Nhu cầu vốn
Tất cả những ai đã thực sự đi qua cơn lốc khởi nghiệp đều sẽ xác nhận là nhu cầu vốn sẽ lớn gấp ba, gấp bốn lần dự tính ban đầu. Tuy nhiên, nguồn vốn phải bổ sung chỉ xuất hiện sau một thời gian hoạt động. Đến đúng lúc gay go nhất, sôi bỏng nhất thì “chủ nhân tương lai của công ty khởi nghiệp” sẽ phải tất tưởi chạy tìm thêm vốn.
Xác xuất tìm ra thì rất thấp nếu họ chọn lựa giải pháp đi mượn, vì đơn giản, số tiền mượn từ ngày đầu đã cao ngất ngưởng, sẽ không còn có ai chịu cho mượn thêm. Ngược lại, họ sẽ rất dễ thành công tìm ra thêm vốn, nếu chịu các điều kiện của những tay tài phiệt đang tiến gần tới họ.
Những tay tài phiệt này (venture capitalist) sẽ sẵn sàng giúp cho việc tăng vốn, nhưng họ sẽ không bao giờ chấp thuận cho mượn tiền mà chỉ có một chiến lược là đột nhập vào công ty khởi nghiệp, thậm chí lấy đa số cổ phiếu. Họ sẽ áp đảo công ty non nớt vì biết rõ là nếu không có họ thì công ty sẽ khó lòng tồn tại. Đúng lúc đó, tiềm năng thực sự của công ty khởi nghiệp đã hiện rõ hơn thuở ban đầu rồi, rủi ro đã giảm, thậm chí đã hiện rõ để có thể xử lý.
Ảnh minh hoạ. Nguồn: AlphaTradeZone. |
Cuộc thương thuyết thật quá chênh lệch, một bên là người sáng tạo ra sản phẩm khởi nghiệp không còn một xu dính túi, bên kia là một loại chó sói đói sẵn sàng ăn thịt non. Mất máu đào chính là lúc này! Để tránh tình huống này xảy ra, người khởi nghiệp luôn luôn phải có ngay từ ban đầu một chiến lược tăng vốn. Nếu đợi đến lúc cần tiền rồi mới phản ứng thì quá muộn.
Chiến lược tốt nhất là công ty khởi nghiệp gây được doanh thu sớm, cho dù nhỏ. Chính doanh thu những tháng đầu sẽ giảm nhẹ vấn đề tăng vốn sau này, cùng lúc chi phí quảng cáo sẽ giảm vì sản phẩm đã được thị trường đánh giá tốt.
Có một thể thức khác khá “duyên dáng” cho việc tài trợ khởi nghiệp tôi không muốn quên nhắc tới: đó là crowdfunding (tạm dịch là gây quỹ quần chúng hay quỹ cộng đồng), có nghĩa là dự án khởi nghiệp nhận được sự đóng góp vốn từ mọi giới quần chúng, thông qua một cơ quan kiểm chứng. Cơ quan này sẽ có thẩm quyền xác nhận sự đóng góp và số tiền đóng góp, thậm chí có khả năng, nếu muốn, phát cổ phiếu theo số vốn đóng góp.
Thật ra, khái niệm crowdfunding không có gì là mới mẻ. Quyên tiền cho quỹ từ thiện là gì nếu không phải là crowdfunding. Dân chúng góp tiền để tài trợ cho một nhóm người thực hiện một việc nào đó là crowdfunding. Crowdfunding dễ thành công cho những công cuộc mà quần chúng cho là có lợi ích xã hội, có sự thu hút hoặc quan tâm nào đó của quần chúng.
Ngày nay, sức mạnh truyền thông của các mạng xã hội có khả năng mang lại cho một dự án nào đó sự quan tâm của số đông, và tất nhiên không có gì cấm việc khởi nghiệp có thể nhận được sự hỗ trợ của crowdfunding. Rất tiếc thị trường Việt Nam chưa cho phép tổ chức crowdfunding một cách bài bản, cứ nhìn những cuộc từ thiện nạn lụt hay “cá chết” vừa qua trong năm 2016 thì thấy rằng chuyện crowdfunding còn cần thêm sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn của chính phủ để có khả năng thành công.
Tất cả sự việc như trên đây đều chứng tỏ một điều: rằng ngay từ đầu, việc ước lượng vốn cần thiết rất khó, nhất là đối với những người ít kinh nghiệm. Thành thử, đi đến giữa đường rồi họ mới bị đặt vào thế khó khăn khi phải thương thảo với các venture-capital. An ủi duy nhất mà họ có thể có là khi các venture-capital chú ý đến họ thì khả năng khởi nghiệp đi tới thành công có lẽ cũng đã cao. Loài cá sấu chỉ đuổi theo những mồi ngon.