Hai cực của Trái Đất là những khu vực đang nóng lên nhanh chóng. Dù chưa hiểu hết hiện tượng nóng lên toàn cầu, nhân loại cũng nhận thấy hệ quả của nó bao gồm các hiện tượng thời tiết cực đoan, vốn đang gia tăng trên khắp thế giới. Cơn bão tuyết đang gây ra thời tiết giá lạnh kỷ lục ở hàng loạt bang tại Mỹ, khiến ít nhất 23 người thiệt mạng.
Từ giữa tháng 2, một đợt không khí lạnh tràn vào Canada, di chuyển qua vùng Great Plains rồi tiến sâu vào Nam Mỹ. Không khí giá rét làm nhu cầu sưởi ấm tăng cao, gây quá tải mạng lưới điện và mất điện trên diện rộng ở bang Texas, Cơ quan Thông tin Năng lượng cho biết.
Tuyết phủ các dàn khoan dầu ở Midland, bang Texas. Ảnh: Bloomberg. |
Trong 6 tháng qua, đây là lần thứ hai nhiệt độ khắc nghiệt khiến mạng lưới điện chịu thiệt hại. Trước đó vào tháng 8/2020, đợt nắng nóng khắp bang California đã làm bùng nổ nhu cầu làm mát, buộc bang này phải cắt điện lần đầu kể từ năm 2001.
Vậy, đợt giá rét kỷ lục ở bang Texas có liên quan đến hiện tượng biến đổi khí hậu hay không? Ông Judah Cohen, giám đốc dự báo thời tiết tại Viện Nghiên cứu Khí quyển và Môi trường, thuộc công ty phân tích rủi ro Verisk, cho biết: “Tôi chắc chắn là có”.
Hệ quả của biến đổi khí hậu
Dữ liệu cho thấy hai cực của Trái Đất là những khu vực ấm lên nhanh nhất. Trong 30 năm qua, Bắc Cực có tốc độ nóng lên nhanh gấp đôi so với phần còn lại của hành tinh, dẫn thông tin từ Trung tâm Dữ liệu Băng tuyết Quốc gia.
“Hầu hết giới khoa học đều nhất trí rằng sự nóng lên toàn cầu là tín hiệu của sự thay đổi khí hậu do con người gây ra,” trang web của trung tâm viết.
Vào mùa hè, hiện tượng nóng lên tại Bắc bán cầu đã thu hẹp khoảng cách nhiệt độ giữa Bắc Cực và vùng xích đạo. Thông thường, các dòng chảy khí quyển phụ thuộc vào sự chênh lệch nhiệt độ khắc nghiệt này.
Như vậy, khi Trái Đất ấm lên, các dòng chảy khí quyển cũng gián tiếp bị suy yếu, đẩy các hình thái thời tiết cực đoan ra bên ngoài. Đây chính là nguyên nhân gây cháy rừng, hạn hán và các đợt nắng nóng kỷ lục trên khắp thế giới.
Đối với bang Texas, hiện tượng giá rét bắt đầu từ tuần đầu tiên của tháng Một. Đây cũng là lúc không khí ở tầng bình lưu của Bắc Cực đột ngột ấm lên. Điều này tạo ra phản ứng dây chuyền trong khí quyển, làm suy yếu xoáy cực và khiến không khí giá lạnh bao trùm Bắc Cực.
Từ đó, không khí lạnh tiếp tục tràn ra các khu vực có khí hậu ôn đới như châu Á, châu Âu hay Bắc Mỹ. Khi cái lạnh đã tràn về phía Nam, nhân loại khó có thể ngăn chặn xu hướng này.
Xe dọn tuyết làm việc trong ngày 16/2 ở thành phố Oklahoma. Ảnh: AP. |
“Như người ta thường nói chỉ có một hàng rào thép gai ngăn cách Bắc Cực và Dallas”, nhà khí tượng học Dan Pydynowski của công ty AccuWeather nhận xét. “Khi không khí lạnh đã tràn ra, thời tiết sẽ diễn biến vô cùng cực đoan”.
Những hiện tượng như thế này chỉ xảy ra khoảng sáu lần trong mỗi thập kỷ. Song ông Cohen từ Viện Nghiên cứu Khí quyển và Môi trường cho rằng biến đổi khí hậu đã làm gia tăng tần suất xoáy cực yếu đi, đồng thời cho phép không khí lạnh tràn ra khắp nơi.
Nhà khí tượng học Bob Henson của Yale Climate nhận xét: “Chúng tôi biết khí hậu của miền Trung Mỹ có thể gây ra những hiện tượng thời tiết tương tự. Vấn đề là, khi nhìn lại một năm, bạn sẽ thấy hệ quả của biến đổi khí hậu theo cách sống động nhất”.
Khi Trái Đất nóng lên
Theo chuyên gia Cohen, nước Mỹ ghi nhận thêm nhiều trận mưa đá và giông bão nghiêm trọng trong những năm qua. Một phần nguyên do là dân số gia tăng, song điều này không lý giải được toàn bộ sự việc.
Ông Cohen kết luận: “Khi chưa chắc chắn về nguyên nhân chính xác, phần lớn giới khoa học đã nhất trí rằng thời tiết đang thay đổi”.
Trong năm 2020, nhiều vùng biển trên thế giới ghi nhận mức nhiệt cao kỷ lục. Riêng Đại Tây Dương chứng kiến 30 trận cuồng phong và bão nhiệt đới. Các khu vực rộng lớn phía Tây bán cầu thì bị thiêu rụi vì nạn cháy rừng.
Theo nghiên cứu từ hai công ty bảo hiểm Munich Re và Aon, các thảm họa thiên nhiên liên quan đến thời tiết cực đoan đã gia tăng đáng kể trong năm qua. Trong khi đó, các thảm họa khác như như động đất, núi lửa vẫn giữ ở mức bình thường.
Nhà khoa học Jennifer Francis tại Trung tâm Nghiên cứu Khí hậu Woodwell ở Woods Hole, bang Massachusetts cho biết: “Không có gì ngạc nhiên khi hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra thường xuyên hơn. Các nhà khí tượng học đã dự đoán điều này trước nhiều năm, thậm chí trước nhiều thập kỷ”.
Người đi bộ dọc theo đường phố của thành phố Austin. Ảnh: Getty. |
Trong đợt giá lạnh tồi tệ hôm 15/2, khoảng 157 triệu người Mỹ phải sống trong mức cảnh báo bão mùa đông, dự báo viên Brian Hurley của Trung tâm Dự báo Thời tiết Mỹ cho biết.
Bà Francis kết luận: “Biến đổi khí hậu là có thật, bất kể đợt bùng phát giá lạnh khắc nghiệt nào. Do đó, bạn không cần phải giải nghĩa mọi đợt giá rét và bão tuyết, nhằm chỉ ra sự thay đổi khí hậu”.