Hơn 2 tháng kể từ khi lập đỉnh mới trên 69.000 USD vào tháng 11/2021, giá Bitcoin đã giảm hơn 43%. Những tác động từ kinh tế thế giới được cho là nguyên nhân chính khiến nhà đầu tư dần rút khỏi thị trường tiền mã hóa.
Vào 11h sáng 21/1, giá Bitcoin giảm xuống chỉ còn 38.700 USD. Chỉ trong 11 giờ tính từ đêm 20/1, đồng tiền mã hóa quan trọng nhất thị trường đã mất hơn 10% giá trị.
Các loại tiền mã hóa khác cũng mất giá mạnh. Ethereum, Binance Coin hay Cardano, Solana, những loại coin còn lại trong nhóm 5 loại tiền mã hóa có vốn hóa cao nhất đều mất trên 10% trong cùng khoảng thời gian. Theo Coinglass, chỉ sau 24 giờ khoảng 700 triệu USD giá trị các lệnh của nhà đầu tư đã "bốc hơi" khỏi thị trường.
Sau khi có sự hồi phục nhẹ vào cuối ngày 20/1, giá Bitcoin lại giảm mạnh sáng 21/1 và mất mốc 40.000 USD. Ảnh: TA. |
Việc hạ xuống quá mức 40.000 USD là tín hiệu nguy hiểm cho Bitcoin, bởi đây được coi là vùng hỗ trợ mạnh cho đồng tiền mã hóa này. So với mức kỷ lục 68.700 USD/BTC được thiết lập hôm 10/11, Bitcoin đã giảm giá gần 43%.
Sự giảm giá của Bitcoin trong hơn 2 tháng qua được cho có tác động từ tình hình kinh tế, tài chính thế giới. Bitcoin và tiền mã hóa nói chung vẫn được coi là loại tài sản có rủi ro cao. Do vậy, khi nhiều ngân hàng trung ương đề xuất tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát, các loại tài sản rủi ro sẽ bị giảm tỉ trọng.
"Nếu chính sách tiền tệ nới lỏng là một trong những 'chất xúc tác' chính, giúp Bitcoin bùng nổ trong 2 năm qua, thì thế giới tiền mã hóa có thể bước vào một năm 2022 khó khăn hơn. Bởi các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới, bao gồm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), đang chuyển sang chế độ thắt chặt", chuyên gia tài chính Craig Erlam (có trụ sở ở London) nhận định.
Ông Jay Hatfield, Giám đốc Điều hành của Infrastructure Capital Advisors, cũng đồng ý với nhận định toàn bộ thị trường tiền mã hóa sẽ chịu sức ép khi Fed giảm lượng tiền bơm vào nền kinh tế.
Trong khi đó, các thông tin gần đây cũng ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường. Ngày 20/1, Ngân hàng Trung ương Nga đề xuất cấm sử dụng và khai thác tiền mã hóa trên lãnh thổ vì lo ngại ảnh hưởng sự ổn định tài chính, phúc lợi của người dân và chính sách tiền tệ.
Ngoài ra, một loạt những vụ hack gần đây với số tiền thiệt hại hàng chục triệu USD cũng khiến nhà đầu tư giảm niềm tin vào những công ty lớn. Sàn tiền mã hóa crypto.com là nạn nhân mới nhất khi bị tấn công và lấy đi 33 triệu USD, thậm chí hacker đã kịp rửa tiền qua nền tảng Tornado Cash.
Tuy nhiên, cũng có một số chuyên gia tư vấn đầu tư lạc quan về triển vọng của thị trường tiền mã hóa trong thời gian tới. Chia sẻ với Bloomberg, ông Harry Yeh, nhà sáng lập kiêm giám đốc quỹ đầu tư Quantum Fintech Group cho rằng khi toàn bộ thị trường điều chỉnh giảm, stablecoin đang đem đến nhiều tin tích cực.
Ông Harry cho rằng các hoạt động in thêm và nhiều dự án đồng tiền ổn định giá (stablecoin) được thành lập minh chứng cho dòng vốn mới đang đổ vào thị trường tiền số.
Ngoài thị trường tiền mã hóa, nhiều loại cổ phiếu công nghệ cũng bị ảnh hưởng. Chỉ số Nasdaq giảm 5% trong tuần qua, còn S&P 500 đã mất giá 3 tuần liên tiếp.