Nếu sáp nhập thành công, Grab và Gojek có thể giảm đốt tiền đầu tư và tạo ra một tập đoàn khổng lồ. Nhưng các chuyên gia cảnh báo khách hàng sẽ chịu thiệt vì tình trạng độc quyền.
Bà Nanik Soelistiowati, 64 tuổi, chủ một gian hàng chuối chiên ở phía tây Jakarta (Indonesia), từng hưởng lợi từ cuộc chạy đua siêu ứng dụng của hai startup công nghệ Grab và Gojek.
Năm 2015, bà Soelistiowati đăng ký dịch vụ giao thức ăn của Gojek và chứng kiến doanh thu bán hàng tăng vọt. 2 năm sau, Grab mời chào bà với chi phí thấp hơn đối thủ Gojek đến 15%. Khi Grab đẩy mạnh giảm giá để thu hút người dùng, nhu cầu chuối chiên tăng vọt đến mức quán của bà Soelistiowati luôn trong tình trạng cháy hàng.
Nhưng giờ, hàng loạt thông tin về sự hợp nhất giữa Grab và Gojek liên tục xuất hiện khiến các đối tác như bà Soelistiowati và khách hàng hoang mang. Hôm 2/12, Bloomberg đưa tin thương vụ sáp nhập này có thể sớm hoàn tất sau khi 2 công ty đạt được những bước đàm phán quan trọng.
Nếu thành công, đây có thể là thương vụ sáp nhập công nghệ lớn nhất Đông Nam Á. Tuy nhiên, một trong những trở ngại lớn nhất là các quy định chống độc quyền của khu vực và lo ngại chi phí của khách hàng tăng cao sau khi hai startup kỳ lân (có giá trị vốn hóa trên 1 tỷ USD) Đông Nam Á về chung một nhà.
Thông tin Grab và Gojek sáp nhập đã được đồn đoán từ lâu. Câu hỏi đặt ra là hai công ty sáp nhập mọi hoạt động hay Grab chỉ mua lại mảng kinh doanh của Gojek ở Indonesia. Theo Fortune, tuy Grab chuyển trụ sở đến Singapore, CEO Grab Anthony Tan vẫn dành tới 70% thời gian tại Indonesia - sân nhà của Gojek.
Quốc gia Đông Nam Á có dân số đông thứ 4 thế giới, chiếm 1/3 tổng sản lượng kinh tế khu vực. Giới phân tích nhận định đây là thị trường quyết định thế "bá chủ" của khu vực. CEO Grab Anthony Tan muốn một thỏa thuận hẹp, nghĩa là Gojek trở thành công ty con của Grab tại Indonesia.
Nguồn tin của Bloomberg cho biết Tan cũng muốn đảm bảo cổ phiếu của ông tại Grab không bị pha loãng sau thỏa thuận sáp nhập này. Trong khi đó, phía cổ đông của Gojek muốn hai công ty hợp nhất mọi hoạt động ở khắp Đông Nam Á. CEO SoftBank Masayoshi Son - nhà đầu tư lớn nhất của Grab - cũng đồng quan điểm với các cổ đông Gojek.
Kể từ khi ra đời tại một nhà kho ở ngoại ô Kuala Lumpur (Malaysia) hồi năm 2012, Grab đã mở rộng hoạt động tới 8 quốc gia khu vực Đông Nam Á. Hai nhà sáng lập Anthony Tan và Hooi Ling Tan không giấu tham vọng biến Grab thành một siêu ứng dụng đánh chiếm mọi lĩnh vực từ giao đồ ăn, thanh toán online, dịch vụ tài chính, thậm chí cả dịch vụ y tế. Hiện, Grab được định giá 14 tỷ USD.
Còn Gojek bắt đầu hoạt động từ năm 2010 với tư cách một trung tâm cuộc gọi với số nhân viên ít ỏi. Đến năm 2015, Gojek đã phát triển thành ứng dụng kiểu Uber và trở thành startup kỳ lân đầu tiên của Indonesia. Những tên tuổi lớn như Google, Tencent Holdings và Facebook đồng loạt rót tiền vào startup này.
Công ty hoạt động tại 5 quốc gia, được định giá 10 tỷ USD và đang trên đường trở thành siêu ứng dụng với Gojek, GoMart (mua sắm hàng thực phẩm), GoClean (lau dọn nhà cửa), GoGlam (làm tóc và trang điểm), GoMassage (mát-xa) và dịch vụ thanh toán GoPay.
Tuy nhiên, dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến mảng kinh doanh dịch vụ gọi xe cốt lõi của Grab và Gojek. Cùng với đó, tham vọng siêu ứng dụng đắt đỏ dẫn đến những khoản lỗ triền miền của Grab. Điều này khiến tỷ phú Son và các nhà đầu tư khác lo lắng, nhất là sau bê bối của startup chia sẻ văn phòng WeWork.
SoftBank tỏ ra quan ngại với việc Grab và Gojek đối đầu căng thẳng. Trong những năm qua, hai startup hàng đầu châu Á cạnh tranh dữ dội để giành thị phần khu vực. Sau chuyến đi đến Indonesia hồi cuối năm ngoái, CEO SoftBank kêu gọi hai startup sớm đạt thỏa thuận sáp nhập. Việc sáp nhập có thể giúp hai bên giảm đốt tiền đầu tư và tạo ra một công ty dịch vụ Internet hùng mạnh hàng đầu khu vực.
"Bất cứ thứ gì mà tầng lớp trung lưu của Indonesia muốn mua, chúng tôi đều đưa vào ứng dụng này", nhà sáng lập Gojek Nadiem Makarim nhấn mạnh về tham vọng siêu ứng dụng hồi năm 2018.
Mô hình siêu ứng dụng đầu tiên thuộc về Alipay do Alibaba thành lập năm 2004 với nền tảng thương mại điện tử Taobao. Alipay dần trở thành hệ thống thanh toán di động hàng đầu Trung Quốc. Ví điện tử kết nối với các tài khoản ngân hàng và thẻ tín dụng, được sử dụng để trả hóa đơn, chuyển tiền cho bạn bè, đặt phòng khách sạn…
Đối với các hãng công nghệ Trung Quốc, siêu ứng dụng là mỏ vàng dữ liệu của hàng trăm triệu người dùng. Nhờ kho ứng dụng này, công ty có thể kiếm bộn tiền từ mối quan hệ với doanh nghiệp đối tác và hãng quảng cáo.
Gojek và Grab được xem là sao chép mô hình của Alipay và Wechat (được Tencent tung ra năm 2011). Gojek đã cân nhắc chi hàng triệu USD tiền đầu tư để mở rộng mạnh mẽ sang các lĩnh vực từ giao thực phẩm đến mát-xa. Một phần của chiến lược mở rộng là thâu tóm những công ty khởi nghiệp nhỏ và yếu hơn.
Gojek cũng đẩy mạnh mảng thanh toán điện tử. Theo Bloomberg, ví điện tử GoPay đã liên kết với hơn 400.000 hộ kinh doanh nhỏ ở Indonesia. GoPay cũng mở rộng hoạt động bên ngoài Indonesia. Ứng dụng cho phép khách hàng Thái Lan thanh toán tiền gọi xe và đặt đồ ăn trên ứng dụng Gojek.
Trong khi đó, đối thủ Grab cũng thâu tóm ít nhất 10 startup nhỏ hơn trong vòng 3 năm qua. Hồi tháng 10, lãnh đạo công ty tiết lộ Grab sẽ ưu tiên mở rộng các dịch vụ tài chính và dịch vụ thương mại cho đến hết năm 2020 và những năm sau đó.
Năm 2019, cả hai công ty đều không có lãi, riêng mảng gọi xe của Grab ở Singapore lỗ hơn 200 triệu USD. Grab và Gojek bị mắc kẹt trong trận chiến giảm giá và trợ cấp nhằm thu hút cả khách hàng và tài xế.
Dịch Covid-19 giáng thêm đòn vào hai hãng công nghệ Đông Nam Á. Hồi cuối tháng 6 năm nay, nhu cầu lao dốc vì dịch Covid-19, Grab sa thải 360 nhân viên, tương đương 5% tổng lực lượng lao động. Trước đó, Grab cũng xem xét lại chi tiêu và cắt giảm lương đối với ban lãnh đạo cấp cao.
Gojek cũng tuyên bố sa thải 9% lực lượng lao động và đóng cửa GoLife, dịch vụ làm sạch và mát-xa tại nhà, và GoFood Fesstival. Công ty cũng dừng GoGlam, dịch vụ đặt phòng làm đẹp và GoFix, dịch vụ sửa chữa đồ gia dụng hồi tháng 1.
Điều này đe dọa sinh kế của hàng nghìn người Indonesia. "Tôi bị sốc. Tôi nghĩ Gojek là một công ty lớn, chắc chắn họ sẽ tiếp tục mở rộng các loại dịch vụ", bà Asri Sulastri, một người dọn dẹp từng làm việc cho GoClean, chia sẻ.
Trên thực tế, sự bùng nổ của làn sóng khởi nghiệp ở Đông Nam Á vốn đã mất nhiệt lượng từ trước dịch Covid-19. Giới đầu tư trở nên cảnh giác hơn sau khi kế hoạch phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO) của WeWork sụp đổ, trong khi giá cổ phiếu Uber và Slack Technologies lao dốc sau IPO.
Theo dữ liệu của Deal Street Asia, vốn huy động tại khu vực startup Đông Nam Á chứng kiến mức sụt giảm 30% trong năm ngoái, đặc biệt là nửa cuối năm. Nhiều startup lớn, bao gồm Gojek, đã sẵn sàng chuyển đổi trước khi đại dịch diễn ra. Họ tập trung hướng tới lợi nhuận thay vì triết lý "tăng trưởng bằng mọi giá" như vài năm trước đây.
Trước đây, ông Son - cổ đông lớn nhất của Grab - tin rằng thị trường gọi xe chỉ có thế độc quyền, tức công ty có nhiều tiền nhất sẽ thống lĩnh thị trường. Tuy nhiên, nhà đầu tư Nhật Bản đã suy nghĩ lại sau sự cạnh tranh bền bỉ của Gojek tại Indonesia.
Theo giới chuyên gia, việc sáp nhập sẽ giúp 2 công ty tập trung nguồn lực để tăng tốc, hướng tới mục tiêu đạt lợi nhuận. Các nhà phân tích cho rằng liên danh của Grab, Gojek sẽ có giá trị lớn gấp nhiều lần tổng định giá của 2 công ty hiện tại.
"Mọi người bắt đầu nhận ra rằng thị trường vốn đại chúng đang trở nên hấp dẫn hơn với các công ty Internet trong khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, họ cũng nhận thấy rằng cần phải đạt đến một quy mô nhất định để IPO thành công. Tôi nghĩ đó là lý do những cuộc đàm phán, sáp nhập xuất hiện trong khu vực", ông Rohit Sipahimalani, Giám đốc Chiến lược Đầu tư tại Temasek, nhận định.
"Người thua thiệt duy nhất là người tiêu dùng", Financial Times dẫn lời một chuyên gia phân tích giấu tên. "Một thương vụ sáp nhập sẽ tạo thế độc quyền và khiến phí dịch vụ đối với khách hàng trở nên đắt đỏ hơn nhiều", người này nhấn mạnh.
Thông tin Grab và Gojek về chung nhà cũng làm dấy lên lo ngại rằng vụ sáp nhập sẽ triệt tiêu tính cạnh tranh trong ngành công nghiệp, đẩy giá dịch vụ lên cao và chất lượng giảm.
Nếu sáp nhập thành công, Grab và Gojek dĩ nhiên sẽ giảm đốt tiền đầu tư. Nhưng điều này cũng có nghĩa là những đối tác như bà Nanik Soelistiowati, chủ gian hàng chuối chiên, và các khách hàng không còn được nhận những lời mời chào và ưu đãi hấp dẫn như trước.
Trên thực tế, giới chuyên gia nhận định các công ty công nghệ đều có xu hướng độc quyền. Một khi số lượng người sử dụng nền tảng ngày càng nhiều, nó càng trở nên hữu ích và dễ dàng thu hút người dùng mới. Mới đây, Cục Quản lý Nhà nước về Quy chế Thị trường Trung Quốc đã công bố dự thảo quy tắc nhằm xác định những điểm cấu thành hành vi độc quyền. Dự thảo này bao gồm các quy định về giá cả, phương thức thanh toán và sử dụng dữ liệu nhắm vào người dùng.
Tại Singapore, việc Grab mua lại hoạt động Uber ở Đông Nam Á từng gây làn sóng phẫn nộ trong cộng đồng tài xế.
Họ cho rằng sự sáp nhập này ảnh hưởng đến đời sống của họ, trong khi khách hàng phản đối tình trạng giá Grab ngày càng cao trong khi chất lượng dịch vụ kém. Chính quyền Singapore cũng phạt Grab và Uber 9,5 triệu USD vì cho rằng thỏa thuận giữa đôi bên triệt tiêu cạnh tranh và đẩy giá dịch vụ lên 15%.
Cơ quan quản lý Philippines cũng thông qua việc sáp nhập hồi tháng 8/2018, đi kèm với các điều kiện về giá cả và chất lượng dịch vụ. Tuy nhiên, 2 tháng sau, cơ quan này đưa ra mức phạt gần 300.000 USD dành cho Grab và Uber vì không đáp ứng điều khoản.
Cơ quan quản lý Singapore còn yêu cầu Grab phải khôi phục chế độ giá như trước khi mua lại Uber. Điều đáng nói là động thái này từng mở ra cơ hội cho Gojek. Hãng này quyết đầu tư 500 triệu USD để mở rộng hoạt động tại Singapore và các thị trường khác. Giờ, khả năng Grab sáp nhập với Gojek có thể một lần nữa làm đảo lộn thị trường.
“Grab có ý đồ cướp cái tên siêu ứng dụng từ chúng tôi. Những năm đầu tiên họ sao chép mô hình của Uber, 3 năm tiếp theo chạy theo Gojek”, nhà sáng lập Gojek Makarim từng bày tỏ sự bức xúc trên Fortune.
Phản ứng lại, bộ đôi Tan của Grab tuyên bố: “Có một ý tưởng hay không đảm bảo thành công”. Những màn đối đáp qua lại cho thấy cuộc đối đầu của Grab và Gojek không chỉ ở trên thị trường, mà còn là “trận chiến” giữa Makarim và bộ đôi Tan. Cả ba là bạn học ở Trường Kinh doanh Havard và từng là bạn bè.
Giờ, trong bối cảnh dịch bệnh và sự bùng nổ khởi nghiệp tại Đông Nam Á giảm nhiệt, hai kỳ phùng địch thủ có thể sáp nhập để giảm lượng tiền bị đốt và tạo ra một trong những công ty Internet mạnh nhất khu vực.
"Đối với các nhà đầu tư, quyết định hợp nhất của Grab và Gojek có thể giúp họ được nắm giữ cổ phần của tập đoàn công nghệ khổng lồ, tại một khu vực có nền kinh tế số phát triển mạnh mẽ với 8 quốc gia tăng trưởng cao", nhà báo Shotaro Tani của Nikkei Asian Review bình luận.