Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nguồn gốc của ngày vía Thần Tài và những vị Thần Tài 'nhập cảng'

Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Huỳnh Ngọc Trảng, ngày mùng 10 tháng giêng âm lịch vốn không phải ngày vía Thần Tài mà là ngày vía Đất.

Vào ngày vía Thần Tài người ta thường đi mua vàng với mong ước một năm mới làm ăn phát tài.

Trong cuốn Thần đất - Ông địa & Thần tài, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Huỳnh Ngọc Trảng cho biết Thần Tài là một vị thần ý niệm (không có thần tích, thần phả gì) biểu trưng cho tiền tài, sự giàu có.

Từ tín lý thời “dĩ nông vi bản” đến kinh tế hàng hóa phát triển

Ở nước ta, Thần Tài xuất hiện tương đối muộn và còn lệ thuộc vào thần Đất - Thổ địa nhưng tín ngưỡng thờ vị thần này vẫn ngày càng phát triển và phổ biến.

Theo tác giả sách, tín ngưỡng thờ Thần Đất - Thổ Địa có từ lâu ở nước ta và việc thờ tự vị thần này dựa vào hai tín lý cơ bản: Một là vị phúc thần bảo vệ cộng đồng dân cư; hai là vị thần ban sung túc, thịnh vượng.

Theo tín niệm của dân gian, Thần Đất - Thổ địa có hai công năng: Một là bảo vệ cho một diện tích đất đai nào đó (nền nhà, vuông vườn, xóm ấp…); hai là nguyên lý sinh sản (hoa màu, nông sản…) của đất theo tín lý phồn thực. Nói cách khác Thần Đất - Thần Thổ địa cũng làm cho gia chủ phát đạt, giàu có (được mùa, bội thu…). Đó là tín lý của thời kỳ “dĩ nông vi bản” - coi nông nghiệp là sản xuất chính yếu, coi thương nghiệp là thứ yếu.

Cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, kinh tế hàng hóa phát triển, thương nghiệp, doanh nghiệp ngày càng có vị trí trong hoạt động kinh tế thì tiền, vàng bạc là dấu hiệu của sự giàu có, chứ không còn là “ lúa thiên, ruộng mẫu”. Sự thay đổi đó dẫn tới việc con người cần một hình tướng mới chuyên trách cho việc phát tài: ông Thần Tài.

Tuy nhiên, trong thực tế, Thần Tài không thay thế được Thần Đất mà hai vị thần này được chấp nhận cộng tồn bên nhau, được thờ chung trong một khám thờ đặt sát đất, quay mặt ra theo hướng cửa chính của ngôi chùa, am, miếu hay ngôi nhà...

Ngay via Than Tai anh 1

Cuốn sách về Ông Địa và Thần Tài của nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng.

Từ ngày vía Đất đến ngày vía Thần Tài

Theo tín niệm của dân gian, ngày mùng 10 tháng giêng (âm lịch) hàng năm là ngày vía Thần Tài. Trong ngày này, ngoài việc thực hiện các tập tục thờ cúng, người ta thường đi mua vàng với mong ước một năm mới làm ăn phát tài.

Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng, ngày mùng 10 tháng giêng âm lịch vốn không phải ngày vía Thần Tài mà là ngày vía Đất. Vì Thần Tài và Thổ Địa có nhiều nhân duyên với nhau, được thờ chung một khám thờ, không tách rời nhau, nên người ta đã lấy ngày này là vía Thần Tài.

Việc chọn ngày mùng 10 âm lịch làm ngày cúng Thổ địa có lẽ bắt nguồn từ một quan niệm về sự sinh thành trời đất và các loài vật mà Đông Phương Sóc đưa ra vào đời nhà Hán.

Theo quan niệm này, khởi thủy những ngày đầu tháng Dần (tháng giêng) thì: ngày mùng 1 sinh ra giống gà; ngày mùng 2 sinh thêm giống chó; ngày mùng 3 sinh thêm giống lợn; ngày mùng 4 sinh thêm dê; ngày mùng 5 sinh thêm trâu; ngày mùng 6 sinh thêm ngựa; ngày mùng 7 sinh ra loài người; ngày mùng 8 sinh ra ngũ cốc; ngày mùng 9 sinh ra trời; ngày mùng 10 sinh ra đất.

Từ tín lý này, người ta tạo ra các tập tục lễ thức: Tháng giêng là tháng Dần nên Tết đều dán “bùa nêu - ông Cọp”. Ngày mùng 7 là ngày “nhân nhật” nên có lễ khai hạ, mùng 9 sinh ra trời là ngày vía Ngọc Hoàng và mùng 10 là sinh ra đất, cúng đất, gọi là vía Đất. Vía Đất gắn với tập tục động thổ sau những ngày đầu năm: tức sau lễ này thì việc cày bừa, giã gạo, bổ củi, đốn cây mới được phép tiến hành.

Lệ cúng Đất vào ngày mùng 10 cả 5 tháng đầu năm bắt nguồn từ quan niệm cho rằng ngày 10 tháng giêng là ngày vía sinh, tức cúng mừng sinh nhật đất và cho đến tháng 5 có ngày Địa Lạp tức ngày kỵ lạp (giỗ kỵ) của đất, có nghĩa là ngày địa chết.

Ngoài lý giải trên còn có quan niệm các ngày mùng 10 âm lịch của 5 tháng đầu năm là ngày vía (ngày sinh) của các thần “Ngũ phương ngũ thổ” tức các Thổ Thần ở bốn phương và trung ương. Và mỗi ngày mùng 10 của 5 tháng đầu năm là ngày vía của một trong năm vị Thổ Thần đó.

Tín ngưỡng thờ Thần Tài thời đương đại

Cũng trong cuốn sách, nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng còn đưa ra một góc nhìn khác về việc thờ Thần Tài với vô số linh vật phong thủy, các vật chiêu tài hiện nay.

Ông cho biết tập tục thờ cúng Thần Tài ra đời và phổ biến rộng rãi với sự phát triển của lực lượng doanh thương. Bởi vậy những thập niên vừa qua, tập tục thờ Thần Tài, cầu tài lộc nói chung cũng gia tăng và theo đó tập tục thờ vị thần này cũng trở nên đa dạng phức tạp hơn do tích hợp chư vị Thần Tài từ nhiều nguồn khác nhau.

Trước hết là tập hợp Thần Tài vốn đã được các nhóm dân người Hoa nhập cư thờ tự ở các đền, miếu, hội quán và tư gia đã ảnh hưởng đến tín ngưỡng của người Việt. Phổ biến trong số đó là: Triệu Minh Công, Đào Công / Phạm Lãi, Tài Bạch tinh quân, Văn Xương đế quân, Phúc Lộc Thọ tam tinh, Lưu Hải, Hòa Hợp nhị tiên và gần đây là sùng tín linh vật: Tỳ hưu, Thiềm thừ…

Ngoài tập hợp thờ Thần Tài của người Hoa, gần đây tập hợp Thần Tài của Nhật Bản cũng đã có mặt ở các khám thờ hay trong các tủ kệ của tiệm quán. Phổ biến là Chiêu Tài miêu Mankekineko, Thần Tài Daroko, Thần Tài Daruma. Kế đến là Thần Tài Thái Lan Nang Kwak (người Khmer gọi là Niêng Bật - Niêng Bột, người Việt gọi là Bà Ngoắt) cũng được sùng tín. Ngoài ra còn có Thần Tài Ấn Độ nhưng ít phổ biến hơn. Có thể kể đến như người đầu voi Ganesha, kế đó là các Thần Tài Mật Tông: Hắc Tài Thần (Makahala), Ngũ Lô Tài Thần Jambhala…

Ngoài các tượng thờ, tranh thờ Thần Tài “nhập cảng” nói trên còn vô số các vật thờ chiêu tài cầu lợi dưới danh nghĩa “vật linh phong thủy” ồ ạt xuất hiện, đã làm cho tín lý thờ Thần Tài ngày nay trở nên phong phú hơn bao giờ hết.

Đọc được sách hay, hãy gửi review cho ZNews

Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. ZNews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.

Trân trọng!

Nên mua vàng miếng hay vàng nhẫn ngày vía Thần Tài?

Chuyên gia cho rằng giá vàng thường tăng cao vào ngày vía Thần Tài, vì vậy chỉ nên mua số lượng nhỏ để cầu may, đồng thời ưu tiên vàng nhẫn hơn vàng miếng để tối ưu về dài hạn.

'Xin vía' Thần Tài phong cách Gen Z

Để “xin vía” tài lộc và may mắn trong ngày Thần Tài, Gen Z Việt cũng tìm mua vàng nhưng lựa chọn sản phẩm hiện đại, khác biệt hơn so với thế hệ đi trước.

Linh vật trong tranh dân gian Kim Hoàng

Những bức tranh "Thần kê", "Tứ nghệ"... được bàn tay tài hoa của những nghệ nhân "thổi hồn" để trở nên sống động, gần gũi.

Minh Châu

Bạn có thể quan tâm