Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nguyễn Hữu Cảnh - con đường đắt đỏ và đau khổ nhất Sài Gòn

Nhìn từ xa, đường Nguyễn Hữu Cảnh về đêm như một Singapore. Những ánh đèn từ các căn hộ sang trọng nhất Sài Gòn lung linh như viên ngọc, nhưng sau vẻ kiêu sa ấy là nỗi đau khổ.

T

heo thống kê của Sở Giao thông Vận tải (GTVT), đường Nguyễn Hữu Cảnh với chiều dài 3 km nhưng đang phải oằn lưng với 5 khu phức hợp gồm chung cư, bệnh viện, trường học, trung tâm thương mại. Chỉ riêng con đường này đã “gánh” hơn 18.500 căn hộ cao cấp.

Sở GTVT cho biết tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh được xây dựng trên nền đất yếu, lưu lượng giao thông lớn và tình hình phát triển đô thị dọc hai bên tuyến đường quá nhanh nên đã bị xuống cấp, nền mặt đường lún sâu làm hư hỏng hệ thống thoát nước gây ngập nước thường xuyên. Đây được coi là điểm đen về ùn tắc giao thông, ngập nước.

Đường Nguyễn Hữu Cảnh là bài học đắt giá nhưng không thể sửa chữa.

Tiến sĩ Trần Quang Thắng

Trao đổi với Zing.vn bên lề kỳ họp thứ 6 của HĐND TP.HCM đang diễn ra, tiến sĩ Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TP.HCM, cho rằng thực trạng của đường Nguyễn Hữu Cảnh là một bài học đắt giá nhưng không thể sửa chữa. Nó chỉ có tác dụng cảnh báo cho người dân thông minh hơn trong lựa chọn kế tiếp, cũng như chính quyền cần cân nhắc kỹ hơn trong cấp phép xây dựng các khu chung cư cao tầng.

Không thể sửa

- Ông có nói TP.HCM được xây dựng trên nền đất yếu do vậy không nên xây dựng chung cư, nhà cao tầng tại một điểm. Trong trường hợp này, ông nhìn nhận như thế nào với hiện trạng ở đường Nguyễn Hữu Cảnh, nơi như đang muốn ngạt thở bởi khu chung cư và nhà cao tầng?

- Chính vì bê tông hoá như thế nên giờ đường này ngập tràn lan. Trước kia, đường có ngập nhưng thoát nước dễ hơn. Khi đó, đất trống còn nhiều, nước ngấm vào đất, giờ chỉ còn lại xi măng và bê tông thì nước biết chảy đi đâu? Nguyên nhân ở đây là do quá nhiều hệ thống bê tông, nhà chung cư. Không chỉ khu vực Nguyễn Hữu Cảnh, khu quận 2 cũng gặp tình trạng tương tự.

Với tình trạng như vậy, hệ thống giao thông cũng khó có thể hoạt động trong bối cảnh sụt lún và ngập nước. Tôi cho rằng phải có sự can thiệp của chính quyền để hài hoà mức độ cư dân chứ không thể chạy theo nhu cầu của nhà đầu tư. Nhà đầu tư họ chỉ lo cho lợi ích của họ thôi, còn vấn đề hệ quả thì cộng đồng chịu.

- Tại đường Nguyễn Hữu Cảnh, có tới 5 khu phức hợp với hơn 18.500 căn hộ trên 3 km đường. Ông đánh giá như thế nào về trường hợp này?

- Đương nhiên chất lượng sống sẽ rất tệ dù rằng nhìn xa chúng ta thấy huy hoàng. Khi trời mưa, ngập lụt và tắc đường, những cư dân ở đó mới thấy được mặt trái của nó. Nhưng đó là lựa chọn của họ. Biết đâu sau đó họ có thể có lựa chọn khác thông minh hơn.

Sai Gon: 3 km duong ganh 18.500 can ho anh 3
Tiến sĩ Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TP.HCM. Ảnh: Hà Hương.

Ở đây, việc quy hoạch đã không tính đến yếu tố bảo đảm chất lượng sống, hạ tầng đồng bộ. Những vấn đề đó sẽ được rút kinh nghiệm trong các dự án tương lai. Đường Nguyễn Hữu Cảnh có thể xem như một bài học để các công trình sau này không còn bất hợp lý nữa.

- Vậy theo ông, sửa chữa tình trạng ngập lụt và xuống cấp của đường Nguyễn Hữu Cảnh như thế nào cho hợp lý?

- Việc sửa chữa cho đường Nguyễn Hữu Cảnh cực kỳ tốn kém. Người ta đã thử giải pháp siêu máy bơm nhưng lại không thể chống ngập được vì kẹt rác. Còn nâng nền là một biện pháp cực kỳ thụ động và vô nghĩa vì cứ nâng mãi, nâng đến lúc nào cảnh quan không còn đẹp luôn. Đó là một giải pháp không căn cơ.

Chung cư dày đặc gây hệ lụy lâu dài

- Vừa qua, cử tri các quận kiến nghị việc xây dựng quá nhiều chung cư và nhà cao tầng ở nội đô đã tạo áp lực lớn lên hệ thống giao thông. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

- Tôi cho rằng số lượng chung cư dày đặc sẽ gây ra nhiều hệ luỵ lâu dài. Đó là trở ngại giao thông, lún đường gây ngập lụt. Bên cạnh đó hệ thống thoát nước chưa tốt cùng triều cường làm trầm trọng thêm tình hình.

Nói về đô thị thông minh thì điều này thực ra không thông minh chút nào. Thông minh là bố trí hài hoà hợp lý số lượng chung cư trong nội đô. Xây chung cư nhiều chỉ có lợi cho nhà đầu tư chứ chắc chắn không có lợi cho cộng đồng. Ban đầu có thể tiện lợi nhưng về lâu dài sẽ gây nhiều phiền toái. Nói điều này chắc chắn các nhà đầu tư sẽ phản ứng rất dữ dội.

- Ông nghĩ sao về quan điểm cho rằng đô thị thông minh dựa phần lớn vào giao thông công cộng, vì thế lượng chung cư nhiều dễ đặt trạm metro và xe buýt để phục vụ nhu cầu cư dân?

- Nếu quá đông thì không metro và xe buýt nào chịu nổi. Ở nước ngoài cũng không có chuyện dân cư tập trung dày đặc. Tôi cho rằng lý giải đó không hợp lý. Ở mức độ vừa phải thì giao thông mới thuận lợi. Mega metro thì cũng chỉ chứa được 500-700 người chứ không thể chịu đựng được nhiều hơn.

5 khu phức hợp và 18.500 căn hộ chung cư

5 khu phức hợp nằm trên đường Nguyễn Hữu Cảnh bao gồm: The Manor (1.000 căn hộ), Saigon Pearl (1.500 căn hộ và 126 biệt thự) đã đi vào hoạt động nhiều năm nay. Dự kiến tới năm 2018, hai khu phức hợp Vinhomes Central Park và Vinhomes Golden River (khoảng hơn 15.000 căn hộ, trường học, bệnh viện) và SunWah Pearl (khoảng hơn 1.000 căn) sẽ tạo áp lực giao thông ngày càng tăng trên tuyến đường.

Giá căn hộ ở khu vực này giao động từ 60-100 triệu đồng/m2, biệt thự từ 250-300 triệu đồng/m2.

Đường Nguyễn Hữu Cảnh ngập nặng sau cơn mưa kéo dài 1 giờ Trưa 17/10, cơn mưa chỉ kéo dài hơn 1 tiếng nhưng đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh, TP.HCM lại ngập sâu trong nước. Người dân vất vả lội nước qua đường ngập.

Chi gần 14.000 tỷ, người Sài Gòn vẫn chưa thoát được kẹt xe, ngập nước

Dù UBND TP.HCM đã chi gần 14.000 tỷ đồng để giảm ùn tắc giao thông và ngập nước nhưng cử tri phản ánh tình trạng này vẫn chưa được khắc phục.

Hà Hương thực hiện

Bạn có thể quan tâm