Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người viết thơ tình như ghi nhật ký

Đọc những dòng thơ của Đinh Thị Thu Vân, nhiều người nghĩ chị còn trẻ lắm. Nhưng không, chị đang đi ngược hành trình, trở lại viết thơ tình khi gần tuổi 60.

“…Nhớ / Nhớ / Nhớ / Em chỉ muốn gục trên vai anh / Vùi nhớ / Làm sao cho em vài tích tắc / Vài tích tắc thôi mà / Vài tích tắc / Vùi thương trên vai xa…/ Chứ nhớ đến thế này…/ Ơi cả người em / Gầy xơ / Từng li ti nhớ nhớ…”.

Đọc những dòng thơ tràn nhớ, ai chẳng nghĩ Đinh Thị Thu Vân còn trẻ lắm. Nhưng không, chị đang đi ngược hành trình, trở lại viết thơ tình khi đã ngấp nghé tuổi 60.

Bảy, tám năm trôi qua, chị vẫn chung thủy với dòng thơ tình màu sắc u ám. Bảo Đinh Thị Thu Vân vẽ chân dung mình bằng đôi câu, chị nói luôn: “Tôi là mẫu người lãng mạn một cách bi quan. Bi quan một cách tuyệt vọng”.

Ngay cả đang được yêu thương, tâm trạng ấy vẫn trở đi trở lại. “Tạng người tôi như vậy. Tôi sống lệ thuộc tình cảm”, chị giải thích.

Đinh Thị Thu Vân không giả vờ hạnh phúc, chị nhận: “Cuộc đời tôi về kinh tế, con cái thì may mắn nhưng về tình cảm, tôi nằm trong những phụ nữ không may mắn một cách đặc biệt. Trong đời sống riêng tư, tôi tuyệt đối thất bại”.

tho tinh anh 1

Nhà thơ Đinh Thị Thu Vân và nhà thơ Trương Nam Hương. Ảnh: Tiền Phong.

Nếu không “tuyệt đối thất bại” trong tình duyên chắc gì đã có một Đinh Thị Thu Vân trẻ trung quên tuổi trong thi ca? 60 tuổi vẫn viết những dòng thơ tình đắng đót, khiến người ta cứ tưởng tác giả là một nữ nhân xinh đẹp, trẻ trung nào đó: “Tôi chúc tôi đừng thiếu nữ / Đừng khao khát những chân trời” (Tự chúc).

Hỏi Đinh Thị Thu Vân tâm đắc nhất với những bài thơ nào, chị cười: “Bài nào cũng thương, cũng cưng hết. Chị không viết dễ dàng như người ta: “Tôi viết chầm chậm. Tạng thơ của tôi nghiêng về phía tâm trạng nên viết nhiều sẽ giống nhau, sẽ lặp đi lặp lại, thành ra tôi không viết nhiều, mà phải viết chậm, viết kỹ, viết xong ngồi chỉnh tới chỉnh lui, sửa đi sửa lại, cắt tới cắt lui, nếu thấy giống những điều đã từng viết thì bỏ luôn”.

Vì bài nào viết ra cũng chắt lọc nên chị “cưng” hết những “đứa con tinh thần” cũng phải. Để phân định, chị đưa thơ lên Facebook và đọc những nhận xét của bạn bè, độc giả, coi đó là một trong những thước đo thơ của mình.

Hiện tại, một số bài thơ của Đinh Thị Thu Vân đang chiếm được cảm tình của người đọc. Bài thơ Nhớ chỉ là một trong số đó. Nhưng Nhớ không có màu tuyệt vọng như bài Gì cũng rạn, đúng “tạng” Đinh Thị Thu Vân: “Trái tim ta bao lụa là mất trắng / Hồn quắt queo co héo, cạn mòn / Ta trả giá cho một đời tha thiết sống / Bằng ráp khô những ngày đuối ôm lòng”.

Đôi khi, người thơ tưởng chừng yếu đuối ấy muốn phá phách, nhưng ước muốn phá phách cũng chỉ thoảng qua như gió, nhường chỗ cho nước mắt: “Chiều nay tôi muốn đi hoang quá / Xé vụn mình ra để nhạt nhòa / Chiều nay, tôi muốn men hồn gió / Tung đời tan tác phía mây xa / Nhòa thương… tôi khóc tôi tàn tạ / Tôi khóc nghìn sau vỡ đắp bồi / Nhòa hương… hoa mảnh phai vào lá / Tôi xóa bao giờ cho hết tôi”.

Một chi tiết lạ về mặt hình thức trong thơ Đinh Thị Thu Vân: Hình như chị rất lười viết hoa đầu câu, tất cả đều dùng chữ thường. Bài nào cũng vậy. Chắc chắn đây là sự cố ý chứ không phải vô ý. Một khi đã nhận tình yêu như phận cỏ nhỏ nhoi thì chỉn chu, cầu kỳ làm chi?

“… Hãy dừng lại đời tôi ngay khoảnh khắc đắm say người / Đừng trôi nữa… sông xa mờ mịt quá / Đừng trôi nữa tình yêu mang phận cỏ / Mang phận buồm… không gió để ra khơi!” (Đừng trôi nữa tình yêu mang phận cỏ).

tho tinh anh 2

Bìa tập thơ Đừng trôi nữa tình yêu mang phận cỏ. Ảnh: Tiền Phong.

Đinh Thị Thu Vân sinh ra trong gia đình “gốc nông dân quê mùa ở Long An” (cách nói của chị). Thi sĩ không dùng bút danh mà dùng ngay tên cha mẹ đặt. Tuy gia đình gốc nông dân, Đinh Thị Thu Vân không biết việc đồng áng. Chị đi học suốt, từng học sư phạm văn, sau đó đi làm báo, từng giữ vị trí Tổng biên tập báo Văn nghệ Long An.

Nữ thi sĩ không muốn trả lời những câu hỏi có tính học thuật, chẳng hạn: Quan niệm của chị về thơ? Bản thân chị cũng không nhận mình là nhà thơ: “Tôi nói được những điều đa phần phụ nữ đều có nhưng họ không nói ra được. Đó là một may mắn. Dòng thơ của tôi là như vậy. Tôi không nghĩ mình là nhà thơ. Trước đây nhiều năm, khi được giới thiệu là nhà thơ, tôi mắc cỡ lắm”.

Nhưng Đinh Thị Thu Vân là lứa hội viên Hội Nhà văn Việt Nam đầu tiên của miền Nam sau giải phóng. Từ dạo ấy, chị đã có những thi phẩm ghi dấu ấn.

Có khoảng thời gian dài, dễ đến chục năm chẳng thấy Đinh Thị Thu Vân viết gì. Lý giải điều này chị nói: “Tôi không viết vì tâm trạng không có gì. Một quãng thời gian tôi bị nhiều thứ chi phối như điều kiện sống chẳng hạn, lúc ấy thấy văn chương chẳng có giá trị gì”.

Kéo Đinh Thị Thu Vân trở lại thi ca chính là Facebook. Chị bắt đầu đưa thơ của mình lên mạng và ngạc nhiên khi còn rất nhiều người quan tâm mình, nhớ mình, trong khi chị nghĩ mình đã bị lãng quên.

Hỏi Đinh Thị Thu Vân có sáng tác văn xuôi không, chị cười: Hồi trước do công việc thúc ép, chị từng viết bút ký, rồi truyện ngắn nhưng “giờ đọc lại thấy kỳ lắm”. Ngay cả sáng tác thơ, chị cũng không viết được nhiều đề tài: “Tôi viết thơ như viết nhật ký thôi”, Đinh Thị Thu Vân chia sẻ.

Chị có khả năng thuộc thơ của mình, thuộc thơ của người khác song lại dở tệ khi đụng đến con số. Đinh Thị Thu Vân không nhớ mình đã viết bao nhiêu bài thơ, có bao nhiêu tác phẩm đã công bố, chỉ nhớ cho đến nay mới xuất bản 2 tập thơ: “Mỗi tập có bao nhiêu bài tôi cũng không nhớ. Tập đầu, Thay cho lời hát ru anh, xuất bản năm 80, 81 gì đó. Tập sau Đừng trôi nữa tình yêu mang phận cỏ” hình như in năm 2015 gì đó”.

Không có gì khiến Đinh Thị Thu Vân bị thôi thúc viết thường xuyên: “Khi nào trong lòng cồn cào muốn khóc mà không khóc được thì tôi viết”, chị nói.

Thế nên, đừng hỏi vì sao gia tài thơ Đinh Thị Thu Vân phần nhiều là thơ thất tình: “Em là mây, đành mãi kiếp mây trời / Là nước mắt, em về bên nước mắt / Là cát bụi dưới chân người, thôi đành cát bụi… để anh vui” (Em là sóng em trở về với sóng).

Những truyện cổ tích không bắt đầu bằng 'Ngày xửa, ngày xưa'

Nhà văn Tô Hoài viết lại nhiều truyện cổ. Cách kể của ông không theo khuôn mẫu mà luôn sáng tạo. Mỗi câu chuyện đều thấm đượm ý nghĩa nhân sinh.

Viết về lịch sử là trọng trách lớn

Với “Đức Thánh Trần” và mới đây là “Trần Thủ Độ”, nhà văn Trần Thanh Cảnh đem đến cho bạn đọc những phát hiện mới mẻ, thú vị cùng cái nhìn trọn vẹn hơn về nhân vật lịch sử.

https://www.tienphong.vn/van-hoa/nguoi-viet-tho-tinh-nhu-ghi-nhat-ky-1723787.tpo?gidzl=uMln4xwR-rpWT_8HkeNyM-1n_HAaWw5Uh7Ih5gBLebNx8FuPfeJ-Mgqde4EbXwmEhdUXHsLgmZXxkPduK0

Đào Nguyên / Tiền Phong

Bạn có thể quan tâm