Nguyễn Nhật Ánh được coi là nhà văn chuyên viết truyện dành cho tuổi mới lớn, ông có rất nhiều tác phẩm thành công và đã được dựng thành phim.
Hạ đỏ khai thác triệt để tâm tình của những đứa trẻ chưa lớn hẳn, những đứa trẻ chỉ mới bước vào tuổi biết yêu, biết cảm nắng. Khi chàng trai biết rung động với một cô gái, chàng trai luôn muốn dành những điều thật vui vẻ và tốt đẹp gửi đến cho cô. Và cũng như nhiều tác phẩm cùng thể loại khác của Nguyễn Nhật Ánh, truyện có một cái kết thật bất ngờ, vẫn là một cái kết buồn, buồn nhưng hợp lý.
Chương là một công tử, sống ở thị trấn, vì được nghỉ hè nên bố mẹ cho về quê chơi, ở đây cậu được chơi những trò chơi thú vị cùng hai đứa em con nhà dì của mình. Những trò đùa ấy Chương chẳng thể kiếm ở đâu được. Rồi Chương gặp Út Thêm, cậu phải lòng cô bé, cậu thích người nhẹ nhàng như Út, cậu muốn được nhìn Út mỗi ngày, chỉ cần thế thôi.
Nhưng gia đình Út lại nghèo quá, hai chị em Út Thêm không được đi học nên chẳng biết chữ, cậu muốn gửi thư cho Út nhưng cô bé nào có đọc được đâu. Rồi cậu quyết định dạy chữ cho 2 chị em, đầu tiên chỉ là vì Út Thêm, nhưng đến cuối cùng cậu mới phát hiện ra công việc này lại khiến cậu vui vẻ đến vậy.
Tác phẩm Hạ đỏ của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. |
Ngày sắp về thành phố, cậu muốn bày tỏ lòng mình cho Út Thêm nghe. Nhưng buồn thay, Chương chưa kịp nói thì cô bé đã gửi cho cậu một tin như sét đánh, Út hơn Chương một tuổi, nhưng thế có là gì, vào cái tuổi mà cậu vẫn ăn, vẫn chơi vẫn học thì Út sắp đi lấy chồng.
Ôi cái tuổi 18 vừa mới chớm nơi em, cái tuổi đẹp nhất của thời con gái, sao em lại lỡ sa chân vào cuộc đời sớm đến vậy? Vì nhà em nghèo quá, vì em không có tiền đi học, vì đời con gái rồi cũng sẽ phải đi lấy chồng nên em lấy sớm hơn người ta một chút.
Chao ôi! Em đi lấy chồng, nhưng sao em lại lấy người anh mà Chương yêu quý nhất. Tình cảm của Chương còn chưa được thổ lộ, nó vừa đến nơi đầu môi liền trôi tuột vào tim, còn nói được gì đây, phải nói thêm gì nữa đây.
Có lần em hỏi anh sao lại thích đến nhà em thế, anh ngượng ngùng nói dối “vì anh thích cỏ may”, em cho là thật, em tặng anh cỏ may ngày anh lên đường, nhưng em ơi em nào hay biết: “Chương thích cỏ may vì cỏ giăng đầy lối đến nhà Út. Những ngày qua, cỏ may bám đầy gấu quần anh còn không gỡ hết, em gửi theo làm gì cho cỏ may đâm nhói trái tim anh”.