Chỉ tính riêng trong quý I năm nay, Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (TP.HCM) đã phát hiện 10 vụ chó xâm nhập đường băng, uy hiếp an toàn bay. Thậm chí có máy bay phải chờ đuổi chó mới cất, hạ cánh.
Cách đây không lâu, một máy bay hãng Jetstar Pacific số hiệu BL781 đi Hà Nội cũng phải bay lại vì phát hiện chó ở đầu đường băng.
Trong khi đó, ở sân bay Điện Biên chiều 27/2, một chuyến bay của hãng hàng không VASCO chuẩn bị hạ cánh đúng lúc có chó chạy vào đường băng. Máy bay phải bay vòng khoảng 15 phút chờ lực lượng chức năng đuổi chó xong mới được đáp xuống.
Lâu nay, tình trạng máy bay phải hủy chuyến vì va chạm với chim trời trên không cũng khiến cho nhiều hãng hàng không lo lắng. Đây được xem là những hiểm họa uy hiếp an toàn bay.
Trả lời Zing.vn về vấn đề này, GS.TSKH Nguyễn Đức Cương, Chủ tịch Hội Hàng không - Vũ trụ Việt Nam, khẳng định việc vật cản là chó, mèo, chim xuất hiện trên đường băng là khá nguy hiểm. Trong trường hợp xấu có thể gây hỏng động cơ, gãy càng, thậm chí lật máy bay.
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương là đại tá, nguyên Phó Viện trưởng Viện Kỹ thuật Không quân và Viện Tên lửa (Bộ Quốc phòng).
- Thưa ông, mới đây, chỉ trong quý I, tại sân bay Tân Sơn Nhất phát hiện 10 vụ chó xâm nhập vào đường bay uy hiếp an toàn bay. Ông đánh giá thế nào về vấn đề này?
- Việc xuất hiện vật thể lạ trên đường băng là chó, mèo, chim trên đường băng không phải chuyện bây giờ mới xảy ra ở các sân bay Việt Nam.
Tôi được biết lãnh đạo các sân bay như Tân Sơn Nhất,… đã làm việc với các gia đình sinh sống cạnh sân bay và yêu cầu không được thả chó, mèo. Tuy nhiên, một số người dân chưa chấp hành nghiêm chỉnh.
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương, Chủ tịch Hội Hàng không - Vũ trụ Việt Nam. |
- Ông có thể nói về sự nguy hiểm đối với máy bay khi cất, hạ cánh gặp vật thể lạ?
- Theo tôi, tùy theo kích thước của vật cản là chó, mèo trên đường băng mà có mức độ nguy hiểm khác nhau.
Giả sử máy bay cất, hạ cánh gặp phải con chó có kích thước lớn có thể gây nổ lốp, gãy càng, lật máy bay. Bởi khi chạy trên đường băng để cất, hạ cánh, tốc độ máy bay thường rất lớn. Việc va chạm với con chó gần như là va đập cứng. Chúng ta tưởng tượng như một tảng đá đập vào chân máy bay.
Tương tự, đang bay trên không, nếu một con chim va vào trong động cơ máy bay, nó có thể phá nát động cơ. Bởi khi máy bay đang ở tốc độ cao, con chim lao vào như một hòn đá ném vào động cơ vậy. Hơn nữa động cơ lại có các lá máy nén đang quay rất nhanh. Lúc đó sẽ thành thảm họa.
Nếu chim đậu trên đường băng, khi máy bay đến gần, chúng sẽ bay lên dẫn đến nguy cơ bị hút vào động cơ rất lớn.
Tôi muốn nhấn mạnh nguy cơ va vào các vật thể lạ khi cất, hạ cánh chủ yếu là va vào chim, nhất là khi bay trên không.
Chính vì thế, các giải pháp nâng cao an toàn bay đối với vật thể lạ chủ yếu phải tập trung vào vấn đề phát hiện và xua đuổi chim.
Doanh nghiêp nội sẵn sàng sản xuất ‘máy đuổi chim’
- Lãnh đạo Cục Hàng không cho biết có 3 nhà sản xuất ngoài nước đã chào giá hệ thống phát hiện vật thể lạ trên đường băng gần 1.000 tỷ đồng. Ông đánh giá như thế nào về con số này?
- Đối với hệ thống này, tất nhiên giá không thể rẻ được. Vì thiết kế chế tạo chúng ngoài phải mua một số thiết bị tiêu chuẩn còn lại phần lớn là chất xám.
Đang bay trên không, nếu một con chim va vào trong động cơ máy bay, nó có thể phá nát động cơ. Lúc đó sẽ thành thảm họa.
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương nói.
Khi đó, giá cả sẽ được xác định qua đấu thầu. Đơn vị nào nhiều kinh nghiệm, năng lực tốt, trả giá rẻ hơn sẽ thắng.
Nhưng giá cũng chỉ là một yếu tố thôi. Người ta còn quan tâm đến năng lực, kinh nghiệm nhà thầu, tiến độ và chất lượng sản phẩm khi làm ra như thế nào.
- Tại sao hội của ông không chủ động đề xuất lên Chính phủ, Bộ GTVT về việc thực hiện hệ thống này?
- Cách đây khoảng 6-7 năm, chúng tôi cũng đã có công văn gửi Cục Hàng không đề xuất nghiên cứu sản xuất hệ thống phát hiện và đuổi chim ở sân bay rồi.
Tuy nhiên, ngày đó, Cục Hàng không trả lời rằng kinh phí dành cho nghiên cứu, phát triển hệ thống này chỉ có vài trăm triệu đồng. Chúng tôi cho rằng chỉ chừng đó tiền thì không thể thực hiện được. Bởi việc thiết kế và chế tạo nó không đơn giản và cần phải tham vấn từ rất nhiều chuyên gia và phải thử nghiệm rất nhiều.
Khi máy bay hạ, cất cảnh gặp phải vật thể lạ vô cung nguy hiểm. Ảnh: Lê Quân.
|
Ví dụ như loại chim, đặc tính của chúng là dễ thích nghi. Chúng bị lừa vài lần, lần sau dọa không sợ nữa. Loài chim xuất hiện ở sân bay Tân Sơn Nhất có đặc tính khác với chim ở Nội Bài, Đà Nẵng nên đơn vị thiết kế phải khảo sát và tham vấn ý kiến từ chuyên gia sinh vật học.
- Nếu Bộ GTVT giao cho các nhà khoa học, doanh nghiệp nội nghiên cứu sản xuất hệ thống phát hiện sinh vật lạ trên đường băng ông có nghĩ giá sẽ rẻ hơn so với các nhà sản xuất nước ngoài?
- Sinh vật trên đường băng thì tương đối dễ phát hiện. Các vật thể khác, phi sinh vật phát hiện khó hơn nhiều.
Nhưng tôi cho rằng chủ yếu vẫn phải tập trung vào động vật, nhất là loài chim. Hơn nữa không chỉ ở trên đường băng mà cả khu vực trên không ở hai đầu đường băng. Mặt khác phát hiện thôi chưa đủ mà phải xua đuổi chúng đi.
Cục Hàng không đưa ra thông tin có 3 doanh nghiệp ngoại chào giá gần 1.000 tỷ đồng cho hệ thống này. Tôi thấy với con số đó sẽ có khá nhiều đơn vị trong nước sẵn sàng tham gia đấu thầu.
Tôi khẳng định giá sẽ rẻ hơn các nhà sản xuất nước ngoài. Tuy nhiên, rẻ hơn số tiền cụ thể như thế nào tôi chưa thể nói được.
Cục Hàng không vừa tái đề xuất lên Bộ GTVT liên quan đến hệ thống phát hiện sinh vật lạ trên đường băng. Ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không khẳng định hệ thống phát hiện vật thể lạ trên đường băng đã có chủ trương thực hiện từ lâu.
Theo ông Thanh, Cục đã nhận được 3 bảng báo giá của các nhà sản xuất nước ngoài và đã đưa vào báo cáo lên Bộ GTVT xem xét. Tuy nhiên, 3 bảng báo giá này chưa được kiểm chứng.
Nếu được Bộ GTVT phê duyệt chủ trương, Cục Hàng không sẽ tiếp hành cho đấu thầu quốc tế.