“Tình hình được cải thiện hơn trước rất nhiều. Người dân mong chờ dịch bệnh được khống chế hoàn toàn và đón chờ nới lỏng phong tỏa để có thể đi lại thoải mái, trở lại nhịp sống bình thường”, chị Huyền Trang, sinh sống tại Thượng Hải 16 năm, hiện làm phiên dịch hỗ trợ công ty kết nối doanh nghiệp Việt - Trung, nói với Zing.
Theo chị Trang, 14 ngày nay, khu nhà chị tại quận Hồng Khẩu không xuất hiện ca nhiễm mới. Tuy vậy, chị Trang cho hay quận chị sống vẫn dỡ phong tỏa chậm hơn các quận khác.
Vui mừng cũng là tâm trạng của chị Kim Oanh, sinh sống tại Phố Đông, bởi chị mong ngóng được trở về Việt Nam. Xen lẫn cái thở phào nhẹ nhõm, chị vẫn lo lắng và cảnh giác, bởi dường như chưa tin vào những gì đang diễn ra sau suốt hai tháng ở nhà.
Không chỉ có Thượng Hải, thủ đô Bắc Kinh cũng nới lỏng một số biện pháp phòng dịch. Chị Carin Hứa, sinh viên đại học ở Bắc Kinh, cho biết khu Hải Điến nơi trường đại học của chị tọa lạc mấy ngày nay không còn ghi nhận ca mắc cộng đồng.
Dù vậy, trường học chị hiện vẫn đóng cửa, chưa cho phép sinh viên ra vào tự do.
“Qua lời bạn bè và truyền thông, tôi biết ngoài đường phố vẫn vắng vẻ vì khu này các công ty yêu cầu làm việc tại nhà”, chị nói.
“Một số quận ở Bắc Kinh đã mở cửa và cho nhân viên đi làm trở lại, nhưng Hải Điến quy định 7 ngày không có ca mới trong cộng đồng mới cho đi làm bình thường”, chị cho biết thêm.
Con đường gần trường Đại học Phúc Đán sau khi Thượng Hải nới lỏng hạn chế ngày 1/6. |
Hầu hết biện pháp phòng dịch Covid-19 ở Thượng Hải được dỡ bỏ kể từ ngày 1/6. Người dân được phép đi lại thoải mái sau hơn 2 tháng phong tỏa chặt.
Tuy nhiên, việc nới lỏng các biện pháp chỉ áp dụng ở những khu vực có nguy cơ rủi ro thấp, nghĩa là khoảng 2,5 triệu người trong thành phố vẫn phải sống với những hạn chế nghiêm ngặt.
Trong khi đó, tại thủ đô Bắc Kinh, các thư viện, bảo tàng, nhà hát và phòng tập thể dục được phép mở cửa trở lại từ ngày 29/5 với số lượng người giới hạn, tại các quận không phát hiện ca nhiễm mới trong cộng đồng suốt 7 ngày liên tiếp.
“Từng có lúc có tiền cũng không mua được thực phẩm”
Hơn hai tháng qua có lẽ là khoảng thời gian không thể nào quên với những người sinh sống tại Thượng Hải. Với chị Huyền Trang, khoảng thời gian đầu bùng dịch là lúc cả gia đình chị thất vọng và hoang mang trước cách xử lý có phần “lúng túng” của chính quyền thành phố.
Thời điểm đó, rất nhiều người bệnh không được chữa trị kịp thời, trong khi nguồn cung thực phẩm tại nhiều khu chung cư chậm trễ làm người dân bức xúc, chị Trang cho hay.
“Tôi cảm giác họ không chuẩn bị đầy đủ, dù đợt dịch lần này không đột ngột như hồi bùng phát ở Vũ Hán hai năm trước”, chị chia sẻ.
Trong khi đó, người dân thì bất ngờ và không có sự chuẩn bị về tâm lý cũng như lương thực, khiến “đa phần khá sốc và không quen với việc ở nhà trong thời gian dài”, chị Trang cho hay.
Gia đình chị Kim Oanh may mắn không nằm ở "tâm nóng" trong đợt Thượng Hải phong tỏa chặt. Tuy nhiên, chị cho biết tất cả con đường nhỏ đều bị rào chắn ở lối ra vào, chỉ để lại đúng con đường lớn để đi.
Trong thời gian đó, một số người quen có đất trồng nên đã chia sẻ rau cho gia đình chị. Ngược lại, chồng chị cũng tìm mua được cá, thịt và trứng nên hỗ trợ cho những người khác.
Dòng người đi lại, ôtô xuất hiện trên đường phố Thượng Hải sau khi chính quyền thông báo chính thức dỡ bỏ hầu hết biện pháp phòng dịch Covid-19. |
Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn như chị Oanh. Chị cho biết một số người sống ở tâm dịch gặp phải tình trạng khan hiếm thực phẩm.
“10 ngày mới được phát thực phẩm một lần. Giá thì bị đẩy lên cao, có khi gấp 2 lần, nhưng có tiền cũng chưa chắc mua được đồ ăn. Có nơi thì không thể đặt mua thực phẩm trên mạng được”, chị chia sẻ, và lấy ví dụ “tôm loại nhỏ ngày thường 50-60 nhân dân tệ/kg, lúc đó lên 100 nhân dân tệ/kg”.
Còn hoa quả là “thứ xa xỉ không có để mua, và phải tìm cũng như hỏi bạn bè thân quen lấy mối”, chị nói thêm.
Dù vậy, về sau, tình hình được cải thiện khi người dân được phát lương thực, nhu yếu phẩm miễn phí đều đặn hơn. Chị Trang nói người dân trong cùng khu có thể mua chung hàng hóa trên mạng, kể cả đồ ăn vặt hay đồ điện tử, và sẽ được giao đến trong một lần.
Chị Carin Hứa, sinh viên đại học ở Bắc Kinh, Trung Quốc. |
Trong khi đó tại thủ đô Bắc Kinh, chị Carin cho biết sau khi phát hiện một số ca mắc cộng đồng, trường học của chị đóng kín hoàn toàn. “Giáo viên ngoài trường không thể vào được nữa, trường tôi điều chỉnh để học online”, chị cho hay. Trước đó, chị vẫn có thể ra ngoài nhưng bị hạn chế, cần phải viết đơn xin nhà trường giấy phép và có đóng dấu.
“Tôi cảm thấy khá ngột ngạt khi tình trạng phong tỏa kéo dài, dù đồ ăn trong canteen vẫn đầy đủ”, chị chia sẻ. Trong thời gian đầu, các cửa hàng bán đồ dùng hàng ngày và đồ ăn vặt phải đóng cửa nên sinh viên trường chị phải xếp hàng mấy tiếng để mua đồ cần thiết.
Tuy nhiên, sau đó, trường chủ động thành lập đội phân phát hoa quả cho sinh viên. “Mỗi buổi sáng thầy cô đều đến từng phòng gọi dậy để đi xếp hàng xét nghiệm Covid-19”, chị nói thêm, nhận thấy “các thầy cô nhiệt tình và quan tâm lưu học sinh”.
“Tôi đi uống trà sữa khi lệnh phong tỏa được gỡ"
Dỡ phong tỏa không có nghĩa là được “thả cửa” hoàn toàn bởi chính quyền vẫn áp dụng biện pháp kiểm soát dịch, trong đó xét nghiệm và phong tỏa nơi có dịch.
Chị Oanh nói rằng Trung Quốc rất chú tâm chuyện xét nghiệm tập trung. Hiện nhà chức trách vẫn yêu cầu người dân phải xét nghiệm tập thể 3 ngày/lần. Nếu không có mã xét nghiệm trong vòng 72 tiếng, các cửa hàng, siêu thị sẽ không cho khách vào bên trong.
Trước đó, vào thời gian dịch căng thẳng, chị cho biết ngày nào nhà chị cũng phải xét nghiệm.
“Đồ ăn có khi 10 ngày không phát nhưng ngày nào cũng có người đến đưa que xét nghiệm. Phải chi đồ ăn cũng được như xét nghiệm Covid-19 thì khác”, chị nói vui.
Chị Trang cho biết số lượng đợt xét nghiệm tập trung ở mỗi chung cư phụ thuộc vào mức độ dịch ở khu đó. Tính suốt hai tháng qua, khu chị ở đã xét nghiệm tập trung khoảng 50 lần, những ngày còn lại sẽ tự xét nghiệm và báo lại kết quả.
Chị cũng cho hay chính quyền vẫn yêu cầu đeo khẩu trang y tế và khuyến khích tránh tiếp xúc gần.
Sau khi gỡ phong tỏa, một trong những điều đầu tiên chị Oanh muốn làm là “ra ngoài uống trà sữa hay ăn uống một bữa thoải mái”. Gia đình chị cũng đã có những người bạn đầu tiên đến chơi sau hơn hai tháng.
Người dân xếp hàng mua trà sữa ở Thượng Hải trong ngày đầu nới lỏng hạn chế. |
Dù “bây giờ được đi lại rồi nhưng vẫn chưa nhiều hàng quán mở lại. Chỉ đi siêu thị rồi lại về nhà khiến tôi cảm thấy rất khó chịu”, chị chia sẻ thêm.
Chị Oanh cũng cho biết mặc dù dần nới lỏng hạn chế, mọi người ở khu chị sống vẫn ít ra đường. “Trừ khi mua đồ ăn họ mới đi lại, còn không thì vẫn ở trong khu. Họ sợ dịch bệnh bởi mỗi lần đi cách ly có khi mất gần cả tháng”, chị nói.
Đồng quan điểm, chị Trang cũng nói rằng mình sẽ hạn chế ra đường vì gia đình có người già và trẻ nhỏ. Điều đầu tiên chị mong có thể làm sau khi dỡ phong tỏa là “sửa nhà mới, ổn định để con gái có thể sớm đi học mẫu giáo”. Bên cạnh đó, chị cũng mong bệnh viện sớm an toàn để có thể đưa mẹ đi tái khám.
Hai vợ chồng chị hiện chủ yếu vẫn làm việc trực tuyến, và dự kiến đến công ty vào ngày 6/6.
Còn tại Bắc Kinh, chị Carin cho biết trường chị vẫn chưa có thông báo mở cửa, mà chỉ bố trí từng đợt cho sinh viên Trung Quốc về quê, có xe đưa đến sân bay hoặc ga tàu. Trong khi đó, sinh viên quốc tế có thể đăng ký đi du lịch hoặc thăm người thân tại các tỉnh khác. Nhưng nếu làm vậy, sinh viên chỉ được quay lại trường vào tháng 9 tới.
“Tôi nhập học gần một năm rồi nhưng chưa có cơ hội đi ra ngoài”, chị nói. “Nếu trường nới lỏng hạn chế, tôi dự định ra ngoài tham quan các trường đại học, du lịch tới địa điểm nổi tiếng ở Bắc Kinh, thưởng thức ẩm thực và các hoạt động văn hóa khác, thậm chí đi du lịch liên tỉnh”.
“Khi khó khăn, tình cảm càng thêm trân quý"
Đối với nhiều người trong số 25 triệu cư dân đã có thể trải nghiệm lại thế giới bên ngoài ở thành phố lớn nhất Trung Quốc, cuộc sống những ngày phong tỏa dường như vẫn là đoạn hồi ức không thể quên.
Trong thời gian phong tỏa, nỗi hoang mang về sự an nguy của bản thân và những người thân đã bao trùm gia đình chị Trang.
Chị Oanh xếp hàng mua đồ ở siêu thị. Chị cho biết nhiều siêu thị lớn dòng người xếp hàng rất đông. |
“Tôi và gia đình luôn đặt ra nhiều giả thiết như nếu thành viên trong gia đình nhiễm bệnh hay vì dịch bệnh mà chậm trễ việc điều trị các bệnh khác thì sao?”, chị nói. “Nếu bị đưa đi cách ly gia đình tôi phải duy trì như thế nào? Con cái, học hành, công việc, sức khoẻ, tiền bạc… phải phân bổ ra sao?”.
Chị Trang cho biết gia đình liệt kê ra và đưa ra các giả thiết với tình huống xấu nhất “không phải để bi quan tiêu cực, mà là để sống và lo được cho người thân một cách tốt nhất có thể”. Cả hai vợ chồng luôn cố gắng tiết kiệm nhất có thể để đề phòng bất trắc xảy ra.
“Sau tất cả, bản thân tôi càng trân trọng hơn từng phút giây của cuộc sống hiện tại”, chị chia sẻ. “Tôi trân quý thời gian bên gia đình, bạn bè, làng xóm, biết ơn những hy sinh thầm lặng, và thấm thía những khó khăn, những lời hỏi thăm động viên từ mọi người”.
Hiện nay, dù Thượng Hải và các nơi vật giá leo thang do ảnh hưởng dịch bệnh, chị Trang vẫn bày tỏ lòng yêu quý đối với thành phố và con người nơi đây.
Trong khi đó, giữa số ca mắc Covid-19 giảm, chị Carin ngày càng có thêm hy vọng về viễn cảnh “ngày giải phóng", khi các lệnh hạn chế được dỡ hoàn toàn. Dù vậy, chị cũng lưu ý chính phủ Trung Quốc vẫn rất thận trọng và chưa sẵn sàng mở cửa lại tất cả khu vực và dịch vụ.
“Việc phong tỏa chỉ khiến tôi không được sống một cuộc sống du học đúng nghĩa. Nhưng đối với giới trẻ tại Trung Quốc thì đây quả là một thời gian khó khăn”, chị nói. “Rất nhiều người thất nghiệp và nhiều sinh viên tốt nghiệp năm nay khó xin được việc làm ưng ý. Tôi nghĩ sẽ khó và có ít cơ hội biến giấc mơ mua nhà ở các thành phố lớn như Bắc Kinh thành hiện thực".