Muỗi bị thu hút khi có CO2 và mùi cơ thể người. Ảnh: DW. |
Trong một nghiên cứu được công bố ngày 19/5 trên tạp chí khoa học Current Biology, các nhà nghiên cứu đã xây một “lồng muỗi” khổng lồ để tìm ra lý do chúng luôn đốt người. Kết quả nghiên cứu cho thấy mùi cơ thể người có chứa axit chính là yếu tố hấp dẫn các loài côn trùng nhất, cùng với đó là khí CO2 mà con người thải ra trong quá trình hô hấp.
Xây “lồng muỗi” rộng 1.000 m3 để tìm câu trả lời
Trước đó, rất nhiều nghiên cứu đã tìm cách chỉ ra quá trình muỗi tìm đến và lựa chọn người chúng muốn chích. Song, theo nhà khoa học Conor McMeniman, những nghiên cứu này vẫn chưa thể tái tạo môi trường tự nhiên khiến loài muỗi bị hấp dẫn.
Do đó, ông đã hợp tác với các nhà nghiên cứu tại Viện Macha Research Trust, ở Zambia, để tạo ra một môi trường y hệt tự nhiên để nghiên cứu sâu về quá trình muỗi đốt người.
“Phần lớn nghiên cứu ở phòng thí nghiệm đều cho đám muỗi ngửi các mùi hương khác nhau trong một không gian rất nhỏ. Chúng thường là các hộp thí nghiệm rộng khoảng 0,5 m3 hoặc nhỏ hơn.
Với nghiên cứu ở Zambia, chúng tôi sử dụng một chiếc lồng khổng lồ tương tự sân băng rộng gần 1.000 m3, gấp 2.000 lần so với quy mô thí nghiệm trước đây”, nhà khoa học McMeniman của Viện nghiên cứu sốt rét, trường Y tế công Johns Hopkins Bloomberg nói với Gizmodo.
"Lồng muỗi" được xây dựng để nghiên cứu về thói quen đốt người của muỗi. Ảnh: Julien Adam. |
“Chúng tôi muốn xây dựng một hệ thống để nghiên cứu về thói quen của loài muỗi châu Phi trong môi trường tương đồng với tự nhiên”, McMeniman cho biết. Các nhà nghiên cứu muốn tìm ra xu hướng loài muỗi chọn cơ thể người để đốt thông qua mùi hương, quan sát khả năng ngửi mùi của chúng trong phạm vi khoảng 20 m.
Lồng muỗi này được phân chia thành các khu vực khác nhau và ngăn cách bởi các tấm sưởi, có nhiệt độ tương tự da người. Rải rác bên ngoài chiếc lồng khổng lồ là 6 chiếc lều với 6 tình nguyện viên bên trong và được che chắn kỹ càng. Không khí bên trong lều có chứa hơi thở và mùi cơ thể người cùng khí CO2 sẽ được truyền qua các ống dẫn dài, đến những tấm sưởi ngăn cách nhằm thu hút muỗi.
Mỗi đêm, các nhà khoa học sẽ thả 200 chú muỗi vào chiếc lồng khổng lồ với hệ thống camera theo dõi mọi hành vi của chúng. Nếu có muỗi đáp cánh trên các tấm sưởi, các nhà khoa học sẽ kết luận chúng đã bị thu hút và sẽ hút máu người.
Kết quả cho thấy chỉ nhiệt độ người vẫn không đủ hấp dẫn với loài muỗi. Chúng chỉ bị thu hút khi có CO2 và mùi cơ thể người được truyền qua. Trong đó, mùi cơ thể người chính là yếu tố hấp dẫn chúng nhất.
“Trong nghiên cứu này, chúng tôi đã phát hiện mùi cơ thể chính là nhân tố khiến giống muỗi gây bệnh sốt rét tìm đến và hút máu vật chủ thông qua độ ấm da người tỏa ra”, McMeniman chia sẻ.
Mùi cơ thể yêu thích của muỗi là mùi gì?
McMeniman cho biết không gian rộng lớn của lồng thí nghiệm cho phép các nhà khoa học so sánh mùi hương của 6 tình nguyện viên khác nhau cùng một lúc, đồng thời so sánh độ hấp dẫn muỗi của mùi cơ thể người với khí CO2. Bên cạnh đó, nghiên cứu còn chỉ ra cách thức loài muỗi hoạt động vào ban đêm và thời điểm hoạt động sôi nổi nhất của chúng là khoảng 22h-2h.
Nghiên cứu sẽ giúp các nhà khoa học tìm cách để con người ít bị muỗi đốt hơn. Ảnh: CBS News. |
Theo các nhà khoa học, mùi hương cơ thể của một số người sẽ đặc biệt hấp dẫn muỗi. “Những người thu hút nhiều muỗi nhất thường có mùi hương chứa rất nhiều axit carboxylic và acetoin được tạo ra bởi hệ vi sinh trên da”, McMeniman cho biết.
Trong khi đó, những người ít bị muỗi đốt trong thí nghiệm lại là những người có chất eucalyptol trong mùi cơ thể và không có những chất tìm thấy trên các tình nguyện viên khác như axit carboxylic.
Theo Gizmodo, nghiên cứu này đã chỉ ra một lượng lớn eucalyptol trong mùi cơ thể chính là yếu tố hấp dẫn loài muỗi nhất. “Việc nghiên cứu về những hợp chất có trong mùi cơ thể người thu hút muỗi rất quan trọng vì nếu nhận ra những hợp chất này, chúng ta sẽ tìm cách để ít bị muỗi đốt hơn”, nhà nghiên cứu McMeniman chia sẻ.
Bên cạnh đó, nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí khoa học Current Biology cũng giúp các nhà khoa học tìm ra những cách bẫy và bắt côn trùng hiệu quả hơn.
Chia sẻ với CBS News, Tiến sĩ Leslie Vosshall tại Howard Hughes Medical Institute tỏ ra rất hứng thú với nghiên cứu này. “Tôi cho rằng đây là một nghiên cứu rất thú vị. Lần đầu tiên có kiểu nghiên cứu thực hiện với quy mô lớn như thế”, Tiến sĩ nói.
Những nhà khoa học tiên phong
"Những nhà khoa học tiên phong" là một cuốn sách thú vị về lịch sử của những phát minh nổi tiếng. Để có được những đóng góp vĩ đại cho nhân loại, các nhà khoa học nổi tiếng đã làm việc với lòng say mê và tinh thần học hỏi không ngừng.