Cách Hà Nội chừng 35 km về hướng Đông, làng Đông Hồ (xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) nằm sát bờ nam đê sông Đuống vốn nổi tiếng với nghề làm tranh.
Dân gian vẫn truyền tục câu ca: "Hỡi anh đi đường cái quan/
Tranh Lợn ăn cây ráy của gia đình nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế. |
"Con lợn là ước mong cuộc sống no đủ, sum vầy"
Không phải ngẫu nhiên mà những câu ca về tranh Đông Hồ thường nhắc đến hình ảnh con lợn. Những vật nuôi gần gũi với người nông dân, trong đó có con lợn đóng vai trò quan trọng trong dòng tranh dân gian này. Chia sẻ với Zing.vn, nghệ nhân Nguyễn Hữu Quả cho biết lợn trong tranh Đông Hồ không chỉ quen thuộc mà còn có "tạo hình" rất đặc biệt.
"Trong dòng tranh Đông Hồ có tất cả 3 bức về lợn, bao gồm: Lợn độc (một mình), Lợn ăn cây ráy và Lợn đàn. Hình ảnh xuất phát từ giống lợn ỉn vốn quen thuộc ở làng quê Việt Nam, nhưng khác biệt là con lợn lại có 'khoáy' âm dương rất độc đáo, tạo hồn cho bức tranh", nghệ nhân miêu tả.
Theo nghệ nhân Nguyễn Hữu Quả, trong xã hội ngày xưa, chăn nuôi đóng vai trò quan trọng. Con lợn lại là tài sản rất lớn. Do vậy, qua con lợn, người xưa thể hiện ước mơ cuộc sống no đủ.
"Nhưng ngoài no đủ, bức tranh Lợn đàn còn mang một ý nghĩa khác, thể hiện mong ước sum vầy, tình mẫu tử. Đặc biệt, 5 con lợn con còn thể hiện cho âm dương ngũ hành", nghệ nhân giải thích.
Tranh Lợn đàn, về cơ bản, đường nét và bố cục vẫn giữ nguyên như cũ thông qua những bản khắc gỗ mang theo trầm tích của thời gian. Tuy nhiên, màu sắc có khác nhau, tùy theo từng gia đình làm tranh.
Nghệ nhân Nguyễn Hữu Quả và bức tranh Lợn đàn. |
Riêng tranh của gia đình của nghệ nhân Nguyễn Hữu Quả, còn có bức Lợn đàn "3D". Nghĩa là sau khi in tranh, in màu từ bản khắc gỗ, nghệ nhân đánh bóng đều về một hướng ở đường viền, tạo chiều sâu hơn cho bức tranh. Đây là sáng tạo mới và riêng biệt của nghệ nhân Nguyễn Hữu Quả.
"Năm lần lật, bảy lượt phơi mới xong một bức tranh"
Cô Nguyễn Thị Phương (con gái của nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế) cho biết nghề làm tranh dân gian tưởng vậy nhưng cũng lắm công phu. Dù xã hội ngày càng hiện đại, công nghiệp phát triển, nhưng quy trình làm tranh hoàn toàn là thủ công, và không thay đổi qua thời gian.
"Đầu tiên là giấy dó, từ cây dó trên rừng. Nhưng nếu chỉ có giấy dó thì không phải tranh Đông Hồ. Giấy dó chỉ là chất liệu để tạo thành giấy điệp. Giấy điệp ở đây là vỏ con điệp ở ngoài biển, chúng tôi mua về và giã nhỏ, sau đó quện với hồ, và dùng chổi thông quét lên giấy dó, và đem phơi khô mới ra giấy điệp", cô Phương chia sẻ.
Sau khi xong công đoạn làm giấy "trên rừng dưới biển", các nghệ nhân sẽ chuyển sang công đoạn in tranh và in màu. Tranh Đông Hồ là tranh in từ bản khắc gỗ cổ, chứ không phải tranh vẽ thông thường. Kỳ công là ở chỗ, một bức tranh phải in nhiều lần, với các màu khác nhau.
"Ví như bức tranh Lợn đàn, có 5 màu thì phải 5 lần in, tức 5 lần lật. Và 7 lần phơi mới thành bức tranh. In một màu xong lại đem phơi, bao giờ khô mới in màu tiếp theo. Hoàn toàn là các thành viên trong gia đình làm, không có bất cứ người thợ nào", con gái nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế cho hay.
Vỏ con điệp được lấy từ biển trước khi được giã nhỏ để làm giấy điệp. |
Màu sắc sử dụng trong tranh Đông Hồ cũng hoàn toàn là màu tự nhiên từ cây cỏ. Trong đó, màu đen được tạo từ than lá tre, màu xanh là từ lá chàm, màu vàng của hoa hòe, màu đỏ của viên sỏi son, và màu trắng là màu của vỏ điệp.
Dùng hoàn toàn là màu thiên nhiên, do vậy tranh Đông Hồ nổi tiếng là có màu sắc "tươi trong", không lẫn vào đâu được. Và nếu chỉ nhìn qua tranh ảnh khó có thể cảm nhận hết được sắc màu tự nhiên độc đáo của tranh Đông Hồ.
Nỗ lực gìn giữ dòng tranh mang màu dân tộc
Gia đình nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế có mười người con hiện đều gắn bó với nghề làm tranh. Trong khi gia đình nghệ nhân Nguyễn Hữu Quả cũng nhất quyết "cha truyền con nối". Con trai cả của nghệ nhân sinh năm 1990 hiện tuy có công việc riêng nhưng mỗi khi về nhà cũng luôn phụ cha mẹ làm tranh.
Nghệ nhân Nguyễn Hữu Quả cũng thường xuyên tham gia các chương trình văn hóa để quảng bá tranh Đông Hồ. Chia sẻ với phóng viên, nghệ nhân cho biết vừa ra phố đi bộ ở Hà Nội trong một chương trình quảng bá văn hóa truyền thống. Hình ảnh nghệ nhân mặc áo dài, bên những bức tranh Đông Hồ đã gây ấn tượng với nhiều người dân.
Tuy vậy, nghệ nhân Nguyễn Hữu Quả và Nguyễn Thị Phương cũng thừa nhận tranh Đông Hồ đang gặp nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ. Người dân hiện nay không còn ưa chuộng tranh như xưa. Dù đã có những chuyến đi sang nước ngoài giới thiệu, quảng bá, nhưng tranh vẫn chưa thể "xuất ngoại".
Tranh Đông Hồ vẫn đang được các nghệ nhân gìn giữ. |
Nhưng, nghệ nhân Nguyễn Hữu Quả tin tưởng rằng tranh Đông Hồ sẽ phát triển trong một tương lai không xa. Bởi lẽ, khi kinh tế phát triển đến một tầm nào đó, văn hóa chắc chắn sẽ được quan tâm.
"Công nghệ 4.0, mọi thứ đều phát triển, khoảng cách được rút ngắn. Nhưng văn hóa dân tộc vẫn phải giữ vì có giá trị to lớn. Tôi tin một ngày nào đó tranh Đông Hồ sẽ sống lại thực sự", nghệ nhân quả quyết.
Trong khi đó, con gái nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế cho hay: "Dù làm vàng mã có thể giàu có, có tiền ngay trong ngày, nhưng gia đình chúng tôi vẫn theo tranh, nghề cha ông truyền lại nên sẽ không bao giờ bỏ".