Chiều 5/4, Bộ GTVT đã thông báo tình hình thực hiện kế hoạch công tác quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II năm 2017. Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Hồng Trường chủ trì cuộc họp.
Trả lời báo chí về việc tái khởi động dự án đuổi chim tại sân bay, ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không khẳng định hệ thống phát hiện vật thể lạ trên đường băng đã có chủ trương thực hiện từ lâu. Hai sân bay quốc tế là Tân Sơn Nhất (TP.HCM), Nội Bài (Hà Nội) nên có hệ thống phát hiện vật thể lạ, đảm bảo an toàn hàng không. Cục Hàng không được Bộ GTVT giao nhiệm vụ nghiên cứu hệ thống này.
Theo ông Thanh, hiện trên thế giới, các nhà sản xuất hệ thống phát hiện sinh vật lạ không nhiều. Cục đã nhận được 3 bảng báo giá của các nhà sản xuất nước ngoài và đã đưa vào báo cáo lên Bộ GTVT xem xét. Tuy nhiên, 3 bảng báo giá này chưa được kiểm chứng.
Ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không. Ảnh: Văn Chương. |
“Số tiền 1.000 tỷ đồng cho hệ thống phát hiện vật thể lạ trên không không phải là giá chính thức. Bởi khi thực hiện, chắc chắn Cục sẽ đấu thầu quốc tế”, ông Thanh nói.
Theo ông Thanh, ngoài việc tiếp nhận 3 bảng báo giá của các nhà sản xuất nước ngoài, Cục Hàng không cũng đang tích cực phối hợp với các nhà khoa học trong nước để triển khai dự án hệ thống phát hiện vật thể lạ. Các nhà khoa học cho rằng không quá khó khi sản xuất hệ thống này.
Nếu các nhà khoa học có thể sản xuất được, Cục Hàng không sẽ lắp đặt thử nghiệm ở một đường băng. Chắc chắn hệ thống trong nước sản xuất sẽ rẻ hơn giá của 3 nhà đầu sản xuất nước ngoài.
Sau một thời im ắng do những ý kiến trái chiều của dư luận, Cục Hàng không vừa tái đề xuất Bộ GTVT phê duyệt Dự án hệ thống phát hiện vật thể lạ với mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng.
Dự án này có mục tiêu hạn chế và loại bỏ các sự cố gây nguy hiểm trên đường cất - hạ cánh do vật thể lạ, chim, động vật hoang dã xâm nhập và dự kiến triển khai tại Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (TP.HCM) và Nội Bài (Hà Nội).