Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TP.HCM sẽ dừng hoạt động xe tải vào ban ngày để giảm ùn tắc

Ông Nguyễn Thành Phong yêu cầu Sở Giao thông Vận tải nghiên cứu phương án không cho xe vận tải nhỏ hoạt động vào ban ngày, chuyển hẳn vào ban đêm trên ở những điểm hay ùn tắc.

Ngày 4/8, tại cuộc họp sơ kết tình hình đảm bảo trật tự an toàn giao thông 6 tháng đầu năm 2017, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết tình trạng ùn tắc giao thông vẫn còn thường xuyên xảy ra không chỉ vào giờ cao điểm, nhất là tại khu vực cửa ngõ, các trục đường xuyên tâm, cảng Cát Lái, sân bay Tân Sơn Nhất.

Để giảm ùn tắc, đảm bảo trật tự an toàn giao thông từ nay đến hết năm 2017, ông Nguyễn Thành Phong yêu cầu Sở Giao thông vận tải phối hợp với các sở ngành nghiên cứu phương án không cho xe vận tải nhỏ hoạt động vào ban ngày, chuyển hẳn vào ban đêm trên những hành lang chính hay bị ùn tắc; tiếp tục tổ chức phân luồng giao thông, bổ sung tín hiệu đèn, phối hợp giữa các lực lượng chức năng tại các điểm có nguy cơ ùn tắc. 

Sở Giao thông vận tải phối hợp với các sở ngành liên quan khẩn trương triển khai đề án thu phí đậu xe ôtô, mức phí tăng dần từ ngoại ô vào trung tâm thành phố; đồng thời hoàn thành đề án phố đi bộ khu vực trung tâm; trong đó, có quy hoạch dọc tuyến sông Sài Gòn từ huyện Nhà Bè đến huyện Củ Chi; hoàn tất các thủ tục để khởi công bãi đậu xe ngầm công viên Lê Văn Tám, sân khấu Trống Đồng; đưa vào hoạt động tuyến buýt sông trong tháng 8; phối hợp với các đơn vị của Bộ Giao thông vận tải để tổ chức lại các điểm làm bến bãi đậu xe; đánh giá lại hoạt động của Uber, Grab và có các phương án phân luồng phù hợp, công khai khi hoàn thành các dự án công trình.

Ngoài ra, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong cũng yêu cầu các sở ngành đẩy nhanh kết nối hệ thống camera, từ cơ quan về một đầu mối, tiến hành thu phí tự động tại các trạm thu phí giao thông BOT trên địa bàn; yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét yếu tố làm chỗ để xe khi cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp; Sở Xây dựng kiên quyết không cấp phép xây dựng cho công trình tập nhà ở cao tầng, chung cư trên các tuyến đường, các khu vực chưa đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông. 

UBND các quận huyện sắp xếp lại trật tự lòng đường vỉa hè, tổ chức nơi giữ xe tại khu vực trường học, bệnh viện cho người dân. 

Về vấn đề hoạt động xe tải, ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho biết vào thời gian buổi trưa, xe tải dưới 5 tấn hoạt động nhiều do phục vụ dịch vụ nhà hàng, khách sạn, cơ sở sản xuất nhỏ trong khu dân cư gây ùn tắc.

Vì thế trong thời gian tới sẽ phải hạn chế hoạt động xe tải nhỏ vào ban ngày trên hành lang chính hay ùn tắc.

Trong khi đó, theo trung tá Huỳnh Trung Phong, Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt (PC67), Công an TP.HCM, trung bình mỗi tháng thành phố đăng ký mới 30.000 phương tiện; trong đó ôtô chiếm 15%.

Lượng xe tải đang quản lý chiếm 34% tổng số phương tiện ôtô với khoảng 210.000 xe.

Do quy định về khung thời gian cho phép hoạt động của đối tượng xe tải nên có hiện tượng dồn, ùn xe theo các khung giờ cao điểm, chiếm nhiều diện tích mặt đường. Ngoài ra các phương tiện này khó xoay sở khi xảy ra sự cố giao thông nên dễ dẫn đến ùn tắc.

Cùng với đó xe ôtô hoạt động Uber, Grab với số lượng lớn, thời gian hoạt động không hạn chế nên cũng ảnh hưởng nhất định đến trật tự an toàn giao thông.

Theo báo cáo của Ban An toàn giao thông TP.HCM, trong 6 tháng đầu năm trên địa bàn đã xảy ra 334 vụ tai nạn giao thông (bao gồm va chạm giao thông), làm chết 62 người và bị thương 227 người.

So với cùng kỳ năm 2016, tăng 10 vụ, giảm 8 người chết, giảm 14 người bị thương. Tính đến ngày 15/5, thành phố đang quản lý hơn 8 triệu phương tiện trong đó có gần 700.000 ôtô.

http://www.vietnamplus.vn/tphcm-se-dung-hoat-dong-xe-tai-vao-ban-ngay-de-giam-un-tac/459497.vnp

Theo Trần Xuân Tình/VietnamPlus

Bạn có thể quan tâm