Trời, già Hy chơi kỳ, sao lại bay lúc nửa đêm, lúc bạn bè ông đang theo đuổi những giấc mộng nhập nhoạng của riêng mình, sao cứ lẳng lặng không thèm e hèm kêu ê nhỏ Tư, ta đi trước à nghen. Trong đầu chỉ nghĩ mỗi ý nghĩ đó lúc hay tin ông Tư mất.
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Ảnh tư liệu. |
Hết cơn choáng váng, nghĩ lại đi kiểu vậy mới đúng điệu già Hy, giống y mấy chục năm trước, ông nói “đi chỗ khác chơi” là đi một nước, bỏ chốn eo sèo về vườn nghe bẹ dừa rụng ngó bông cau rơi. Từ chối tới lui chỗ văn giới hội hè, mà ông gọi là “bẹo hình bẹo dạng”.
Và giờ, thêm một lần nữa ông Tư sống đúng như chữ của mình, quyết liệt hơn, đi chơi trời khác. Cho đến cuối cùng, ông Tư cũng thuyết phục được nhiều bạn đọc, rằng có những nhà văn (ít thôi), chữ là người. Và ông cũng giữ đúng giao kèo với tôi, thấy vắng tức là đã đi, khỏi dựa cửa ngó theo, khỏi vẫy tay ngậm ngùi, kiểu mà tôi kêu ớn.
Với tôi, có quý ông Tư cỡ nào, có giả bộ quên sống chết lẽ thường thì mỗi lần thăm thấy ông yếu đi, giọng nói khó nghe dần, không thể lần vách ra bàn trà đặt ngoài chái để ngồi chơi, khách đều nghĩ đến ngày ông bay, và từ giã lần này có khi lần chót, dù lần nào ông cũng rủ ê nhỏ, lần sau ghé chơi. Lời hẹn mà lần đầu nghe tôi đã phì cười ông già tám mấy tuổi mà tự tin hết sức.
Từ buổi ấy tới giờ cũng gần mười lăm năm, nghĩa là có quá nhiều thời gian để tôi và ông Tư có những cuộc giã từ tử tế mà không thấy ấm ức khi một trong hai rời đi. Những gì cần nói, đã nói. Kể cả đem cái chết ra cà rỡn, kiểu như “chừng chú ra vườn, mấy anh đạo tì rinh khỏe re, nhẹ quá mà”.
Chữ nhẹ đa nghĩa, thân xác nhẹ như chiếc bình đựng một tâm hồn cũng nhẹ tênh, không bị danh lợi, tham vọng níu ghì. Chỉ chữ nghĩa nằm trong những sách kia thì nặng, và chúng thì ở lại, xa thân.
Chuyến đi này của ông Tư, tôi coi như một người bạn sắp dọn ở chỗ xa chắc lâu lắm mới gặp lại (chắc chắn sẽ gặp lại, tin vậy). Mà chúng tôi cũng đã dặn nhau rồi, không gọi điện nói chuyện, không ghé thăm cũng không có nghĩa là không nhớ tới nhau.
Quy tắc này ứng vô người âm kẻ dương vẫn hợp. Tiếc, là tiếc ông viết ít quá, để lại chỉ vài ba cuốn sách, đọc không đã. Mà miền Tây kiếm đâu ra kiểu văn thủy tinh ấy, tồn tại qua nửa thế kỷ vẫn sáng và sang. Hồi ông Ba Chim Trắng còn sống, ông bảo con Tư phải làm mọi cách bắt ông Tư đem bản thảo hồi xưa ra, “thằng chả còn giữ, nhưng giấu”.
Nhiệm vụ ông Ba giao tôi không hoàn thành. Nhưng hai ông chơi với nhau lâu năm, chắc ông Ba sẽ hiểu bạn mình, không khoe tác phẩm (nếu chưa thất lạc sau mấy bận chuyển nhà), chắc phải có lý do, nhất là bạn ông Ba lại là người chưa bao giờ dễ dãi, chưa bao giờ thôi nghiêm cẩn với chữ.
Ờ, mà bây giờ có khi hai ông đã gặp nhau, đang ngồi cạnh tôi mà tội nghiệp cho con nhỏ vẫn còn lặn ngụp trong mớ chữ mớ đời.