Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tạp chí tri thức trực tuyến

'Người yêu dấu' - kiệt tác của nữ sĩ người Mỹ da đen

Viện hàn lâm Thụy Điển khi công bố giải thưởng Nobel Văn học 1993 đã nhận định rằng Toni Morrison là một "văn sĩ thượng thặng" mà tác phẩm được khắc họa đẹp đẽ và gắn bó một cách kỳ diệu với cuộc sống, con người.

'Người yêu dấu' - kiệt tác của nữ sĩ người Mỹ da đen

Viện hàn lâm Thụy Điển khi công bố giải thưởng Nobel Văn học 1993 đã nhận định rằng Toni Morrison là một "văn sĩ thượng thặng" mà tác phẩm được khắc họa đẹp đẽ và gắn bó một cách kỳ diệu với cuộc sống, con người.

"Sethe - một cô gái da đen xinh đẹp và kiêu hãnh. Nàng vượt khỏi thân phận nô lệ nhưng không thoát khỏi những ám ảnh của nó, từng phút từng giờ, trên từng cung bậc cuộc đời, từ những phút giây cháy bỏng của tình yêu đến những thử thách đau đớn của tâm hồn.

Lấy bối cảnh vùng Ohio thôn dã, Beloved - Người yêu dấu đã gây xúc động sâu sắc về số phận của người nô lệ trên đất Mỹ, được coi là cuốn sách hay nhất của Toni Morrison".

Đó là lời của nhà xuất bản Asignet, New York về cuốn sách của tác giả Toni Morrison - nữ văn sĩ người Mỹ da đen từng giành giải Nobel văn học năm 1993 và Pulitzer năm 1988.

Bìa cuốn sách Người yêu dấu.

Tại Việt Nam, Người yêu dấu được phát hành vào năm 2007 bởi NXB Văn học. Đến thời điểm này, như giá trị trường tồn của nó, cuốn sách vẫn lay động bất kỳ ai khi lần đầu đọc, và vẫn có sức hấp dẫn với người đã từng yêu thích.

Người yêu dấu với những trang miêu tả thiên nhiên lãng mạn, buồn nhưng không quá đỗi u uất, với sự khắc họa nhân vật rõ nét và những đoạn hội thoại sinh động, sâu lắng, tác phẩm đã gây ấn tượng sâu sắc về một tình yêu mãnh liệt của người mẹ, hay trái tim nồng ấm, chung thủy của người đàn ông da đen dành cho thiếu phụ xinh đẹp với những vết sẹo như hình một cái cây trên lưng...

Và trên tất cả, là số phận của những người nô lệ da đen, cũng như trái tim bùng cháy ngọn lửa yêu thương trong mỗi con người.

Trích Người yêu dấu: Phần một

 

124 là ngôi nhà tràn ngập không khí hận thù, nhiễm đầy nọc độc của một đứa trẻ. Những người đàn bà sống tại đây biết rõ điều đó, và lũ trẻ cũng vậy. Nhiều năm trời, mỗi người chịu đựng sự hằn thù ấy theo cách riêng của mình, để rồi đến năm 1873, Sethe và Denver, con gái chị, là những nạn nhân cuối cùng.

Bà nội Baby Suggs đã chết. Hai đứa con trai Howard và Buglar thì bỏ đi khi chúng bước vào tuổi mười ba. Ấy chính là lúc tấm gương tự dưng võ tan khi con mắt nhìn vào nó (điềm báo cho Buglar), và khi những dấu tay tí xíu hằn lên trên chiếc bánh ngọt (điềm báo cho Howard). Không đứa nào mong được chứng kiến thêm nữa, cảnh nồi đậu xanh đầy ắp nghi ngút khói trên sàn, những chiếc bánh quy pha soda vỡ vụn rắc thành vệt ra tới ngưỡng cửa. Chúng cũng chẳng đợi cho tới một trong những kỳ xả hơi hàng tuần, thậm chí hàng tháng, không bị bất cứ điều gì quấy nhiễu. Không. Từng đứa bỏ trốn tức thì - vào cái thời điểm ngôi nhà phải chịu đựng sự sỉ nhục mà với chúng, không thể chứng kiến lần thứ hai. Trong vòng hai tháng, giữa mùa đông giá rét, chúng từ giã bà nội - Baby Sugges, mẹ chúng - Sethe, và đứa em gái nhỏ - Denver, tất cả sống cô lập trong ngôi nhà màu xám trắng trên đường Bluestone....

Chẳng bao lâu sau khi các cậu bé bỏ đi, Baby Suggus qua đời, không mảy may quan tâm đến cuộc tiễn biệt thuộc về chúng hay thuộc về bà, và ngay sau đó, Sethe và Denver quyết định chấm dứt cảnh bị hành hạ bằng việc gọi hồn con ma đã làm họ quá mệt mỏi. May ra một cuộc trò chuyện, họ nghĩ, một cuộc trao đổi ý nghĩ, hay cái gì đó tương tự, sẽ giúp được chăng? Nghĩa vậy, hai mẹ con nắm tay nhau và nói.

"Hãy hiện lên. Hiện lên. Hồn hỡi, hãy hiện lên".

Chiếc tủ búp phê dịch một bước về phía trước rồi lại im lìm đứng.

"Chắc do bà nội cản rồi", Danver nói. Nó lên mười và vẫn chưa nguôi ngoai sau cái chết của bà Baby Suggus.

Sethe mở mắt nhìn.

"Mẹ không chắc điều đó", chị bảo.

"Thế sao hồn không hiện lên?"

"Con quên là nó còn rất bé", mẹ nó đáp. "Chưa đầy hai tuổi chị con đã chết. Quá nhỏ để hiểu. Thậm chí quá bé để nói được điều gì".

"Hay là chị ấy không muốn hiểu?" Denver nói.

"Có thể. Song giá như chị con hiện lên thì mẹ sẽ cố gắng để chị con hiểu".

Sethe buông tay con ra để cùng đẩy chiếc tủ trở về sát tường. Bên ngoài, có tiếng ngựa phi nước kiệu, một việc mà dân địa phương thấy cần thiết phải làm vậy mỗi khi đi ngang ngôi nhà 124.

"Chị ấy tung ra một thứ bùa mê quá mạnh đối với một đứa rẻ", Denver lại nói.

"Không mạnh hơn tình yêu mẹ dành cho chị ấy đâu", Sethe như phản đối, và ký ức lại hiện lên.

Cái mát lạnh mời chào của những tấm mộ chí chưa chạm khắc, Sethe lựa một tấm để tựa vào, hai đầu gối chị nứt toác như miệng huyệt. Nó hồng màu móng tay và lấm tấm những mạt cưa, lấp lánh. Mười phút, ông ta nói. Mười phút tôi làm cho chị không phải trả tiền.

Mười phút cho sau chữ. Phải chăng với mười phút nữa chịcó thể thêm từ vông cùng? Chị đã không nghĩ ra để mà hỏi ông ta, và điều ấy làm chị áy náy đến tận giờ, rằng một điều có thể làm được - trong vòng hai mươi phút, hay nửa tiếng đồng hồ, chị có thể có một dòng trọn vẹn với từng từ chị nghe thấy vị linh mục nói tại đám tang (và chắc hẳn đó là tất cả những gì cần nói) để khắc lên mộ chí đứa con thơ của chị, Vô cùng Yêu dấu. Thế mà rốt cuộc, cái chị có chỉ là một từ đầy ý nghĩa....

... Khi vết nhựa cúc La Mã cuối cùng được gột sạch, chị đi vòng ra phía trước nhà lượm lại giầy và tất trên mặt đường. Cứ như để tiếp tục trừng phạt cho cái dĩ vãng khủng khiếp của chị, ngồi dựa lưng vào cánh cổng, cách chị chưa đầy bốn mươi bước chân là Paul D, người đàn ông cuối cùng của Sweet Home. Và mặc dù không bao giờ có thể nhầm khuôn mặt anh với ai khác, chị vẫn thốt lên.

"Anh đấy ư?"

"Cái còn sót lại". Anh đứng dậy và mỉm cười. "Em sao vậy, cô bé, lại chân trần nữa?"

Chị bật cười, vẻ mặt trở nên thư giãn và trẻ trung.

"Bị lấm chân ở đằng kia kìa. Cây cúc La Mã".

Anh làm bộ như đang nếm phải thứ gì đắng lắm.

"Anh thậm chí chẳng muốn nghe nói về nó nữa. Anh luôn ghét cay ghét đắng thứ ấy".

Sethe cuộn tròn đôi tất lại và nhét chúng vào túi.

"Vào nhà đi anh".

"Ở cổng này thích lắm, Sethe, ta hóng mát đi".

Anh lại ngồi xuống, hướng về phía đồng cỏ đằng xa, bên kia đường, và hiểu rằng cảm giác say mê trong anh có thể dâng lên đôi mắt.

"Mười tám năm rồi", chị khẽ nói.

"Mười tám", anh lặp lại. "Xin thề suốt từng ấy năm anh đã lang thang không nghỉ. Có phiền không nếu anh nhập bọn cùng em?" Anh hất đầu về phía chân chị và bắt đầu cởi giầy.

Thiên Thanh

Theo Infonet

Thiên Thanh

Theo Infonet

Bạn có thể quan tâm