Chợ Tết trong tôi là nỗi nhớ niềm thương với biết bao kỉ niệm êm đềm. Cứ năm ngày chợ họp một phiên, mỗi tháng đều đặn bốn, năm phiên. Chợ chỉ cách nhà một quãng ngắn, còn gần hơn đường đi tới lớp.
Bình thường, nếu phiên chợ rơi vào cuối tuần, tôi lại được theo bà ra ngắm hàng rau, hàng thịt. Nhưng chẳng hiểu sao, cứ gần đến Tết, đứa nào cũng háo hức mong được bà, hay mẹ dắt ra chợ.
Qua rằm tháng chạp, khi trong nhà ngoài ngõ còn chưa chuẩn bị gì, thì Tết đã về đến chợ. Ngày bé, chợ phiên hôm rằm với tôi đã là chợ Tết. Từ sớm tinh mơ, đường đi chợ đã rộn rã tiếng nói cười, xen lẫn trong đó là tiếng lách cách của những vòng xe đạp đang quay rất mau. Dường như năm cùng tháng tận khiến người ta vội vã hơn.
Chợ quê ngày Tết là nơi muôn hoa khoe sắc đón xuân. Ảnh: Toquoc.vn |
Tối hôm trước, bà đã lẩm nhẩm xem phải mua những gì. Bao năm vẫn là từng ấy thứ quen thuộc làm nên bữa cơm tất niên ấm cúng. Nào miến dong, mộc nhĩ, nấm hương, măng khô rồi hành, tỏi. Cũng không thể quên ống giang để chẻ lạt gói bánh chưng. Trong đêm khuya tịch mịch, tôi lắng nghe rồi thì thầm theo tiếng bà, đắn đo không biết ngày mai hai bà cháu có quên thứ gì không.
Ra đến chợ, bà liền tới hàng đồ khô để mua miến, măng, mộc nhĩ, cùng một ít nấm hương, những thứ ấy để được lâu, nên phải mua từ sớm. Những bó miến dong màu xám đục, óng ánh lên trong cái nắng hanh hao của tháng mười hai. Vừa nhìn thấy chúng, tôi đã thèm thuồng nghĩ đến bát miến nấu với lòng gà, đầy đủ mộc nhĩ, nấm hương, thêm vài cọng hành xanh xanh. Ôi chao, nó hài hòa, đẹp mắt, mà cũng thật ngon lành.
Mua miến xong, chắc chắn bà sẽ đi mua măng. Người bán măng là một bác tóc còn đen nhánh, trông chỉ hơn mẹ tôi vài tuổi, nhưng lưng đã hơi còng. Năm nào, đến mấy phiên chợ giáp Tết tôi mới được gặp bác. Ngày bé, tôi hỏi bà: Vì sao bác trẻ hơn bà mà lưng đã còng. Bà cười, nói bác người trên mạn ngược, gần Tết mới về đây buôn bán, vất vả nên già trước tuổi.
Lá dong, măng khô, miến hay bóng bì là những thứ đắt hàng ở chợ Tết. Ảnh: Nguoithanhoai.vn |
Dù đã mua măng từ hôm rằm, nhưng đến hai mươi tám hay hai mươi chín Tết kiểu gì bà cũng ghé qua hàng măng của bác, xem bác bán hết hàng chưa. Nếu còn nhiều, bà lại thương, mua đỡ cho một ít. Vì ra giêng, gặp hôm nắng to, đem măng ra phơi lại, thì vẫn để dành được lâu. Lúc nào bà cũng tấm tắc khen măng của bác ngon. Mười miếng măng lưỡi lợn đều tăm tắp, ít xơ già, nấu rất dôi.
Hôm qua, lúc hai bà cháu đã buông màn, bà vẫn nhắc đi, nhắc lại chuyện phải mua hành về muối. Ngày Tết làm sao thiếu được đĩa dưa hành. Những bó hành xanh mỡ màng, phô ra phần cọng trắng ngần, óng ả được bày bán ở khắp các hàng rau. Các bà, các cô lựa hành đông vui như hội. Tôi nhanh nhảu chọn những bó có củ to, mập mạp, mang ra cho bà, chắc mẩm sẽ được khen.
Ai ngờ, nhìn đứa cháu gái hí hửng cầm bó hành xanh mượt chạy lại, bà tôi chỉ lắc đầu cười. Chọn hành để muối chua, phải chọn củ bánh tẻ, không được to quá, cũng đừng nhỏ quá, sàn sàn như nhau. Củ to thì đẹp mã, nhưng muối lâu ngấu, ra Giêng mới được ăn thì chết. Mớ hành muối dưa ngày Tết phải nguyên vẹn, không được dập nát, hay xây xát gì thì khi muối mới ngon.
Đi chợ cả buổi, thế mà bà vẫn chưa dẫn tôi vào hàng quần áo. Nhìn gương mặt phụng phịu, biếng cười của đứa cháu gái nhỏ, bà hiểu ngay. Dù là ngày thường hay khi Tết đến, mấy gian hàng bán quần áo vẫn là nơi tôi thích nhất ở chợ. Xanh xanh, đỏ đỏ, áo bông và áo len, đôi ba bộ váy sặc sỡ hay mấy cái quần mới vẫn còn nguyên nếp là, đều khiến tôi mê mẩn.
Đến chợ Tết, con trẻ tìm niềm vui trong tà áo mới. Ảnh: Ecopark.com.vn |
Bà bảo tôi thử áo, rồi lựa xem cái nào vừa với đứa em tôi, để bà mua luôn cho nó. Mấy hôm trước con bé bị ốm, giờ vẫn còn nằm bẹp trên giường. Từ đầu tháng, nghe người lớn nhắc đến Tết, nó đã đòi đi chợ cùng bà. Ở nhà, chắc cô nàng đang ngóng hai bà cháu tôi ghê lắm. Thảo nào, thỉnh thoảng tôi với bà lại hắt hơi.
Tôi chọn cho mình một chiếc áo len hồng thắm như hoa đào, còn chiếc áo vàng rực rỡ tựa nhành mai là quà của cô em gái. Bà lấy xấp tiền lẻ ra đếm, còn thiếu mất mười nghìn mới đủ tiền mua hai cái áo. Thấy ánh mắt tha thiết, như thể đang dán chặt vào từng sợi len của tôi, cô bán hàng cười xòa, đồng ý bán rẻ cho hai bà cháu. Chẳng mấy khi ra chợ, hết nhẵn cả tiền mà bà vẫn vui đến thế.
Trên đường về, hai bà cháu ríu ran trò chuyện, xem về đến nhà, nên làm việc gì trước. Nắng cuối đông rất vàng. Gió lướt qua làm đỏ đôi má hây hây. Nắng thế này mà phơi hành thì giòn phải biết. Ý nghĩ ấy, nhen lên trong lòng một niềm vui nho nhỏ, khiến bàn chân bớt mỏi để bước thật mau.
Tuổi thơ tôi, Tết đến từ phiên chợ ngày rằm tháng chạp. Tết đủ đầy từ đôi bàn tay của bà, của mẹ. Có chăm chút và nâng niu, những ngày đầu năm mới trở nên trọn vẹn hơn. Trái tim ta thấy thật sung túc bởi bao yêu thương ngọt lành!