Mới hồi đầu năm nay khi trở về từ chuyến đi mừng năm mới ở New York, tôi cất mớ áo khoác và ủng đi tuyết vào sâu trong tủ, nghĩ bụng mình sẽ ít có dịp dùng những thứ này ở Austin, Texas - vùng đất miền Nam nước Mỹ ấm áp nơi băng tuyết thật hãn hữu.
Điều tôi không ngờ tới là chỉ một tháng sau, Texas đã trở nên lao đao vì một cơn bão mùa đông lớn nhất trong vài thập niên trở lại đây.
Tôi đang theo học năm nhất chương trình cao học về sản xuất phim tại Đại học Texas ở Austin. Sự đòi hỏi cao của chương trình và bản chất công việc làm phim khiến sinh viên chúng tôi đôi khi sống trong một thế giới của riêng mình.
Chính vì thế, tin tức về cơn bão tuyết và đợt lạnh khắc nghiệt ập tới như một sự bất ngờ lôi chúng tôi trở về thực tại. Dự đoán trước tình hình, trường tôi cho sinh viên nghỉ học dù việc học hiện tại phần lớn diễn ra online. Đó chỉ là khởi đầu cho một chuỗi khó khăn ít ai ngờ tới.
Cực hình
Khuya chủ nhật (ngày 14/2) được dự báo là sẽ có tuyết rơi cả đêm, mọi người bắt đầu chuẩn bị đón đợt lạnh. Thế mà, tôi vẫn hết sức sửng sốt khi thức dậy vào sáng thứ hai với tuyết phủ dày khắp mọi nơi đến tận cửa ra vào.
Ngay cả những người đã sống ở Austin hàng chục năm cũng phải thốt lên họ chưa từng thấy tuyết dày hơn 15 cm như thế. Nhiệt độ tụt xuống -13 độ C.
Điều đầu tiên lũ sinh viên chúng tôi làm đó là... để tất cả sang một bên, lôi đồ ấm ra quấn lên người, lao ra đường chơi và chụp hình với tuyết! Tôi với cô bạn cùng phòng người Mexico cũng vậy.
Trong ảnh là tác giả đứng trước tòa nhà của Đại học Texas. Ảnh: NVCC. |
Ra đến khuôn viên trường, chúng tôi nhận ra rất nhiều các bạn sinh viên khác cũng có cùng ý tưởng. Họ vui vẻ chụp hình bên những tòa nhà đặc trưng của trường chìm trong tuyết trắng để gửi về cho gia đình.
Tuy vậy, niềm vui trẻ thơ đó chỉ kéo dài trong phút chốc vì ai cũng hiểu mình phải chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất.
Ngay sau đó, chúng tôi đi bộ đến siêu thị gần đó để tích trữ thêm thực phẩm cho những ngày đông kỳ lạ, thì đã thấy một hàng dài sinh viên xếp hàng chờ được vào. Vào đến nơi, những kệ hàng thực phẩm cơ bản như bánh mì, thịt tươi và đồ nhu yếu phẩm gần như đã bị quét sạch.
Ngay trong hôm đầu tiên đó, việc mất điện cục bộ và cúp điện luân phiên, dù nằm trong dự đoán, đã xảy ra tồi tệ hơn tưởng tượng.
Nhiệt độ xuống quá thấp khiến nhà nhà phải bật lò sưởi công suất cao, tạo áp lực lên hệ thống điện của Texas vốn không được thiết kế cho tình huống này.
Và nói là cúp điện luân phiên nhưng có những hộ bị cúp điện kéo dài hơn 48 giờ, trong thời tiết như thế này thực sự là một cực hình.
Không có điện dẫn đến không bật được hệ thống sưởi, đường ống nước bị đông vỡ dẫn đến mất nước. Các hộ gia đình ở Mỹ thường dùng bếp điện thay vì bếp gas như ở Việt Nam, hệ quả là cũng không thể nấu đồ ăn và nước nóng.
Sự nồng ấm, hào phóng và tinh thần cộng đồng
Đường sá đóng băng tuyết khiến giao thông và việc luân chuyển hàng hóa bị đình trệ, hàng loạt cửa hàng, siêu thị bị đóng cửa. Và tất nhiên, mọi công việc dựa vào Internet đều bị gián đoạn.
Nhưng nguy hiểm nhất là với những người có tình trạng sức khỏe đặc biệt phải sử dụng máy móc hỗ trợ y tế. Đối với họ, mất điện đe dọa lập tức đến sự sống còn.
Nhà cửa ở miền Nam nước Mỹ vốn ít được tính toán để chống chọi với tuyết rơi dày, nên nhiều nhà sập mái vì tuyết. Ảnh: NVCC. |
Trong khoa của tôi có một cô bạn nhà bị cúp điện kéo dài đành phải thuê phòng khách sạn khu trung tâm để ở tạm. Cô được hai anh bạn khác trong khoa đưa đi, nhưng chưa đến nơi thì xe của họ đã bị mắc kẹt giữa đường vì băng tuyết.
Họ đành phải bỏ xe lại, chịu trận đi bộ đến khách sạn, nhưng éo le thay đến nơi mới biết đặt phòng đã bị hủy vì khách sạn không còn khả năng phục vụ! Họ đành ngồi hàng giờ ở sảnh khách sạn, chờ một người quen có xe trang bị hệ dẫn động 4 bánh đến giải cứu.
Nhìn chung, người dân Austin nói riêng và Texas nói chung không có kinh nghiệm ứng phó với thời tiết khắc nghiệt như những bang miền Bắc khác.
Tuy vậy, sự nồng ấm, hào phóng và tinh thần cộng đồng của người miền Nam lại được dịp phát huy tác dụng.
Trên khắp các website, hội nhóm, mạng xã hội; những bài viết chia sẻ cách chống chọi với cái lạnh được chuyền tay nhau. Không thiếu những người sẵn sàng mở cửa cho người lạ vào tá túc (với biện pháp đề phòng Covid-19), chia sẻ từng can nước, cốc cà phê nóng, miếng bánh mì...
Hàng loạt lời kêu gọi người dân nêu ý kiến lên chính quyền thành phố, kêu gọi mở cửa các cơ sở dã chiến để những người vô gia cư hoặc không có khả năng chống chọi với cái lạnh có thể đến nương náu.
Càng trong những sự kiện thiên tai như thế này, tôi càng cảm thấy sự bé nhỏ và yếu đuối của con người, và vì thế những nỗ lực giúp đỡ nhau trong cơn hoạn nạn lại càng thêm ý nghĩa và cần thiết.
Mới tối hôm qua, trường tôi lại gửi thư thông báo tiếp tục đóng cửa và cho sinh viên nghỉ đến 19/2 vì thời tiết khắc nghiệt kéo dài hơn dự đoán.
Tôi tự cảm thấy mình khá may mắn vì dù công việc có phần đình trệ, nhà tôi chưa một lần bị mất điện, vẫn có nước và Internet đầy đủ. Tôi vẫn có thể ngồi đây, ấm áp và no đủ, để chia sẻ vài điều với các bạn, khác với nhiều người ngoài kia đang phải vật lộn để sống còn.
Ngay cả những người đã sống ở Austin hàng chục năm cũng phải thốt lên họ chưa từng thấy tuyết dày 6 inch (hơn 15 cm). Ảnh: NVCC. |
Austin và Texas nói chung đang phải gồng mình lên chống chọi với không chỉ một mà hai thử thách: Covid-19 và bão mùa đông.
Nhưng, tôi có niềm tin là một thành phố cấp tiến, yêu nghệ thuật, tràn đầy năng lượng thú vị như Austin sẽ đủ mạnh mẽ để vượt qua khó khăn tạm thời này, giống như chính tinh thần của người Texas: ưa khai phá, mạo hiểm như những chàng cao bồi. "Hook'em horns!".
*Nguyễn Lương Hằng là nhà sản xuất phim Thưa Mẹ Con Đi. Cô đang theo học chương trình cao học tại Đại học Texas ở Austin theo học bổng Fulbright.
Các công ty điện lực đang cố gắng cấp điện lại cho gần 3,4 triệu khách hàng trên khắp nước Mỹ, trong bối cảnh một cơn bão tuyết mới được dự báo sẽ gây ra thêm hỗn loạn. Ước tính 105 triệu người Mỹ phải sống trong khu vực được cảnh báo bão tuyết với khí hậu thấp kỷ lục tại nhiều nơi.
Thời tiết lạnh kéo dài khiến ít nhất 30 người thiệt mạng, trong đó có 3 người chết vì ngộ độc khi CO (thường xảy ra khi máy phát điện được sử dụng trong nhà mà không có hệ thống thông gió phù hợp). Texas là nơi đang chịu tình trạng mất điện nặng nề nhất.