Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nguy cơ tái nhiễm Omicron ở F0 đã khỏi bệnh

"Tôi rất lo mình có thể tiếp tục mắc Covid-19 lần nữa. Trải nghiệm một lần trở thành F0 với tôi không hề dễ chịu", một người đàn ông 27 tuổi ở TP.HCM chia sẻ.

Tại buổi họp giao ban của Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM chiều 22/2, ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế đưa ra khả năng biến chủng Omicron đang chiếm đa số trên địa bàn.

"Theo kết quả tầm soát ngẫu nhiên biến chủng Omicron bằng xét nghiệm rRT-PCR tại thành phố ngày 10-17/2, có 70/92 mẫu bệnh phẩm cho kết quả dương tính với biến chủng Omicron, chiếm 76%. Biến chủng Delta chiếm chưa đến 30%", Giám đốc Sở Y tế TP.HCM thông tin.

Trước tình hình này, một số người đã khỏi Covid-19 vẫn lo ngại về nguy cơ tái nhiễm với biến chủng mới.

Lo sợ mắc Covid-19 lần 2 nặng hơn lần đầu

H.T.N. (27 tuổi, TP.HCM) đã khỏi Covid-19 cách đây 3 tháng. Thời gian mắc bệnh, N. gặp khá nhiều triệu chứng như ho, sốt, đau cơ, mất vị giác. Anh đã mất gần 2 tháng để hồi phục lại hoàn toàn như trước đây.

"Gần đây, số ca mắc biến chủng Omicron ở TP.HCM tăng lên, tôi rất lo mình có thể tiếp tục mắc Covid-19 một lần nữa. Trải nghiệm một lần trở thành F0 với tôi không hề dễ chịu. Tôi không muốn mắc Covid-19 lần thứ 2 và rất sợ sẽ bị nặng hơn lần đầu. Vì vậy, tôi cũng hạn chế gặp gỡ bạn bè. Nếu cần tiếp xúc, tôi đeo khẩu trang, rửa tay đầy đủ ", H.T.N. chia sẻ.

F0 lo tai nhiem voi bien chung Omicron anh 1

Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, Việt Nam đang ghi nhận tốc độ gia tăng số ca mắc Covid-19 rất nhanh. Ảnh: Thế Anh.

Sau khi có kết quả xét nghiệm âm tính nhiều lần với nCoV và hết thời gian cách ly, L.Q.H.(29 tuổi, Hà Nội) khá thoải mái mỗi khi ra ngoài gặp gỡ khách hàng, bạn bè. Anh cho rằng mình đang được bảo vệ rất tốt từ miễn dịch tự nhiên (sau khi mắc Covid-19) và có thêm kháng thể từ vaccine.

Gần đây, H. không còn "tự tin" như trước vì anh đọc được thông tin F0 đã khỏi bệnh có thể tái nhiễm với chủng mới Omicron. Anh bắt đầu chia sẻ thông tin này đến bạn bè và nhắc nhở họ nên cẩn trọng.

"Tôi không lo lắng nhiều về việc mắc Covid-19 lần thứ 2 sẽ nặng hơn lần đầu bởi đã tiêm đủ liều vaccine và từng mắc bệnh. Tuy nhiên, những triệu chứng của Covid-19 như sốt, đau nhức cơ khiến tôi rất khó chịu. Hơn thế, nếu phải cách ly, công việc và cuộc sống sẽ tiếp tục bị đảo lộn, ảnh hưởng đến cả người thân đang chung sống cùng", H. chia sẻ.

Nguy cơ tái nhiễm Omicron

Tiến sĩ, dược sĩ Phạm Đức Hùng, (chuyên gia về miễn dịch và truyền nhiễm), Bệnh viện Cincinnati, Ohio, Mỹ, cho biết để biết chính xác một người có tái nhiễm hay không và với chủng nào, họ phải thực hiện giải trình tự gene.

Kháng thể tạo ra khi nhiễm chủng ban đầu không bảo vệ cơ thể trước chủng mới. Khi đó, người bệnh tái nhiễm với chủng virus mới.

TS Phạm Đức Hùng

"Sau khi khỏi bệnh, cơ thể bệnh nhân sẽ sản sinh ra kháng thể chống lại nCoV. Tuy nhiên, lượng kháng thể được tạo ra có thể không đủ mạnh hoặc tồn tại không đủ lâu. Sau một thời gian, chúng sẽ suy yếu và mất đi. Ngoài ra, kháng thể tạo ra khi nhiễm chủng ban đầu không bảo vệ cơ thể trước chủng mới. Khi đó, người bệnh tái nhiễm với chủng virus mới", TS Đức Hùng nói.

Ông cho hay nguy cơ tái nhiễm với chủng Omicron rất cao, cao hơn so với tái nhiễm biến chủng Beta hay Delta. Điều này do chúng có nhiều đột biến tại vùng spike protein và các vùng khác. Vì vậy, biến chủng này có thể tránh được đề kháng nhận được từ người đã tiêm vaccine (kháng thể và miễn dịch tế bào T).

Tuy nhiên, Omicron lại gây triệu chứng nhẹ vì có ít khả năng chống lại miễn dịch của tế bào theo cơ chế sản xuất Interferon-gamma. Một lý do khác là do vị trí của chúng. Omicron có nhiều ở mũi, phần trên của hệ hô hấp và tạo ra nhiều bản sao. Điều này cũng lý giải tại sao biến chủng này lây lan nhanh. Nhưng Omicron lại ít được tìm thấy ở phần dưới của phổi (tên là phế nang) so với các biến chủng khác nên có xu hướng gây bệnh nhẹ hơn.

F0 lo tai nhiem voi bien chung Omicron anh 2

Để biết chính xác một người có tái nhiễm hay không và với chủng nào, họ phải thực hiện giải trình tự gene. Ảnh: Duy Hiệu.

Theo TS Phạm Đức Hùng, ngay cả với người đã tiêm 3 mũi vaccine, họ vẫn có nguy cơ tái nhiễm nCoV. Chủng Omicron cũng có thể gây bệnh nặng, đặc biệt với người già và người bị suy giảm miễn dịch.

Theo Ths.BS Nguyễn Quốc Thái, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), F0 sau khi khỏi bệnh vẫn có nguy cơ tái nhiễm với các biến chủng mới. Người tái nhiễm đa số triệu chứng thường nhẹ. Tuy nhiên, ông khuyến cáo người dân không nên quá chủ quan sau khi khỏi Covid-19. Người bệnh vẫn có nguy cơ chuyển nặng, không phải tất cả đều không triệu chứng hoặc nhẹ.

Với thắc mắc tái nhiễm có cần cách ly không, bác sĩ Quốc Thái cho hay người dân nên cách ly, vì họ vẫn có nguy cơ lây cho người khác. Bên cạnh đó, tiêm chủng vaccine đầy đủ và thực hiện thông điệp 5K vẫn là nòng cốt trong chương trình chống Covid-19, có thể ngăn ngừa các ca nhập viện.

Theo CNN, phát hiện của nhóm chuyên gia Vương quốc Anh sử dụng dữ liệu từ nghiên cứu SIREN của các nhân viên chăm sóc sức khỏe. Hơn 35.000 người tham gia đã được theo dõi trong thời gian từ ngày 7/12/2020 đến 21/9/2021, được làm xét nghiệm rRT-PCR hai lần/tuần.

Các tác giả phát hiện trong số những người mắc Covid-19 trước đó, nguy cơ tái nhiễm thấp hơn 86% so với nhóm chưa được tiêm chủng. Tuy nhiên, mức bảo vệ này đã giảm xuống 69% sau hơn một năm kể từ khi bị nhiễm virus. Điều này cho thấy khả năng bảo vệ khỏi nguy cơ tái mắc Covid-19 không thể duy trì mãi mãi.

Biến chủng Omicron có thể đã lây lan ra cộng đồng ở Việt Nam

Thời gian tới, các địa phương sẽ gửi một số mẫu bệnh phẩm về Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương để giải trình tự gene xác định biến chủng Omicron.

Phương Anh

Bạn có thể quan tâm