Theo kết quả lấy mẫu nước kiểm tra, phân tích của Viện Sinh học nhiệt đới (TP.HCM), hiện tượng nước đổi màu hồng tím và bốc mùi là do tảo nở hoa.
Cụ thể, hiện tượng nước màu hồng ở đầm chứa nước trước cống số 6 tại xã Tân Hải, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, là do sự phát triển mạnh của tảo lục D. Salina, làm cho mật độ tế bào tăng cao. Đồng thời, trong tế bào tích lũy một lượng lớn sắc tố B (ký hiệu hóa học bêta) - carotene. Sắc tố này có màu hồng đỏ làm cho nước trong đầm có màu hồng.
Điều kiện môi trường thuận lợi cho D. Salina phát triển mạnh và tích lũy nhiều sắc tố B - carotene là độ mặn cao, ánh sáng mạnh và dinh dưỡng trong nước nhiều.
Nguồn nước đổi màu hồng, bốc mùi hôi thối tại khu vực cống số 6 thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: Khoa Quý. |
Loại tảo này không gây ảnh hưởng cho sinh vật và con người, ngược lại còn có ích, được các loài thủy sinh vật sử dụng như là một nguồn thức ăn. Tuy nhiên, do hàm lượng chất hữu cơ lơ lửng trong nước và tích lũy trong trầm tích ở điều kiện trao đổi nước kém, đọng lâu ngày làm cho các vi sinh vật kỵ khí hoạt động mạnh, dẫn đến phát sinh các mùi khó chịu.
Để bảo đảm môi trường nước, Viện Sinh học nhiệt đới khuyến cáo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cần cải tạo môi trường nước trong đầm để hạn chế tối thiểu mùi hôi bằng cách tăng kiểm soát và quản lý nguồn nước thải xung quanh đầm. Đồng thời, tăng cường trao đổi nước với bên ngoài đầm.