Không gia đình, Truyện Đường rừng... đã truyền cảm hứng, nhen nhóm trong ông ước mơ lớn lên trở thành nhà văn để viết được những câu chuyện hay, hoặc ít nhất là làm chủ một hiệu sách.

Nguyễn Nhật Ánh tự nhận "Không làm nhà văn thì tôi cũng không làm được nghề gì khác, sẽ thất nghiệp". Vì lẽ đó, suốt những năm qua ông luôn duy trì nhịp sáng tác đều đặn, hầu như mỗi năm đều có tác phẩm mới trình làng.

Ông nói để làm chủ được cảm hứng sáng tạo thì nhà văn phải cọ xát, tiếp xúc với con chữ mỗi ngày. Nếu đó là công việc mình hứng thú, yêu thích thì sẽ không còn là nghĩa vụ, mà trở thành thói quen lao động.

Nguyễn Nhật Ánh sinh năm 1955 tại Thăng Bình, Quảng Nam. Ông vào TP.HCM theo học ngành Sư phạm và tốt nghiệp vào năm 1976. Ông là một trong những nhà văn Việt Nam viết cho thiếu nhi, thanh thiếu niên thành công nhất. Đến nay Nguyễn Nhật Ánh đã có hơn 100 tác phẩm các thể loại, trong đó nhiều nhất là truyện dài, cùng một số tập thơ, truyện tranh, truyện ngắn...

Ông được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam ghi nhận là nhà văn viết cho thanh thiếu niên nhiều nhất nước. Sách của ông từng nhiều lần được chuyển thể lên màn ảnh, gần đây nhất là Ngày xưa có một chuyện tình.

Tên tuổi của ông gắn liền với nhiều tác phẩm được nhiều thế hệ độc giả yêu thích như Còn chút gì để nhớ (1988), Cô gái đến từ hôm qua(1989), Mắt biếc(1990), Hạ đỏ (1991), Kính vạn hoa (1995-2002)... Nhiều tác phẩm của ông được tái bản liên tục và văn Nguyễn Nhật Ánh chưa bao giờ giảm sức hút với những người yêu mến ông.

Ông đã đoạt nhiều giải thưởng trong và ngoài nước. Năm 2010, tác phẩm Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ của ông được trao tặng Giải thưởng Văn học ASEAN. Năm 2020, Nguyễn Nhật Ánh nhận Giải thưởng lớn Hiệp sĩ Dế mèn với tác phẩm Làm bạn với bầu trời.

Ngày 29/11 vừa qua, Mùa hè không tên nhận giải Sách được bạn đọc yêu thích tại Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ VII năm 2024.

Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Tri Thức - Znews

Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Tri Thức - Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.

Trân trọng.

Phong Khang

Bạn có thể quan tâm