Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nguy cơ lây nhiễm virus Ebola ở Việt Nam rất thấp

Chuyên gia Tổ chức Y tế thế giới khẳng định, virus này không lây qua đường hô hấp mà qua tiếp xúc gần với nguồn lây bệnh, trong khi khâu chuẩn bị của Việt Nam rất tốt và kịp thời.

Ngày 12/8, Bộ Y tế đã họp báo cung cấp thông tin đầy đủ về diễn biến của dịch bệnh Ebola, với sự tham dự của ông Masaya Gato, chuyên gia Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tiến sĩ Trần Đắc Phu (Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng).

- Người đầu tiên trên thế giới bị mắc Ebola vừa qua là cháu bé 2 tuổi, xin ông cho biết cơ chế lây nhiễm của trường hợp này như thế nào?

- Ông Masaya Gato: Trẻ em cũng như người lớn, cơ chế lây nhiễm giống nhau. Có hai cách lây nhiễm là tiếp xúc trực tiếp với người và động vật bị nhiễm; hoặc bị nhiễm do tiếp xúc với máu, nước tiểu, nước mắt, tinh dịch... của người bệnh. Các dịch tiết này vương ra giường chiếu bàn ghế, đồ vật trong môi trường.

Ông Masaya Gato: WHO cảnh báo an toàn khi vận chuyển mẫu bệnh

Hiện Việt Nam mong muốn xét nghiệm được loại virus Ebola này, chúng tôi đã cung cấp hướng dẫn làm sao bất hoạt được con virus này.
Tuy nhiên, chúng tôi lưu ý tới việc đảm bảo an toàn, bởi khi vận chuyển mẫu, xử lý mẫu thì nguy cơ lây nhiễm cao.

Trẻ em cũng có thể nhiễm Ebola thông qua sữa mẹ. Nếu người mẹ bị nhiễm Ebola thì không nên cho con bú. Tôi xin nhấn mạnh, việc lây nhiễm chỉ thực ra xảy ra khi họ xuất hiện các triệu chứng.

- Đến năm 2015 sẽ có vắc xin đặc trị bệnh Ebola?

- Ông Masaya Gato: Hiện nay chưa có biện pháp điều trị đặc hiệu nào với loại virus này. Chúng ta chủ yếu điều trị hỗ trợ, điều trị triệu chứng.

Tôi chưa thể có câu trả lời chính xác về thời gian sản xuất loại vắc xin này. Đây là vấn đề rất khó vì một loại vắc xin mới phải thử nghiệm lâm sàng, được sự cho phép của cơ quan chức năng cho thử nghiệm trên người.

- Hiện Việt Nam mới làm chặt khẩu giám sát khách du lịch đường hàng không, Bộ Y tế có biện pháp gì trong việc giám sát đường bộ vì hoàn toàn có thể "bị lọt" khách đi qua các cửa khẩu này?

- TS Trần Đắc Phu: Hiện chúng ta lấy tờ khai y tế ở tất cả cửa khẩu quốc tế, kể cả đường thủy, đường bộ và hàng không. Do hiện nay chúng ta không có đường bay thẳng từ châu Phi về Việt Nam nên không có danh mục khách đi từ các nước đang có dịch từ hãng hàng không nào.

Các cán bộ tại sân bay phải căn cứ vào hộ chiếu, trong vòng 21 ngày qua hành khách đi từ vùng nào về. Nếu khách đi về từ vùng có dịch thì mới yêu cầu khai tờ khai. Các trường hợp này sau khi khai sẽ phân loại, nếu không bị sốt có thể cho về nhà, về khách sạn. Nếu trong 21 ngày có dấu hiệu thì phải báo, chúng tôi cũng sẽ báo địa phương để giám sát.

Tại các cửa khẩu đường bộ, bộ đội biên phòng cũng sẽ làm đúng như vậy. Đặc biệt, những trường hợp nào nghi ngờ ca bệnh Ebola sẽ tiến hành cách ly và đưa thẳng vào các bệnh viện.

 

Cần tuyên truyền chính xác để người dân không hoang mang trước dịch bênh _ WHO
WHO: "Cần tuyên truyền chính xác để người dân không hoang mang trước dịch bệnh".

- Các bệnh nhân bị mắc Ebola có phải trả chi phí cho việc cách ly và điều trị?

- TS Trần Đắc Phu: Bệnh do virus Ebola được liệt vào bệnh truyền nhiễm nhóm A nên bệnh nhân sẽ không phải trả phí cho việc cách ly, ăn uống. Tuy nhiên, người bệnh phải xét nghiệm xác định là bệnh do virus này, nếu xét nghiệm là bệnh khác thì không được trả phí. Cán bộ y tế, người trực dịch, làm công tác truyền nhiễm với bệnh nhóm A cũng được hưởng phụ cấp.

- Hiện VN chưa có thể tự xét nghiệm virus Ebola, vậy làm thế nào để xác định được người mắc bệnh do virus này hay không?

- TS Trần Đắc Phu: Chẩn đoán bệnh nhân phải căn cứ vào đặc điểm dịch tễ, người đó phải đi từ vùng có dịch về, người đó có tiền sử tiếp xúc với người đi từ vùng có dịch về hay không. Chứ bệnh sốt, mệt mỏi, viêm gan, suy thận thì rất nhiều, nếu cứ sốt mà đi xét nghiệm thì không xuể.

Hiện các phòng xét nghiệm của Việt Nam đã đạt cấp tương đối cấp 3+. Hai phòng xét nghiệm tại Viện Vệ sinh Dich tễ Trung ương và Viện Pasteur TP HCM có các trang thiết bị có khả năng xét nghiệm bệnh. Tuy nhiên, hiện hai phòng này chưa đủ điều kiện an toàn sinh học để xét nghiệm Ebola nên có nghi vấn sẽ phải gửi mẫu bệnh phẩm sang Mỹ.

Trên thế giới hiện chỉ có 9 phòng xét nghiệm đủ tiêu chuẩn này (cấp 4), rất nhiều nước trên thế giới cũng phải làm như chúng ta, gửi mẫu bệnh phẩm nếu có nghi ngờ. 

Chúng tôi đang liên hệ và phối hợp với WHO, trung tâm phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ để có các hỗ trợ về kỹ thuật, sinh phẩm xét nghiệm. Thời gian tới, Việt Nam có thể tự xét nghiệm loại virus này.

VN đang lên phương án tự xét nghiệm virus Ebola
Việt Nam đang lên phương án tự xét nghiệm virus Ebola

- Giả sử dịch bệnh xảy ra, chỉ phòng 2 thí nghiệm này liệu có đủ không khi bệnh có khả năng lây nhiễm nhanh, người bệnh phải xếp hàng chờ?

- Ông Masaya Gato: Việt Nam chỉ cần hai phòng xét nghiệm này thôi, đây cũng là hai phòng đã đạt đến cấp 3 rồi. Nhiều nước trên thế giới cũng chưa đạt đến mức như Việt Nam, vì phòng thí nghiệm như thế này đòi hỏi kỹ thuật rất cao.

Thực tế, khả năng lây nhiễm virus Ebola ở Việt Nam rất thấp. Các bạn cần truyền thông ở mức độ chính xác nhất tránh gây hoang mang cho cộng đồng.

- Cơ sở nào để khẳng định khả năng lây nhiễm Ebola ở Việt Nam rất thấp?

- Ông Masaya Gato: Thứ nhất, virus này không lây qua đường hô hấp mà qua tiếp xúc gần với nguồn lây bệnh. Thứ hai, hiện nay Việt Nam chưa có trường hợp nào nhiễm bệnh. Thứ ba, khâu chuẩn bị của Việt Nam rất tốt và kịp thời. 

Chúng tôi cũng đã liên hệ với đại diện WHO tại 4 nước đang có dịch để khuyến cáo người dân các nước này không đi du lịch, đồng thời các nước không có dịch không nên đi du lịch đến đây.

- Bộ Y tế lo ngại điều gì nhất trong dịch bệnh Ebola?

- TS Trần Đắc Phu: Tình hình dịch diễn biến nguy hiểm, tổ chức Y tế quốc tế đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Chúng tôi đang làm mọi biện pháp để phòng tránh, nếu loại virus này vào Việt Nam thì rất lo ngại.

Hiện nay các loại bệnh mới virus biến đổi gien khôn lường, nên tốt nhất càng hạn chế bệnh dịch không vào Việt Nam càng tốt.

Quan trọng nữa là phải tuyên truyền để người dân không hoang mang lo ngại. Ví dụ, trước đây vì lo cúm H5N1 nên mọi người tẩy chay thịt gà. Hay như tối qua, có nguồn tin trên mạng nói có người bệnh bị Ebola ở bệnh viện Bạch Mai nhưng chúng tôi đã khẳng định thông tin không chính xác.

 1013 người chết, châu Á chưa có ca bệnh nào

Theo Cục Y tế Dự phòng, đến ngày 12/8 đã ghi nhận 1848 trường hợp mắc virus Ebola, trong đó có có 1013 trường hợp tử vong. Số trường hợp mắc và tử vong do virus Ebola tại 4 nước này liên tục gia tăng. Châu Á chưa có trường hợp nào được ghi nhận.

 

Thiên Lam

Bạn có thể quan tâm