Hôm 12/11, Nga và Belarus đã tổ chức các cuộc diễn tập nhảy dù gần Ba Lan, nơi hàng nghìn người đang mắc kẹt trong điều kiện tồi tệ dẫn đến lo ngại về khả năng xảy ra cuộc khủng hoảng nhân đạo và địa chính trị nghiêm trọng.
Đây là lần thứ 3 chỉ trong một tuần Nga và Belarus tăng cường sự hiện diện quân sự tại khu vực gần biên giới Ba Lan - Belarus.
Trong khi đó, Ba Lan cũng triển khai khoảng 15.000 binh sĩ đến biên giới giữa nước này và Belarus để ngăn chặn cuộc khủng hoảng di cư mà Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cáo buộc do Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko dàn dựng để gây sức ép, theo CNN.
Nhiều nhà lãnh đạo phương Tây, bao gồm thủ tướng Ba Lan, đã cáo buộc ông Lukashenko khuyến dụ người di cư (từ Trung Đông, Afghanistan và châu Phi) tới nước này, sau đó giục họ sang Ba Lan để kích động một cuộc khủng hoảng di cư mới ở châu Âu nhằm trả đũa các lệnh trừng phạt áp đặt đối với ông vì hành vi đàn áp người biểu tình.
Tuy nhiên, chính quyền Lukashenko đã nhiều lần phủ nhận những tuyên bố này, thay vào đó đổ lỗi cho phương Tây về những vụ vượt biên và đối xử tồi tệ với người di cư.
Leo thang căng thẳng
Theo Bộ Quốc phòng Belarus, các cuộc tập trận mới nhằm phản ứng trước "các hoạt động quân sự tăng cường gần biên giới quốc gia của Belarus" trong thời gian gần đây.
Đáp lại, NATO cho biết họ đang theo dõi chặt chẽ tình hình để xem liệu có bất cứ hành vi khiêu khích, gây leo thang căng thẳng nào sau cuộc tập trận giữa Nga và Belarus hay không.
Nga và Belarus đã tổ chức cuộc tập trận chung gần biên giới hai nước Belarus - Ba Lan. Ảnh: TASS. |
Nga, đối tác kinh tế và chính trị lớn nhất của Belarus, tiếp tục bảo vệ việc Minsk xử lý cuộc khủng hoảng biên giới, đồng thời phủ nhận bất kỳ sự can thiệp nào vào vấn đề này.
Thay vì Belarus, Nga cho rằng EU gây ra cuộc khủng hoảng biên giới, cáo buộc liên minh không duy trì các giá trị nhân đạo của chính mình và cố "bóp nghẹt" Belarus bằng kế hoạch đóng cửa một phần biên giới, không tiếp nhận nhiều người di cư.
Nước này đã thể hiện sự ủng hộ đồng minh của mình bằng cách điều hai máy bay ném bom tấn công siêu thanh Tupolev Tu-22M3 sang không phận lộ Belarus hôm 10-11/11.
Theo CNN, các cuộc phô trương lực lượng quân sự diễn ra liên tục gần đây đang thử thách trật tự chính trị “mong manh” ở khu vực này.
Mỹ đã cáo buộc việc Nga tăng cường quân sự trong tuần này làm gia tăng thêm lo ngại về khả năng xảy ra một cuộc khủng hoảng địa chính trị lớn hơn. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm 10/11 cho biết nước này "lo ngại trước các báo cáo về hoạt động quân sự bất thường của Nga" và đề cập đến khả năng Nga có thể đang "cố gắng phục hồi" một cuộc xung đột ở Ukraine năm 2014.
Nga đã phản pháo lại các cáo buộc này, nói rằng chúng dường như nhằm mục đích làm leo thang hơn là xoa dịu căng thẳng.
Trước tình hình phức tạp, hôm 11/11, Ukraine thông báo sẽ tổ chức các cuộc tập trận quân sự với khoảng 8.500 binh lính và 15 máy bay trực thăng tại một khu vực gần biên giới với Ba Lan và Belarus để đối phó với cuộc khủng hoảng di cư tiềm ẩn.
Gia tăng biện pháp trừng phạt với Belarus
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã gọi cuộc khủng hoảng biên giới là một "thách thức đối với toàn thể Liên minh châu Âu" vào đầu tuần này.
"Đây không phải là một cuộc khủng hoảng di cư. Đây là nỗ lực của một chế độ độc tài nhằm gây bất ổn cho các nước láng giềng dân chủ. Điều này sẽ không thành công", bà cho biết.
Các cường quốc phương Tây đang chuẩn bị áp đặt các lệnh trừng phạt mới đối với Belarus. EU cho biết họ đang xem xét hình phạt đối với các hãng hàng không nước thứ ba vì đã góp phần gây ra cuộc khủng hoảng bằng cách vận chuyển người đến Minsk, thủ đô Belarus.
Một đoàn người di cư đi dọc biên giới Belarus - Ba Lan ở vùng Grodno, Belarus vào ngày 12/11. Ảnh: AFP. |
Hôm 12/11, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho biết họ sẽ cấm những người từ Syria, Iraq và Yemen - nơi có nhiều người di cư mắc kẹt ở biên giới - bay từ các sân bay của Thổ Nhĩ Kỳ đến Belarus.
Nước này cũng phản đối tuyên bố cho rằng họ đang góp phần gây ra cuộc khủng hoảng, "từ chối bị coi là một phần của vấn đề mà Thổ Nhĩ Kỳ không phải là bên tham gia".
Chủ tịch Hội đồng EU Charles Michel sau đó đã viết “cảm ơn” vì "sự hỗ trợ và hợp tác” trên Twitter.
Trong khi đó, Moscow vẫn chưa có thêm động thái gì sau khi phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov bác bỏ cáo buộc hãng hàng không Aeroflot của Nga giúp người tị nạn đến Belarus.
“Aeroflot đã chứng minh họ không cung cấp dịch vụ vận chuyển người di cư đến Minsk", ông Peskov nói và nhấn mạnh thêm "ngay cả khi một số hãng hàng không tham gia vào việc này, nó không hề mâu thuẫn với bất kỳ quy định quốc tế nào".
Tại Mỹ, Hội đồng An ninh Quốc gia của Nhà Trắng hôm 10/11 thông báo họ đang chuẩn bị "các biện pháp trừng phạt tiếp theo" nhằm buộc Belarus phải chịu trách nhiệm về "các cuộc tấn công liên tục vào dân chủ, nhân quyền và các chuẩn mực quốc tế".
Đây là đợt trừng phạt thứ hai được Mỹ công bố trong những tháng gần đây. Không rõ khi nào các biện pháp mới sẽ được thực thi.
EU cũng dự kiến "mở rộng và thắt chặt các biện pháp trừng phạt đối với chế độ của ông Lukashenko", Quyền bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas cho biết hôm 11/11.
Người di cư mắc kẹt giữa khủng hoảng
Trong khi đó, điều kiện của những người di cư bị mắc kẹt tại biên giới Belarus - Ba Lan tiếp tục xấu đi. Mặc dù Ba Lan không để cho người di cư vượt biên, lực lượng biên phòng Belarus cũng không cho phép họ quay trở lại Minsk.
Không biết đi đâu về đâu, hàng nghìn người đã phải chấp nhận sống tạm bợ trong những trại tồi tàn giữa hai biên giới. Nhiều người ở một trại di cư tạm thời tại Bruzgi, biên giới Belarus, đang rơi vào cảnh thiếu đói và cần củi sưởi ấm giữa lúc nhiệt độ gần như đóng băng.
CNN cho biết tại khu vực mà Hội Chữ thập đỏ Belarus cố gắng phân phát viện trợ lương thực cho đám đông chật cứng, trong khi binh lính cố gắng đẩy họ lùi lại, sự thất vọng và đau buồn hiện rõ khắp nơi.
Những người di cư tập trung để nhận viện trợ nhân đạo trong một khu trại ở biên giới Belarus - Ba Lan. Ảnh: AFP. |
Những người di cư chạy trốn khỏi các quốc gia bị chiến tranh tàn phá như Syria và Iraq đã đến Belarus với mục đích tiến sâu hơn vào châu Âu và tìm kiếm cuộc sống tốt hơn. Nhưng bây giờ, giấc mơ ấy đang tan vỡ và chỉ còn những cay đắng, thất vọng.
Theo các nhà chức trách Ba Lan, kể từ đầu tháng 11, đã có 4.500 vụ vượt biên được báo cáo. Lực lượng biên phòng Ba Lan cho biết họ đã ghi nhận khoảng 1.000 vụ vượt biên trong vài ngày qua, với một số nhóm hơn 100 người cố gắng phá hàng rào.
Các nhóm nhân đạo đang cáo buộc chính phủ Ba Lan vi phạm quyền tị nạn quốc tế khi đẩy người dân trở lại Belarus thay vì chấp nhận đơn xin tị nạn của họ. Theo điều 14 của Tuyên ngôn Thế giới về Nhân quyền, khi bị đàn áp, mọi người có quyền tìm nơi tị nạn và được hưởng quyền tị nạn tại các quốc gia khác.
Ba Lan vẫn khẳng định các hành động của họ là hợp pháp. Và bất chấp bế tắc chưa được giải quyết, dòng người di cư vẫn đang tiếp tục đổ về khu vực này.
Các nhà chức trách Belarus ước tính rằng số lượng người di cư đến biên giới có thể tăng lên 10.000 người trong những tuần tới nếu tình hình không được giải quyết.