Chính phủ của Tổng thống Ecuador Lenin Moreno ngày 11/4 hủy tư cách tị nạn chính trị của Julian Assange, chấm dứt bảy năm nhà sáng lập WikiLeaks trốn tại đại sứ quán nước này ở London, Anh.
Cảnh sát Anh được mời vào tòa nhà ngoại giao, bắt giữ rồi kéo lê nhân vật từng được ví von là "người hùng" của tự do và minh bạch thông tin lên xe bán tải. Jullian Assange đang đứng trước nguy cơ bị đưa sang Thụy Điển liên quan tới hai cáo buộc xâm hại tình dục, rồi có thể bị dẫn độ sang Mỹ đối diện án tù hơn 30 năm vì WikiLeaks rò rỉ hàng trăm nghìn tài liệu mật.
Quyết định này là hệ quả cay đắng không ngoài dự kiến khi quan hệ giữa Assange với chính quyền Ecuador và bản thân Tổng thống Lenin Moreno ngày một xấu đi trong thời gian qua, theo Guardian.
Tổng thống Ecuador Lenin Moreno (phải) từ khi đắc cử nhiều lần bày tỏ sự không hài lòng khi Jullian Assange tị nạn ở đại sứ quán. Ảnh: Getty/AFP. |
Vị khách thô lỗ và khó chiều?
Trong phần phát biểu trước quốc hội Ecuador ngày 11/4, Ngoại trưởng Jose Valencia đã đưa ra chín nguyên nhân khiến chính phủ xé bỏ thỏa thuận cho phép Julian Assange tị nạn chính trị tại đại sứ quán nước này, đặt tại số 3 đường Hans Crescent, London, Anh.
Chính phủ Ecuador tố cáo nhà sáng lập WikiLeaks có hàng loạt hành động họ không thể chấp nhận, từ can thiệp vào quan hệ song phương, đến thái lộ thô lỗ của ông trong suốt bảy năm qua.
Ngoại trưởng Valencia cho biết Ecuador không còn lựa chọn nào khác ngoài việc ngưng cho Assange tị nạn. Ông nói Assange đã "có vô số hành động can thiệp chính trị" ở nhiều nước, đe dọa mối quan hệ giữa Ecuador với các nước này.
Quan chức ngoại giao hàng đầu của Quito chỉ trích cách hành xử không phải phép của Assange. Ông mô tả nhà sáng lập WikiLeaks chơi lướt ván và đá bóng trong đại sứ quán dù không gian chật hẹp. Trong bảy năm lưu lại tòa nhà, ông đã nhiều lần xử sự vô phép và thậm chí đe dọa nhiều nhân sự tại đại sứ quán. Công dân Australia từng có lần ẩu đả với nhân viên an ninh tòa nhà.
Valencia cho biết "người thổi còi" nổi tiếng và luật sư của ông từng đưa ra "nhiều lời đe dọa mang tính sỉ nhục" nhắm vào Ecuador, cáo buộc quan chức chính phủ nhượng bộ sức ép của những nước khác.
Assange còn "cáo buộc nhân sự đại sứ quán bí mật do thám và quay phim" ông cho chính phủ Mỹ. Thay vì bày tỏ lòng biết ơn khi quan chức ngoại giao Ecuador đã giúp ông tị nạn suốt bảy năm qua, Assange và các cộng sự đã "gây bão chỉ trích" nhắm vào chính quyền Quito.
Ngoại trưởng Valencia cũng tiết lộ các vấn đề "vệ sinh" của người khách khó chiều khiến đại sứ quán Ecuador không thể chịu đựng nổi. Một trong những vấn đề vệ sinh của Assange được mô tả là "rất khó chịu" và "dẫn đến rắc rối về tiêu hóa".
Sức khỏe ngày một kém của nhà sáng lập WikiLeaks cũng khiến chính phủ Ecuador cảm thấy lo lắng. Ông Valencia nói đại sứ quán không có đủ khả năng điều trị cho Assange bên trong tòa nhà. Theo ngoại trưởng Ecuador, chính phủ nước này không thể chấp nhận viễn cảnh Julian Assange "ở lại đại sứ quán vô thời hạn", đặc biệt khi chính phủ Anh không chấp nhận trao quyền thông hành không bị bắt giữ cho ông ấy.
Julian Assange họp báo tại ban công đại sứ quán Ecuador ở London vào tháng 5/2017. Ảnh: Reuters. |
Bản thân chính phủ Ecuador cũng có những rắc rối trong việc gia hạn quyền tị nạn chính trị cho một người đang bị truy nã. Ông Valencia nhấn mạnh nước này không nhận được yêu cầu dẫn độ nào vào thời điểm hủy quyền tị nạn cho Assange. Phía chính phủ Anh cũng đưa ra nhiều đảm bảo ông ấy được xét xử đúng pháp luật và sẽ không bị dẫn độ đến nước nào có khả năng sử dụng nhục hình hoặc án tử.
Phía Ecuador cho biết việc trao tư cách công dân cho Julian Assange trong quá khứ đã có nhiều "yếu tố bất cập".
Bên cạnh đó, chi phí cho sinh hoạt của "ông trùm" WikiLeaks tại đại sứ quán là gánh nặng không nhỏ. Việc đảm bảo an ninh cho riêng Assange từ năm 2012 - 2018 là hơn 5,8 triệu USD. Chi phí ăn uống, thuốc men và giặt ủi cho nhà sáng lập WikiLeaks là 400.000 USD.
Giọt nước tràn ly và kết cục được báo trước
Tổng thống Lenin Moreno trong thời gian qua đã công khai sự không hài lòng của mình và mong muốn đuổi Assange khỏi đại sứ quán nước này ở khu Knightbridge, phía tây London. Ông từng gọi Assange là một "gã tin tặc", là "viên sỏi trong giày" và "rắc rối thừa kế" từ chính phủ tiền nhiệm của Rafael Correa.
Trong đoạn video công bố ngày 11/4, Tổng thống Moreno tiếp tục cáo buộc Assange mới là người vi phạm những thỏa hiệp tị nạn "hào phóng" mà chính phủ Ecuador đã đưa ra. Ông cũng nhắc đến việc Assange không ngừng can thiệp vào vấn đề nội bộ của những nước khác.
Tổng thống Moreno tiết lộ nhà sáng lập WikiLeaks đã lắp một thiết bị điện tử bị cấm tại đại sứ quán, đối xử thô lỗ với nhân viên an ninh. Assange thậm chí đã truy cập vào những hồ sơ mật tại đại sứ quán mà không xin phép.
"Giọt nước tràn ly" trong mối quan hệ giữa Assange và chính quyền Quito là khi WikiLeaks công khai đe dọa chính phủ Ecuador. Ngày 9/4, đội luật sư của Assange bất ngờ tổ chức họp báo và cáo buộc chính phủ Ecuador bí mật do thám và ghi hình những cuộc gặp và hoạt động của ông bên trong đại sứ quán.
Tổng thống Moreno (phải) đắc cử vào năm 2017 đã nhanh chóng thể hiện lập trường khác với người tiền nhiệm về quyền tị nạn của Julian Assange. Ảnh: AFP. |
Số phận của Assange có lẽ đã được định đoạt từ trước, khi chính trị gia cánh tả Moreno đắc cử tổng thống năm 2017 với chiến thắng sát nút.
Cựu tổng thống Rafael Correa, người tiền nhiệm của ông Moreno, là một chính trị gia cánh tả nhiệt thành, ủng hộ Julian Assange vô điều kiện. Ông cũng là người ra quyết định cho Assange tị nạn tại đại sứ quán Ecuador, sau khi nhà sáng lập WikiLeaks trốn bảo lãnh tại ngoại.
Trong một đăng tải trên mạng xã hội Twitter ngày 11/4, ông Correa đã chỉ trích tổng thống đương nhiệm là "kẻ phản bội tồi tệ nhất trong lịch sử Ecuador và Mỹ Latin".
Ông Moreno cũng là thành viên đảng Alianza Pais của Correa. Tuy nhiên, chính trị gia 66 tuổi không ủng hộ quan điểm của người tiền nhiệm về Assange. Hai người giờ xem nhau là đối thủ trên chính trường.
Julian Assange bị lôi khỏi đại sứ quán Ecuador tại London ngày 11/4. Ảnh: RT. |
Tổng thống Moreno luôn xem vị khách tại London là gánh nặng trong nỗ lực cải thiện quan hệ với Mỹ. Ông cũng không ủng hộ những vụ rò rỉ tài liệu mật của WikiLeaks trong thời gian qua vì ảnh hưởng đến hình ảnh quốc gia.
Trong thời gian diễn ra cuộc bầu cử Mỹ năm 2016, tổ chức này đã phát tán hàng loạt thư điện tử của đảng Dân chủ và gây tổn hại đến hình ảnh của ứng viên tổng thống Hillary Clinton. WikiLeaks nhận số tài liệu này từ các tin tặc Nga, theo điều tra của Công tố viên đặc biệt Robert Mueller vào năm 2018.
Năm 2017, Julian Assange lại lên mạng xã hội ủng hộ phong trào ly khai, đòi độc lập của vùng Catalonia. Hành động này đã chọc giận chính phủ Tây Ban Nha, gây nên sóng gió trong quan hệ giữa Madrid và Quito.
Hình ảnh mới nhất về nhà sáng lập WikiLeaks nổi lên sau khi ông bị bắt hôm 11/4 cho thấy ông có những thay đổi khiến nhiều người không khỏi sốc. Ảnh: Reuters. |
Đến tháng 3/2018, Tổng thống Moreno đã giới hạn truy cập mạng của Assange và yêu cầu ông tuân thủ các điều kiện tị nạn mới. Ở chiều ngược lại, Assange cáo buộc chính phủ Ecuador ngăn ông tiếp khách và cô lập ông với thế giới.
Gần cuối năm 2018, đại sứ quán Ecuador lại đưa ra một loạt quy định mới cho vị khách của mình, cảnh báo Assange hạn chế bình luận trên mạng xã hội về các vấn đề chính trị. Các quan chức ngoại giao buộc phải yêu cầu ông dọn dẹp nhà tắm sạch sẽ và chăm lo kỹ lưỡng hơn cho con mèo của mình.
Đầu năm 2019, Tổng thống Moreno có vẻ đã hết kiên nhẫn và không thể tiếp tục chấp nhận cá tính của Assange.
Trong một cuộc phỏng vấn tháng 3, ông phàn nàn rằng "những hình ảnh về phòng ngủ của tôi, thức ăn của tôi, rồi cả vợ, con gái và bạn bè tôi" đã bị phát tán khắp nơi trên mạng xã hội. Chính phủ Ecuador cho rằng WikiLeaks chính là tổ chức rò rỉ những hình ảnh này.
Trong khi đó, WikiLeaks tuần qua lại cho rằng Tổng thống Moreno sẽ định đoạt số phận của Assange "trong thời gian ngắn" sau khi tổ chức này công bố thông tin về "một bê bối tham nhũng ở nước ngoài đe dọa chính quyền" của nhà lãnh đạo. Tổng thống Ecuador bị cáo buộc hưởng lợi bất chính từ một tài khoản ở Panama.