Trưa ngày 22/1, thị trường tiền mã hóa tiếp tục ghi nhận điều chỉnh giảm. Bitcoin (BTC) đã rơi xuống mốc 35.200 USD, mức thấp nhất kể từ tháng 7/2021. Tính từ đỉnh 68.000 USD vào đầu tháng 11/2021, đồng tiền này đã mất 48% giá trị. Việc BTC sụt giảm mạnh khiến cả thị trường lao đao. Ethereum, Solana, Polkadot, các đồng tiền nền tảng lần lượt ghi nhận giảm 48%, 60% và 67% kể từ tháng 11/2021.
Gần 1.400 tỷ USD vốn hóa của toàn thị trường đã bị quét sạch tính từ đỉnh hôm 10/11/2021. Theo Bloomberg, đây là đợt điều chỉnh mạnh thứ 2 trong lịch sử thị trường tiền mã hóa tính theo USD.
BTC điều chỉnh mạnh về mốc 35.200 USD vào trưa ngày 22/1. Ảnh: CoinMarketCap. |
“Tiền mã hóa bị ảnh hưởng mạnh hơn thị trường truyền thống trong các đợt điều chỉnh do tiền số vẫn còn non trẻ. Khi đánh giá ảnh hưởng, cần xem xét ở góc độ vốn hóa thị trường và cả phần trăm”, chuyên gia phân tích tại quỹ đầu tư Bespoke Investment Group nhận định.
Đi theo bước chân thị trường truyền thống
Tiền mã hóa ngày càng di chuyển cùng chiều với thị trường tài chính truyền thống. Cổ phiếu các công ty có hoạt động kinh doanh gắn với tiền mã hóa ghi nhận sụt giảm cùng thời điểm với sự biến động giá của Bitcoin. Cổ phiếu Coinbase, sàn giao dịch tiền mã hóa lớn nhất tại Mỹ mất 18% giá trị trong ngày 21/1 theo giờ Mỹ, đợt giảm sâu nhất kể từ khi được phát hành.
MicroStrategy, công ty sở hữu hơn 124.000 BTC mất 22% giá trị trong phiên giao dịch 21/1 theo giờ Mỹ. Cả MicroStrategy và Coinbase đều được niêm yết trên sàn Nasdaq.
Chia sẻ với Zing, tiến sĩ Võ Đình Trí, giảng viên tại Đại học Kinh tế TP. HCM và IPAG Business School Paris đánh giá thị trường tiền mã hóa có liên hệ khá chặt với cổ phiếu công nghệ, đặc biệt là các cổ phiếu tăng trưởng. Ông Trí cho biết các nhà đầu tư tiền mã hóa thường nắm giữ các cổ phiếu trên sàn Nasdaq, nên khi thị trường công nghệ Mỹ giảm, tiền mã hóa bị kéo theo.
Giá của BTC (màu cam) so với lãi suất trái phiếu Mỹ (xanh). Ảnh: TradingView. |
Nasdaq là sàn giao dịch cổ phiếu lớn thứ hai tại Mỹ. Đây là nơi được nhiều công ty công nghệ lựa chọn niêm yết cổ phiếu của mình.
Theo Coinglass, nền tảng thông tin về tiền mã hóa, hơn 239.000 nhà đầu tư đã đóng vị thế của mình trong 24 giờ qua. “Sự kiện này nhắc nhở chúng ta nên xem Bitcoin như một tài sản đầu tư rủi ro cao hơn là sản phẩm phòng hộ cho cổ phiếu”, Katie Stockton, nhà sáng lập và giám đốc tổ chức phân tích kỹ thuật Fairlead Strategies đánh giá.
Tình hình hiện tại dấy lên quan ngại về mùa đông tiền mã hóa. “Thị trường phái sinh cho thấy tín hiệu tiền mã hóa đang đi vào xu hướng giảm. Các yếu tố vĩ mô hiện tại cũng không ủng hộ cho sự tăng trưởng tiếp tục trong ngắn hạn”, Noelle Acheson, trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường tại Genesis Global Trading cho biết.
Yếu tố pháp lý
Thị trường tiền mã hóa đang bị chững lại tạm thời do các vấn đề pháp lý. Hôm 19/1, Gary Gensler, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Mỹ hy vọng các sàn giao dịch tiền mã hóa và tiền ổn định giá (stablecoin) sẽ được pháp lý hóa trong năm 2022.
“Tôi nghĩ không nên đặt ra mốc thời gian cụ thể, nhưng tôi sẽ cố gắng để vấn đề pháp lý sớm được giải quyết”, ông Gensler chia sẻ với Yahoo Finance.
Theo ông Võ Đình Trí, chính phủ Mỹ và các quốc gia thuộc liên minh châu Âu đang làm chậm lại quá trình hợp thức hóa. Ông Trí đánh giá chính quyền tại Mỹ và châu Âu đã có những chấp nhận đối với các sản phẩm tiền mã hóa như sàn giao dịch tập trung (CEX), thanh toán bằng tiền mã hóa nên vấn đề thống nhất những vướng mắt hiện nay chỉ là thời gian.
Đối lập với sự thông suốt tại Mỹ và châu Âu thì Nga, Trung Quốc lại có các bước đi tiêu cực. Các lệnh cấm, đặc biệt tại Trung Quốc gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến vốn hóa thị trường.
Lượng máy đào tính theo quốc gia. Ảnh: CBECI. |
Các lệnh cấm tại Trung Quốc vào tháng 5 khiến thị trường tiền mã hóa mất 40% vốn hóa trong ngày 19/5/2021. Hôm 20/1, Reuters cho biết Nga đã đề xuất lệnh cấm sử dụng tiền số và đào coin nhằm đảm bảo an ninh tiền tệ của quốc gia này. Nga đứng thứ 3 trong danh sách các nước có lượng máy đào coin nhiều nhất thế giới
Theo CNBC, hành động của Trung Quốc và Nga nhằm mở đường cho việc ra mắt đồng tiền số do Ngân hàng Trung ương của 2 quốc gia này phát hành. Ngoài ra, giám sát dòng tiền ra vào lãnh thổ là điều được quan tâm hàng đầu đối với Nga và Trung Quốc. Tiền mã hóa khó có thể giám sát chặt chẽ được như tiền pháp định.
Vấn đề môi trường cũng là một yếu tố dẫn đến hành động này. Trung Quốc đứng số một xét về lượng máy đào trên lãnh thổ nước này trước khi lệnh cấm đào coin được ban hành. Nước này đã đặt mục tiêu không có khí thải carbon vào năm 2060 và các hoạt động liên quan đến đào Bitcoin sử dụng nhiều năng lượng. Lệnh cấm được xem là hành động củng cố cho kế hoạch trên.