Mới đây, Đội tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 5, Cục CSGT (Bộ Công an) thông tin chỉ trong 4 ngày (ngày 1/4- 4/4) trên tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn đã ghi nhận 12 trường hợp ôtô nổ lốp.
Cơ quan này cũng chỉ ra nguyên nhân là thời tiết tại khu vực tỉnh Quảng Trị nắng nóng gay gắt. Nhiệt độ mặt đường có thời điểm lên tới 63 độ C (ghi nhận vào trưa ngày 1/4).
Chưa hết, trên tuyến đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn chưa có điểm dừng nghỉ, nên lốp ôtô chịu áp suất và nhiệt độ cao trong vài giờ liền, gia tăng rủi ro.
Hàng loạt xe bị nổ lốp trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn. Ảnh: CACC. |
Tuy nhiên, cũng có không ít ý kiến cho rằng có thể do chất lượng lốp và thiết kế kỹ thuật của tuyến đường. Việt Nam là nước có khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, nên với đường cao tốc, độ nhám phải nhỏ hơn thông thường ở các nước có khí hậu lạnh thì mới phù hợp. Nếu độ nhám trên đường cao tốc cao, xe chạy tốc độ cao, mặt đường nóng thì rất dễ bị nổ lốp.
Trao đổi với PV VietNamNet về vấn đề này, lãnh đạo Ban quản lý một tuyến cao tốc khẳng định cao tốc Cam Lộ - La Sơn chưa có tạo nhám. Do tốc độ lưu thông trên tuyến đường thấp (60- 80 km/h), chưa tạo nhám mà kết cấu mặt đường chỉ dừng ở bê tông nhựa như Quốc lộ 1.
“Các tuyến cao tốc như Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, Pháp Vân - Cầu Giẽ, Cầu Giẽ - Ninh Bình, Long Thành - Dầu Giây, Dầu Giây - Phan Thiết… với tốc độ tối đa lên 120 km thì mới có lớp tạo nhám. Ở những tuyến có độ nhám cao, xe chạy tốc độ lớn, mặt đường nóng thì mới xảy ra tình huống dễ bị nổ lốp xe.
Còn hiện nay cao tốc Cam Lộ - La Sơn không có lớp tạo nhám, kết cấu lớp bê tông nhựa thông thường như các tuyến quốc lộ khác, nên không đặt ra tình huống này ở đây. Nguyên nhân ở đây có chăng là do tài xế không kiểm tra kỹ lốp xe trước khi chạy vào cao tốc”, vị này nói.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, cho hay theo tiêu chuẩn sản xuất thì lốp xe ở điều kiện bình thường hoạt động, nhiệt độ hơn 60 độ C sẽ không làm nổ lốp.
Tuy nhiên, nếu lốp cũ, thiếu hơi hoặc thừa hơi, va đập trên đường với các vật sắc nhọn như đinh, đá, kim loại thì hoàn toàn có thể gây nổ lốp, nhất là khi xe chạy tốc độ cao, thời gian dài.
Tương tự, ông Đào Công Quyết, Trưởng tiểu ban truyền thông Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam, đánh giá nổ lốp trên cao tốc ảnh hưởng lớn đến vấn đề an toàn giao thông.
“Do đó, việc kiểm tra không thừa, đặc biệt phải xem xét từng lốp bị nổ mới có thể kết luận do chất lượng lốp xe hay không? Nhưng tôi nghĩ nhiều hơn đến các tình huống khác mà chất lượng lốp không phải nguyên nhân chính. Đó có thể là tuyến cao tốc dài mà không có trạm dừng nghỉ, hoặc lái xe tải thường tiết kiệm chi phí nên tận dụng lốp cũ, chở quá tải trọng…”, ông Quyết nói.
Kiểm tra lốp trước mỗi chuyến đi
Cũng liên quan đến vấn đề này, ông Lê Văn Sáu (Phó giám đốc Ban Quản lý đường Hồ Chí Minh - chủ đầu tư tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn), cho biết do đặc thù thời tiết tại đây nắng nóng, đơn vị quản lý không thể mang nước ra tưới giảm nhiệt. Để khắc phục tình trạng này, tài xế có thể dừng, đỗ ở những làn đường đất rộng trên 5-6 m để giảm ma sát, chờ lốp nguội rồi tiếp tục hành trình.
Còn ông Đào Công Quyết lưu ý, tài xế phải kiểm tra lốp thường xuyên, đặc biệt lưu ý trước khi vào đường cao tốc. Theo đó, tài xế cần kiểm tra các dấu hiệu vật lý xem có rách, bong không? Đặc biệt là kiểm tra áp suất lốp - đây là yếu tố rất quan trọng vì khi thay đổi điều kiện sử dụng thì áp suất lốp ảnh hưởng rất lớn đến khả năng duy trì tính ổn định. Lốp xe mất ổn định sẽ nổ.
“Trong trường hợp xe bị nổ lốp, lái xe phải bình tĩnh giảm tốc độ bằng cách dồn số hoặc phanh. Nhưng lúc đó phanh đã không còn như lúc xe bình thường vì độ bám của xe đã khác nên nếu phanh cũng phải cẩn thận, tránh làm mất cân bằng gây lật xe”, ông Quyết lưu ý.