Sáng 4/12, kỳ họp thứ 6 HĐND TP.HCM đã khai mạc. Phó chủ tịch UBND Lê Thanh Liêm thay mặt UBND TP báo cáo tình hình kinh tế - văn hoá – xã hội năm 2017, nhiệm vụ giải pháp năm 2018.
Chi gần 14.000 tỷ đồng giảm ùn tắc và ngập nước
Theo Phó chủ tịch Lê Thanh Liêm, chương trình giảm ùn tắc giao thông đã tập trung giải quyết 37 điểm ùn tắc. Đến nay, đã có 16 điểm có tình hình chuyển biến tốt, 14 điểm ít chuyển biến và 7 điểm có tình hình giao thông vẫn phức tạp.
UBND TP đã thực hiện nhiều giải pháp, xây công trình và phân luồng, điều chỉnh hướng tuyến nhằm kéo giảm ùn tắc giao thông. Vốn ngân sách đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thực hiện chương trình giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông năm 2017 là hơn 11.300 tỷ đồng.
Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân và Chủ tịch HĐND Nguyễn Thị Quyết Tâm tại buổi khai mạc sáng 4/12. Ảnh: H.Hương. |
Năm 2017, TP đã đưa vào sử dụng hàng loạt công trình giảm ùn tắc như: Cầu vượt thép tại nút giao ngã 6 Gò Vấp, cầu vượt chữ Y trên đường Trường Sơn (trước cổng vào sân bay Tân Sơn Nhất) và nhánh cầu vượt Hoàng Minh Giám - Nguyễn Thái Sơn giúp xá điểm đen về ùn tắc giao thông tại khu vực này.
Đối với chương trình giảm ngập nước, TP đã thực hiện công tác duy tu, sửa chữa, nạo vét hệ thống thoát nước có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên các vị trí thường xuyên bị ngập, đã nạo vét 621 km lòng cống thoát nước.
TP.HCM đã đầu tư xây dựng hoàn thành và tiếp nhận thêm 7 tuyến cống với chiều dài 14,7 km, thực hiện 79 hạng mục công trình cấp bách nhằm giảm ngập một số tuyến đường.
Đối với tình trạng ngập nước tại sân bay Tân Sơn Nhất, UBND TP đã triển khai nhiều giải pháp giảm ngập, đảm bảo giao thông, vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị tuyến kênh A41 (quận Tân Bình).
Bên cạnh đó, TP theo dõi để nghiên cứu, điều chỉnh giải pháp bơm nước chống ngập một số tuyến đường sau khi đã đưa vào vận hành thử tại điểm ngập trên đường Nguyễn Hữu Cảnh. Vốn ngân sách thực hiện chương trình giảm ngập nước năm 2017 gần 2.500 tỷ đồng.
Đề nghị hạn chế phương tiện cá nhân để giảm ùn tắc
Cử tri quận Tân Bình tiếp tục kiến nghị giải quyết tình trạng kẹt xe ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất. Trong đó, cử tri cho rằng việc phát triển đô thị, xây dựng nhà cao tầng ồ ạt là một trong những nguyên nhân khiến cho ách tắc giao thông ngày càng nghiêm trọng.
Cùng quan điểm, cử tri ở quận 4, quận 7, Nhà Bè đều cho rằng mật độ xây dựng cao ốc, chung cư đang khiến cho việc đi lại ngày càng khó khăn hơn. Không chỉ trong giờ cao điểm, kẹt xe còn xuất hiện cả vào giờ thấp điểm, các phương tiện đi lại rất chậm.
Cử tri cho rằng phát triển đô thị ồ ạt là nguyên nhân dẫn đến kẹt xe và ngập nước. Ảnh: Tùng Tin. |
Các điểm kẹt xe tiếp tục được cử tri điểm tên như đường Nguyễn Tất Thành lên cầu Tân Thuận nối từ quận 4 sang quận 7, đường Huỳnh Tấn Phát, khu vực cầu Kênh Tẻ nối sang Khánh Hội (quận 4) và dọc đường Nguyễn Hữu Thọ (quận 7), đường 3/2 (quận 10)...
Ông Nguyễn Vinh Lợi (cử tri quận 4) cho rằng dù TP đã có nhiều cố gắng trong đầu tư cơ sở hạ tầng nhằm giải quyết ách tắc giao thông nhưng do lưu lượng phương tiện giao thông tăng nhanh khiến tình trạng kẹt xe ngày càng nghiêm trọng.
“Để giải quyết vấn nạn ùn tắc giao thông, bên cạnh việc triển khai nhiều dự án đầu tư hạ tầng thì các cơ quan chức năng cần nghiên cứu phương án hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, phát triển giao thông công cộng”, cử tri kiến nghị.
Về chương trình chống ngập, cử tri cho rằng nhiều dự án chống ngập tiêu tốn hàng nghìn tỷ đồng đã và đang triển khai, nhưng không khắc phục được. Tình trạng ngập nước do mưa lớn và triều cường vào giờ cao điểm nên các tuyến đường càng bị ùn tắc nghiêm trọng, hàng nghìn phương tiện nhích từng chút để lưu thông trên đường đã khiến giao thông rơi vào tình trạng hỗn loạn.
Trao đổi với Zing.vn, ông Nguyễn Văn Xuân (cử tri quận Bình Thạnh) cho biết dù triển khai bơm chống ngập, nâng đường hay lắp khoá ngăn triều, tình trạng ngập úng tại quận này không hề thuyên giảm. Đường Nguyễn Hữu Cảnh là ví dụ điển hình cho tình trạng này. Vài năm nay, con đường này đã trở thành rốn ngập của thành phố.
Trước đó, theo một báo cáo của Sở GTVT TP.HCM, chỉ với chiều dài 3 km nhưng con đường này phải gánh đến 5 khu phức hợp với số lượng căn hộ lên tới gần 20.000. Trong khi đó, đường lại được xây dựng nên nền đất yếu, chịu đựng lưu lượng giao thông lớn.
“Tình hình phát triển đô thị dọc hai bên tuyến đường quá nhanh khiến mặt đường lún sâu làm hư hỏng hệ thống thoát nước gây ngập thường xuyên”, báo cáo của Sở GTVT cho biết.