Ông Hồ Minh Tấn, Trưởng Phòng tiêu chuẩn an toàn bay (Cục Hàng không Việt Nam) cho biết thời gian gần đây có một số sự cố liên quan tới an toàn bay, trong đó có lý do tới từ lỗi của nhà sản xuất tàu bay Airbus. Điển hình như vụ va chạm với vật thể bay và sự cố tàu bay của Vietnam Airlines hạ cánh tại Australia.
Về các sự cố liên quan tới tàu bay cảnh báo nhầm, khiến các chuyến bay phải hạ cánh khẩn cấp, hoặc quay lại sân bay khi vừa cất cánh, ông Hồ Minh Tấn cho biết sau các sự cố, Cục Hàng không đã làm việc với nhà sản xuất tàu bay Airbus và nhà sản xuất động cơ lắp cho dòng máy bay mới Airbus A320neo và A321neo. Nhà sản xuất Airbus đã xác nhận lỗi do vật liệu sản xuất động cơ.
Mui tàu bay của Hàn Quốc móp méo do va chạm phải vật thể bay khi hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất mới đây. Ảnh: Tiền Phong. |
Do đó, theo ông Tấn, với tàu bay mới sắp bàn giao sẽ được nhà sản xuất khắc phục triệt để. Với các tàu bay hiện các hãng hàng không của Việt Nam đang khai thác, dù vẫn an toàn, nhà sản xuất đã lên phương án khắc phục trong thời gian 10-12 tháng.
Vụ việc tàu bay của Hàn Quốc khi hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) đã va chạm phải vật thể bay, gây móp méo mui tàu bay, đại diện Cục Hàng không cho hay sự cố được xác định do máy bay va phải vật thể bay, nhưng không phải chim.
"Cục Hàng không đã làm việc với phía Hàn Quốc và đơn vị quản lý sân bay Tân Sơn Nhất để điều tra nguyên nhân, và có giải pháp quản lý thiết bị bay tại khu vực sân bay", vị này cho biết.
Về sự cố tàu bay Vietnam Airlines hạ cánh tại Australia, theo ông Tấn, chuyến bay thực hiện bình thường. Tuy nhiên, khi tàu bay tiếp cận đường băng để hạ cánh thì không ổn định, kiểm soát không lưu Australia đã phát hiện và thông báo với tổ bay. Tổ bay sau đó lấy lại độ cao và hạ cánh lần 2 đảm bảo an toàn.
“Cục Hàng không đã cử đại diện sang phối hợp với cơ quan hàng không Úc để điều tra nguyên nhân. Hiện Cục Hàng không đã tải dữ liệu chuyến bay để phân tích và đã phỏng vấn tổ bay. Nguyên nhân sơ bộ được xác định có yếu tố con người dẫn tới tiếp cận hạ cánh không ổn định”, ông Tấn nói.
Theo ông Tấn, các sự cố hàng không trong tháng 9 đã giảm rất nhiều, và Việt Nam vẫn tiếp tục giữ được thời gian 23 năm liên tục không xảy ra tai nạn hàng không nghiêm trọng.
Tuy nhiên, vừa qua có một số sự cố nghiêm trọng. Đó là vụ máy bay Boeing 737 của Hãng hàng không T’way Air (Hàn Quốc) va chạm với vật ngoại lai khi tiếp cận hạ cánh xuống Tân Sơn Nhất; máy bay Boeing 787-9 của Vietnam Airlines không thả càng khi tiếp cận hạ cánh ở sân bay Melbourne.
Các sự cố liên quan đến thiết kế, chế tạo động cơ NEO của Hãng Pratt Whitney gắn trên dòng máy bay mới Airbus A320neo, A321neo mà các hãng hàng không Việt Nam đang khai thác.
Liên quan tới cấp phép bay cho các hãng hàng không mới, Thứ trưởng GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết về nguyên tắc Bộ ủng hộ, vì thêm nhiều hãng sẽ tăng sức cạnh tranh, mang lại lợi ích nhiều hơn cho người tiêu dùng.
Theo ông Đông, hiện quy trình cấp phép bay mới cho các hãng rất chặt chẽ, như Bamboo Airways phải mất hơn 1 năm làm các thủ tục. Hàng không là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, nên việc cấp phép được xem xét rất kỹ. Trong đó, Bộ GTVT sẽ tính toán tới nhu cầu của thị trường, lộ trình phát triển, năng lực của các cảng hàng không.
Các hãng khi xin cấp phép cũng phải tính toán tới thị trường, khả năng khai thác tại các sân bay, nhân lực giám sát an toàn bay, đội bay… Chưa kể, khi mở các đường bay ra nước ngoài, các quốc gia cấp phép cũng đánh giá lại năng lực của các hãng hàng không.
Lãnh đạo Bộ GTVT cũng tiếp tục thừa nhận hạ tầng hàng không của Việt Nam còn hạn chế, trong bối cảnh thị trường hàng không tăng trưởng cao trong 10 năm qua. Ngoài sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài quá tải, một số sân bay khác cũng đối mặt nguy cơ này, như sân bay Cam Ranh, Phú Quốc…
“Bộ đang xây dựng danh mục các công trình hàng không kêu gọi đầu tư xã hội hóa, nhằm giải quyết các vướng mắc pháp lý hiện nay”, ông Đông nói.