Toàn cảnh làng Kim Hoàng. Giữa xu hướng đô thị hóa, vùng đất ven đô này còn lưu giữ những nét văn hóa cổ truyền của dân tộc, trong đó có dòng tranh dân gian Kim Hoàng, sánh tên tuổi với tranh Hàng Trống, tranh Đông Hồ. |
Tác giả sách Dòng tranh dân gian Kim Hoàng Nguyễn Thị Thu Hòa vốn là Giám đốc Bảo tàng gốm sứ Hà Nội. Mang trong mình tình yêu với các dòng tranh dân gian của dân tộc và nỗi lo về sự mai một, thất truyền, chị cùng cộng sự tìm hiểu, nghiên cứu về dòng tranh Kim Hoàng và thực hiện cuốn sách để công bố đến đại chúng. Tác giả Thu Hòa và cộng sự đang so sánh màu tranh thực tế với màu tranh trong sách về tranh dân gian Việt Nam của Maurice Durand. |
Thợ khắc khuôn in tranh. Gỗ dùng để in tranh phải là gỗ thịt, được xẻ thành ván và để khô kiệt rồi mới chạm khắc các hình để in. Muốn dùng khuôn in được lâu, nhiều lần, nét chạm, đục phải sâu, nét và mảng còn lại nổi cao. |
Tranh dân gian Kim Hoàng chủ yếu được in trên chất liệu giấy đỏ màu hồng điều hoặc màu cam. Trong hình là tranh Thần kê với hình ảnh con gà trống đang được hoàn thiện. |
Bốn bức tranh chủ đề Tử tôn phú quý vinh hoa minh họa cho lời chúc con đàn cháu đống. Ý nghĩa tranh từ trái sang: 1. Các bé vui đùa thể hiện lời chúc an vui; 2. Bé cưỡi tuần lộc, biểu thị ước vọng nhiều phúc lộc; 3. Bé được khiêng thể hiện ước vọng làm quan, bé cầm hoa sen làm lọng chỉ sự thăng quan tiến chức; 4. Em bé mở hộp có con cóc ba chân nhảy ra biểu thị ước vọng học tập đỗ đạt. |
Tranh hai bên miêu tả chim phượng, linh vật trong "tứ linh". Tranh ở giữa mang ý nghĩa cá chép hóa rồng biểu thị sự thành đạt. Tranh do nghệ nhân Đào Đình Trung làng Kim Hoàng thực hiện. |
Nghê vốn là linh vật thuần Việt, có mặt ở cổng đình, đền, lăng... Nghê có ý nghĩa tâm linh nhằm trấn trạch, trừ tà. Trong tranh là đôi nghê chầu. |
Hai tranh thể hiện hai môn thần (thần canh cửa) với trang phục võ tướng, thần thái uy nghiêm qua hình ảnh mắt xếch, râu dài. Bộ tranh này được treo hai bên hai cánh cửa nhà mang ý nghĩa trừ tà ma. |
Bộ tranh "tứ nghệ" (bốn nghề gồm sĩ, nông, công, thương). Tranh bên trái là tranh "công, thương" với thương nhân buôn bán thóc gạo; thợ xẻ gỗ tượng trưng cho thủ công nghiệp. Tranh bên phải là tranh "sĩ, nông" với thầy đồ đang dạy học, đó là kẻ sĩ, trí thức; phía dưới tranh là nghề nông với người nông dân đang cấy lúa. |
Tác phẩm Dòng tranh dân gian Kim Hoàng do Nguyễn Thị Thu Hòa, Trịnh Sinh và Lê Bích thực hiện. Cuốn sách giúp độc giả biết được lịch sử phát triển, sự thăng trầm của làng tranh, dòng tranh Kim Hoàng. Sách là một phần của dự án khôi phục dòng tranh dân gian Kim Hoàng nhằm góp phần giữ hồn dân tộc qua tranh. Ảnh: Đình Ba. |