Trong chiến thắng 6-0 trước Brunei, những đóng góp của Nguyễn Hoàng Đức vào lối chơi chung của U23 Việt Nam là không thể phủ nhận.
Tuy vậy, so với những gì làm được tại CLB Viettel, đó vẫn chưa phải màn trình diễn tốt nhất của tiền vệ này. Việc thi đấu ở vị trí tiền đạo lùi trong sơ đồ 3-4-3 khiến Đức "bò" bộc lộ nhiều hạn chế.
May cho chúng ta khi ở trận đấu vừa qua, đối thủ chỉ là Brunei. Trong bối cảnh trước mắt là U23 Indonesia và U23 Thái Lan, thầy Park sẽ còn nhiều điều phải làm nhằm cải thiện màn trình diễn của Hoàng Đức, cũng như kích hoạt tối đa tiềm năng bên trong cầu thủ này.
Hoàng Đức sẽ còn nhiều điều phải làm nhằm xứng đáng với kỳ vọng của người hâm mộ. Ảnh: Minh Chiến. |
Hoàng Đức không phải Văn Đức hay Công Phượng
Thành công vang dội của bóng đá Việt Nam thời gian qua gắn liền với sơ đồ 3-4-3 của HLV Park Hang-seo. Trong đó, tiền đạo lùi đóng vai trò then chốt với nhiều trọng trách như liên kết các tuyến, điều phối bóng, "tiếp đạn" cho tiền đạo hay thậm chí ghi bàn khi cần.
Từ vòng chung kết U23 châu Á 2018 tới nay, 4 cái tên thường được sử dụng ở vị trí này là Quang Hải, Văn Đức, Công Phượng và Văn Quyết. Trong đó, Quang Hải gần như "ẵm" luôn một suất, vị trí phía đối diện là sự cạnh tranh khốc liệt giữa 3 cái tên còn lại.
Quang Hải đang là đương kim Quả bóng vàng Việt Nam, và liệu đó có phải lý do khiến HLV Park luôn ưu ái "quy hoạch" sẵn cho cầu thủ này một vị trí trên hàng công?
Quang Hải luôn chắc một suất hộ công trong đội hình của thầy Park. Ảnh: Việt Hùng. |
Với HLV vốn nổi tiếng công tâm như Park Hang-seo, câu trả lời chắc chắn là không. Sự khác biệt trong lối chơi mới là yếu tố giúp vị trí của Hải "con" luôn được đảm bảo ở các cấp độ đội tuyển Việt Nam.
Từ Thường Châu tới ASIAD 18, AFF Cup 2018 hay mới đây là Asian Cup 2019, HLV Park Hang-seo thường sử dụng 2 hộ công có xu hướng chơi đối lập nhau. Quang Hải với khả năng điều tiết, chuyền bóng là người thường xuyên lùi về hỗ trợ hàng tiền vệ. Trong khi đó, cái tên còn lại sẽ là cầu thủ có tốc độ, khả năng dứt điểm, xâm nhập khu vực cấm địa và thi đấu như tiền đạo thứ hai sau mũi nhọn cao nhất trên hàng công.
Sự linh hoạt của 2 hộ công giúp chúng ta trở nên biến hóa và khó lường hơn với nhiều sơ đồ khác nhau như 3-4-2-1, 3-4-1-2, 3-5-2 hay thậm chí 5-4-1. Đây cũng chính là chìa khóa thần tài mở ra một năm vàng son vừa qua với bóng đá Việt Nam.
Những hộ công như Quang Hải hay Văn Đức là "nguồn sống" của HLV Park Hang-seo. Ảnh: Thuận Thắng. |
Bước sang năm 2019, khi cả Công Phượng và Văn Đức đều quá tuổi, HLV Park Hang-seo sẽ phải đau đầu tìm kiếm người khỏa lấp vị trí họ để lại tại U23 Việt Nam. Và cái tên đầu tiên thuộc diện "quy hoạch" của ông thầy người Hàn chính là Nguyễn Hoàng Đức, tiền vệ của CLB Viettel.
Đặt Hoàng Đức bên cạnh Quang Hải ở vị trí hộ công, U23 Việt Nam sẽ sở hữu cặp kèo trái lợi hại phía trước khu vực cấm địa. Tuy vậy, nếu không sử dụng đúng cách, với lối chơi có phần khá tương đồng, việc 2 cầu thủ này "giẫm chân" nhau là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Thi đấu hộ công, Hoàng Đức thường có xu hướng lùi sâu xử lý, điều phối bóng và tạo ra sợi dây liên kết giữa tuyến tiền vệ và tiền đạo. Vai trò này giống hệt những gì Quang Hải làm ở các cấp độ đội tuyển Việt Nam trong suốt năm qua.
Thực tế, trong hiệp một trận gặp Brunei, khi được thi đấu đúng vai trò với bộ đôi Đinh Thanh Bình - Hà Đức Chinh phía trên, Hoàng Đức tỏ ra thoải mái trong những pha di chuyển, nhận và xử lý bóng. Tuy nhiên, khi Hải "con" vào sân, Đức "bò" có xu hướng bám trong khu vực cấm địa nhiều hơn, và đó chính là lúc những vấn đề được bộc lộ.
Xuất thân từ tiền vệ trung tâm, kỹ năng cũng như tư duy chơi bóng của Hoàng Đức so với Văn Đức hay Công Phượng là hoàn toàn khác biệt. Và việc phải liên tục chạy chỗ, làm tường, xử lý trong không gian hẹp thay vì thoải mái nhận bóng, xoay người, tỉa bóng cho đồng đội khiến cầu thủ này khá bối rối.
Dù vẫn có những pha chạm bóng chất lượng nhưng về tổng thể, màn trình diễn của Hoàng Đức ở hiệp 2 là kém thuyết phục hơn so với trong hiệp 1.
Hoàng Đức gặp nhiều khó khăn khi phải thay đổi vai trò trong hiệp 2. Ảnh: Kiệt Trần. |
Nên trả Hoàng Đức về vị trí sở trường?
Với lối chơi có phần tương đồng, nguy cơ Hoàng Đức "giẫm chân" Quang Hải là rất cao. Và liệu thầy Park có nên cân nhắc trả cầu thủ quê Hải Dương này về vị trí sở trường?
Tại CLB Viettel, vị trí giúp cầu thủ này khẳng định được tên tuổi của mình là tiền vệ trung tâm. Ở đó, với sự xông xáo cùng kỹ thuật và những pha xử lý mềm mại, Hoàng Đức như con thoi di chuyển khắp sân, luôn tạo ra phương án chuyền bóng cho đồng đội cũng như làm cầu nối, tiếp đạn cho những cầu thủ trên hàng công.
Tuy nhiên, trong trường hợp muốn trả Hoàng Đức về khu trung tuyến, HLV Park Hang-seo phải cân nhắc kỹ trong việc lựa chọn người đá cặp với cầu thủ này.
Tại CLB Viettel, Hoàng Đức có thể thoải mái thi đấu bởi có Kayo Dias, một cầu thủ to cao với lối chơi mạnh mẽ và càn lướt "chống lưng" ở phía dưới. Ngoại binh người Brazil "thầu" hết công việc dọn dẹp khu trung tuyến, và nhiệm vụ của Hoàng Đức đơn giản là triển khai bóng lên tuyến trên cho các đồng đội.
Trước tình hình nhân sự của U23 Việt Nam hiện tại, thầy Park sẽ phải cẩn trọng với quyết định này. Trong số những người đá cặp tiềm năng, Bùi Tiến Dụng với khả năng càn quét của mình có lẽ sẽ là lựa chọn thích hợp nhất.
Những cú La Croqueta mềm mại đã trở thành đặc sản trong phong cách chơi của Hoàng Đức. Ảnh: Hoàng Linh. |
Tuy vậy, phong độ của Tiến Dụng từ sau U23 châu Á 2018 tới giờ là chưa thực sự tốt. Trong khi đó, Trần Thanh Sơn quá non nớt, còn khả năng phòng ngự của Triệu Việt Hưng và Trương Văn Thái Quý, những lựa chọn hàng đầu của HLV Park vẫn là dấu hỏi lớn.
Nếu sử dụng cặp Hoàng Đức - Việt Hưng hay Hoàng Đức - Thái Quý, đây sẽ đều là những lựa chọn tuyệt vời nhằm tăng cường sức mạnh hàng công. Tuy nhiên, điều này đồng nghĩa với việc chúng ta phải chấp nhận rủi ro khi tuyến giữa sẽ trở nên mong manh hơn.
Trước những đối thủ khó nhằn trước mắt là Indonesia và Thái Lan, liệu thầy Park có sẵn sàng mạo hiểm với phương án sử dụng mới nhằm phát huy tối đa khả năng của Hoàng Đức?