Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bí thư Nhân yêu cầu giám sát việc giải quyết khiếu nại ở Thủ Thiêm

Bí thư Thành uỷ TP.HCM đề nghị năm 2018, HĐND TP giám sát việc giải quyết khiếu nại liên quan đền bù giải phóng mặt bằng ở Thủ Thiêm và Khu công nghệ cao TP.

Sáng 4/12, phát biểu tại Kỳ họp thứ 6 HĐND TP.HCM khoá IX, Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đề nghị trong năm 2018, HĐND tập trung giám sát việc giải quyết khiếu nại liên quan đến giải phóng mặt bằng tại Khu đô thị Thủ Thiêm và Khu công nghệ cao. Bí thư Nhân cũng yêu cầu phải công khai các kết luận thanh tra để người dân được biết.

Giải quyết các điểm nóng về khiếu kiện kéo dài

Người đứng đầu Thành uỷ TP.HCM cũng chỉ ra rằng sở dĩ người dân khiếu kiện kéo dài vì các kiến nghị không được giải quyết.

Ông Nguyễn Thiện Nhân dẫn lại trường hợp tiểu thương chợ An Đông (quận 5) bãi thị do các bức xúc kéo dài nhiều năm. Sau sự kiện này, UBND TP, Quận uỷ quận 5 đã đánh giá tình hình, thấy rằng Ban quản lý chợ đã có nhiều việc làm chưa đúng. Chỉ khi thay thế Trưởng ban quản lý chợ, giải đáp những thắc mắc của người dân thì tình hình mới được cải thiện.

Ky hop thu 6 HDND TP.HCM anh 1
Khiếu kiện về đất đai tại Khu đô thị Thủ Thiêm đã dai dẳng nhiều năm chưa được giải quyết. Ảnh: Lê Quân.

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cho rằng trong năm 2018, UBND TP cần chọn 1 số điểm khiếu kiện kéo dài để tập trung giải quyết. Trong đó, phải rà soát và xử lý các bức xúc liên quan đến việc giải phóng mặt bằng tại Khu đô thị Thủ Thiêm (quận 2). “Nếu chúng ta khẳng định đúng thì giữ, nếu sai thì phải nhìn nhận khuyết điểm và sửa chữa”, ông Nhân nhấn mạnh.

Ông  Nguyễn Thiện Nhân cũng nhìn nhận có nhiều trường hợp, chính quyền chưa thực sự tiếp nhận hết ý kiến của người dân để thay đổi. Trong nhiều trường hợp, chính người dân phát hiện ra tham nhũng, tiêu cực rồi báo chí phản ánh. “Chúng ta có đủ nguồn nhưng chưa xử lý tốt. Đây chính là cơ hội để khắc phục”, ông Nguyễn Thiện Nhân nói.

Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, vừa rồi Thành uỷ ra quyết định kỷ luật 4 tổ chức đảng và nhiều cá nhân, trong đó, kỷ luật một số đảng viên chủ chốt. Bí thư Thành uỷ cho rằng những vi phạm này không thể chỉ có 1 cá nhân biết mà nhiều người biết nhưng không góp ý.

“Điều này cũng phản ánh yếu kém của Thành uỷ, giám sát đảng viên còn chậm, để vi phạm kéo dài’, người đứng đầu Thành uỷ bày tỏ.

Đối với công tác cán bộ, Thành uỷ cũng yêu cầu nếu người đứng đầu quản lý kém nhưng chưa đến mức phải kỷ luật thì phải giải quyết, sắp xếp công việc khác. Theo ông Nhân, ở đâu có thành công thì có công của cấp uỷ nhưng có vấn đề thì cũng là có lỗi của cấp uỷ.

TP.HCM thể chế hóa các dự án hợp tác công tư BT

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân đánh giá năm 2017 cũng là năm có nhiều thể nghiệm theo hướng hoàn thiện thể chế trên địa bàn. Thành phố đã rà soát lại phương thức thực hiện dự án hợp tác công tư (BT) và thấy rằng quy trình chưa thống nhất, lợi ích các bên chưa hài hoà.

“Trong tháng 12, TP sẽ trình Quy trình thực hiện dự án hợp tác công tư BT trên địa bàn. TP.HCM là địa phương đầu tiên trong cả nước thể chế hoá loại hình này”, ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.

Ky hop thu 6 HDND TP.HCM anh 2
TP.HCM là địa phương đầu tiên trong cả nước đề xuất quy trình thực hiện dự án hợp tác công tư BT. Ảnh: Lê Quân.

Theo báo cáo, đầu tư tại TP.HCM đạt 365.700 tỷ trong năm 2017, bình quân mỗi ngày 1.000 tỷ đồng được đầu tư các nguồn tại TP. Mỗi ngày, thu ngân sách đạt 930 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Thiện Nhân khẳng định sang năm 2018, TP còn phải thu nhiều hơn, trách nhiệm lớn hơn nữa khi Nghị quyết về cơ chế đặc thù chính thức có hiệu lực (từ 15/11/2018). Trong đó, HĐND sẽ quyết định các chính sách về chuyển đổi mục đích sử dụng đất, phân chia ngân sách, chính sách tiền lương cho công chức, chính sách đầu tư...

“Quốc hội cho phép HĐND TP quyết định là biện pháp rút ngắn thời gian. Quyền chủ động cao hơn thì trách nhiệm cũng nặng nề hơn”, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ.

Bên cạnh đó, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cũng kỳ vọng đề án đô thị thông minh nhằm đảm bảo tăng trưởng kinh tế tương đối nhanh và bền vững. Ông Nhân nói: “Mô phỏng hiện nay cho thấy phải hơn 100 năm nữa TP mới đủ đường giao thông theo chuẩn quốc tế. Từ đó, chúng ta thấy được rằng không thể phát triển giao thông như hiện nay”.

Chi gần 14.000 tỷ, người Sài Gòn vẫn chưa thoát được kẹt xe, ngập nước

Dù UBND TP.HCM đã chi gần 14.000 tỷ đồng để giảm ùn tắc giao thông và ngập nước nhưng cử tri phản ánh tình trạng này vẫn chưa được khắc phục.

Hà Hương - Hoài Thanh

Bạn có thể quan tâm