Trong 3 ngày Tết Nguyên đán hầu hết chợ đều nghỉ mua bán để mọi người tổ chức lễ hội, cúng ông bà, thăm hỏi nhau. Tuy nhiên, vẫn có những chợ Tết độc đáo, quanh năm suốt tháng không họp, chỉ họp trong 2-3 ngày Tết, sau đó thì giải tán và chờ đến đầu xuân năm sau thì xuất hiện trở lại. Sách 60 lễ hội truyền thống Việt Nam của Thạch Phương, Lê Trung Vũ cho biết nguồn gốc ít biết của những hội chợ này.
Hội bài chòi - trò chơi luôn hiện diện ở phiên chợ tết Gia Lạc. Nguồn: baothuathienhue. |
Chợ xuân Gia Lạc từng là nơi vui chơi, giải trí ngày xuân của giới hoàng tộc
Hội chợ xuân Gia Lạc (cách trung tâm thành phố Huế 3 km đi về phía Vĩ Dạ) họp mùng 1 đến mùng 3 Tết (chỉ họp trong 3 ngày này, ngày thường không có chợ). Tương truyền, chợ Gia Lạc do Đinh viễn công Nguyễn Phước Bình, con thứ 4 vua Gia Long lập ra cách đây khoảng 200 năm.
Ban đầu, chợ được lập ra theo ý của ông hoàng để có chỗ tập trung vui chơi, giải trí ngày xuân của giới hoàng tộc và số thị dân, thợ thủ công, quan chức, lính tráng không về ăn Tết ở quê hương.
Dần dần, chợ không những trở thành một tụ điểm vui chơi hấp dẫn, mà còn thành nơi trao đổi, mua bán các sản vật, hàng hóa khác, hay nơi bán một số món ăn đặc sản ngày xuân. Cũng có người đi chợ bán một vài vật nhỏ cốt để lấy may đầu năm, người mua cũng mang tâm lý đó không ít.
Vào sáng sớm tinh mơ ngày mùng 1 Tết, người từ các nơi nườm nượp đổ về mảnh đất trống, với những ngôi lều dựng tạm bợ bên cạnh bờ sông Hương. Kẻ bán, người mua, lẫn người đi xem đi chơi chợ (thành phần đông nhất) rất nhộn nhịp.
Hàng hóa bày ra đủ loại, từ đồ gia dụng hàng ngày như chén bát, cơi trầu, bộ ấm chén cũ, quần áo may sẵn đến đồ chơi trẻ em, bánh trái, hoa quả, giống như một dạng “chợ trời” ngày nay. Một số quán ăn kịp thời xuất hiện, bán bún, phở, đặc biệt là món thịt heo quay, thịt bê thui nổi tiếng. Cạnh đó là nơi tổ chức bài chòi, và các trò chơi khác.
Phần lớn khách đến hội chợ xuân Gia Lạc không phải vì nhu cầu trao đổi kinh tế mà vì thói quen, vì một tập tục lâu đời, lấy vui, lấy việc cầu may trong không khí ngày Tết là chính. Chính vì thế, mọi người đều ăn mặc chỉnh tề, đi lại, nói năng trao đổi lịch thiệp, không ồn ào, to tiếng với nhau, không tranh mua, tranh bán xô bồ như phiên chợ ngày thường.
Ai cũng cố gắng giữ một phong cách, thái độ đứng đắn trong giao tiếp ứng xử nhằm biểu hiện chất văn hóa truyền thống của đất cố đô trong dịp đầu xuân. Những trai gái thanh lịch rủ nhau đến chợ xem cảnh, xem người, mua vài món kỷ niệm, tham gia vài trò chơi dân gian, giải trí thưởng thức đôi câu hò, hát đối đáp…
Tồn tại khá lâu qua các giai đoạn lịch sử, hội chợ Gia Lạc có những bước thăng trầm và thay đổi về mặt hình thức buôn bán, trao đổi, vui chơi. Hiện nay, hình thức họp chợ đầu xuân ở đây vẫn còn, nhưng đời sống cũng như tâm lý thưởng ngoạn… đã có nhiều thay đổi, không khí chung của hội không còn vui, sôi động như xưa.
Chợ Gò Trường Úc. Ảnh: Nguyễn Dũng. |
Chợ Gò gắn với giai thoại nhà Tây Sơn
Hội được tổ chức tại chợ Gò Trường Úc, xã Phước Nghĩa, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định vào ngày mùng 1 và mùng 2 Tết, ngày thường không có chợ.
Hội chợ Gò là hội vui xuân của một địa phương nhỏ, nhưng có những nét hấp dẫn riêng và từ lâu đã trở thành một tập tục của đồng bào quanh đây. Chợ họp trên một gò đất rộng và cao nằm dưới chân núi Hàm Long, bên bờ sông Hà Thanh đổ ra Thị Nại. Chợ cách thành phố Quy Nhơn 8 km theo đường quốc lộ 1 cũ…
Cho đến nay, vẫn chưa có ai xác định cụ thể tục vui xuân chợ Gò Trường Úc có từ bao giờ. Theo các bô lão trong vùng, hồi còn tấm bé các cụ đã được chứng kiến cảnh tấp nập, đông vui của hội chợ Gò ngày Tết. Bản thân các cụ cũng đã từng cùng người thân hòa vào đoàn người đi hội, chứng kiến những cuộc vui hấp dẫn, như bài chòi, lô tô, chọi gà… hoặc mua vài món quà làm kỷ niệm.
Cũng theo lời kể của các cụ, có một điều rất lạ là dưới thời nhà Nguyễn, chợ Gò ngày Tết bị cấm. Để ngăn chặn dân chúng đi hội chợ, chính quyền địa phương đã thi hành lệnh cấp trên, dùng tre gai rào kín các ngả vào chợ.
Thậm chí, viên bố chánh tỉnh Bình Định đã có lần sai lính cho 2 con voi đến phá sạch những chòi và căn lều cất lên chuẩn bị cho ngày hội. Tuy nhiên, những biện pháp đó không khiến cho người dân sợ sệt và cản được ngày vui xuân của họ. Hàng năm, đến sáng mùng 1 Tết, đồng bào từ thành phố Quy Nhơn, các vùng lân cận nườm nượp đổ về hội.
Tương truyền nơi đây, xưa là tiền đồn của quân Tây Sơn đóng giữ cảng Thị Nại và thành Hoàng đế (tức thành Đồ Bàn). Tết đến binh sĩ đồn trú tại đây tổ chức xuân bên cạnh bến đò Trường Úc để bà con cùng binh lính mua bán, vui chơi… rồi lâu dần thành nếp.
Lại có ý kiến cho rằng, nơi đây từng là bãi chiến trường đẫm máu giữa quân Tây Sơn và chúa Nguyễn trong quá trình giành giật địa bàn chiến lược này. Dải đất ven chân núi Hoàng Long, kể cả địa điểm họp chợ vốn là bãi tha ma với hàng nghìn ngôi mộ vô danh… Không rõ đây có phải là lý do triều Nguyễn cấm chợ, nhằm mục đích xóa đi tâm tưởng của người dân nơi đây về quân Tây Sơn…
Cũng như chợ Tết ở nhiều vùng quê, chợ Gò bán đủ thứ, từ trái cây, cành hoa mai, hương đèn, rau tươi, đặc sản biển, đồ chơi trẻ con… Việc mua bán ở đây không mặc cả. Dường như tâm lý của người đến chợ không vì chủ đích mua bán mà đi dự hội, vui chơi.