Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Người Việt ở Thượng Hải mệt mỏi vì phong tỏa kéo dài

Chia sẻ với Zing, nhiều người Việt ở Thượng Hải (Trung Quốc) cho biết cuộc sống đã ổn định hơn sau nhiều tuần phong tỏa, nhưng họ muốn sớm thoát khỏi tình cảnh này.

nguoi Viet o Thuong Hai anh 1

“Từ lúc phong tỏa đến nay, ngày nào tôi cũng phải ăn thịt lợn đến phát ngán. Rau cũng ăn đi ăn lại 3 loại. Vì vậy, tôi rất mong chờ thời điểm thành phố dỡ phong tỏa”, chị Kim Oanh, ở Phố Đông (Thượng Hải) chia sẻ với Zing.

Sau gần một tháng phong tỏa, chính quyền Thượng Hải đã nới lỏng một số quy định phòng chống dịch. Cuộc sống người dân cải thiện hơn, nhiều nơi không còn tình trạng thiếu thực phẩm như những ngày đầu. Tuy nhiên, việc phong tỏa kéo dài khiến người dân mệt mỏi.

Nhiều người Việt ở Thượng Hải chia sẻ họ trông chờ vào cột mốc mà chính quyền Bắc Kinh đặt ra, trong đó yêu cầu thành phố đạt “trạng thái Zero Covid-19” vào ngày 20/4, để thoát khỏi tình trạng phong tỏa.

Tuy nhiên, đến cuối ngày 20/4, Thượng Hải chỉ cho phép khoảng 4 triệu (trong tổng số khoảng 27 triệu dân) được ra khỏi nhà trong điều kiện hạn chế.

Tình hình cải thiện rõ rệt

Chị Nguyễn Huyền Trang, phiên dịch viên ở quận Hồng Khẩu, Phố Tây (Thượng Hải), cho biết đến thời điểm hiện tại, các khu vực có ca mắc Covid-19 vẫn bị phong tỏa nghiêm ngặt. "Chung cư nơi tôi sống bị phong tỏa và yêu cầu xét nghiệm hàng ngày từ ngày 1/4”.

“Mỗi ngày mọi người đều xuống khu tập thể thao trong chung cư để quét mã vạch xét nghiệm tập trung. Tuy nhiên, cũng có ngày các nhân viên sẽ phát kit xét nghiệm cho người dân tự thực hiện, sau đó đến thu kết quả”, chị nói.

Tuy nhiên, khác với thời điểm đầu đợt phong tỏa, cuộc sống của người dân ở Thượng Hải đã được chú ý hơn.

“Có khá nhiều chuyến thị sát của thủ tướng và phó thủ tướng Trung Quốc đến Thượng Hải, đốc thúc mọi việc, nên tình hình đã cải thiện rõ rệt. Đúng là một số khu dân cư thời gian đầu không nhận được thực phẩm hỗ trợ, nhưng tình hình đã ổn hơn. Nguời dân cũng có thể tự mua chung với nhau”, chị Huyền Trang cho biết.

Theo quan sát của chị Trang, chính phủ Trung Quốc rất lo cho dân, thể hiện bằng việc sẵn sàng cung ứng thực phẩm cho nhiều khu vực. "Đây cũng là dịp giúp tôi cảm nhận được tình làng nghĩa xóm. Mọi người giúp nhau từ lon sữa bột, bỉm tã đến gạo”.

Theo chị Trang, mỗi chung cư đều có một người đại diện chuyên đặt hàng, nhờ đó, người dân ở khu chị hiện không thiếu gì.

nguoi Viet o Thuong Hai anh 6

Nhân viên giao thực phẩm đến chung cư nơi chị Huyền Trang đang sống, ở Phố Tây (Thượng Hải). Ảnh: NVCC.

“Khi bị phong tỏa, nếu tôi đặt đồ, bảo vệ chung cư sẽ nhận thay và khử trùng đầy đủ. Sau đó, tình nguyện viên sẽ mang đến tận tòa nhà, tôi chỉ việc chạy xuống lầu nhận”, chị chia sẻ.

Chị Trang cho biết thêm kênh mua sắm trực tuyến cũng đã hoạt động trở lại, giúp người dân mua thực phẩm và thuốc men dễ dàng hơn.

Trong khi đó, tại khu Phố Đông, chị Kim Oanh cũng chia sẻ cuộc sống của gia đình chị những ngày gần đây đã ổn định hơn trước. “Tình hình dịch bệnh cải thiện hơn nên chính quyền cũng bắt đầu nới lỏng một số quy định, chẳng hạn chúng tôi đã có thể đến bệnh viện thăm khám”, chị chia sẻ.

Chị Oanh và chồng đã có thể lái xe quanh khu phố để đỡ chán nản trong lúc phong tỏa. Tuy nhiên, họ vẫn chỉ được phép “đi từ đầu chốt đến cuối chốt”. “Ba chồng tôi cũng đã trở lại công ty làm việc và được họ hỗ trợ thực phẩm nên tình hình cải thiện hơn phần nào”, chị chia sẻ.

“Chính quyền cũng phát thực phẩm đều đặn mỗi tuần. Đồ ăn mà chúng tôi được cung cấp cũng khá đầy đủ, có rau thịt, đôi khi cũng có thịt gà. Nếu muốn mua thêm thực phẩm, chúng tôi cũng có thể đặt hàng trên mạng và chờ vận chuyển đến nhà. Nói chung, tình hình đã khá hơn hồi đầu phong tỏa”, chị nói.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của chị Oanh, tình hình tại những khu điểm nóng vẫn không khác là bao. Nhiều gia đình cũng gặp tình cảnh thiếu thực phẩm, không có đồ ăn hoặc nhận được rất ít. Việc đi lại cũng khó khăn do phải có giấy hoặc mã xác nhận mới được rời khỏi khu phố.

Chị Oanh cho biết khác với giai đoạn đầu phong tỏa, gia đình chị không còn phải xét nghiệm hàng ngày nữa. Việc đi lại cũng thoải mái hơn, nhưng vẫn có người canh lối vào 24/24.

“Vẫn chưa nói trước được điều gì”

Trao đổi với Zing về cột mốc 20/4 mà chính quyền Trung Quốc đặt ra để yêu cầu Thượng Hải đạt “trạng thái Zero Covid-19”, chị Trang cho biết: “Tôi mong điều này có thể xảy ra nhưng cũng không nói trước được điều gì”.

Theo chị Trang, từ ngày 11/4, một số chung cư đã được gỡ phong tỏa. “Có nơi người dân được ra ngoài nhưng không thể đi xa, có nơi chỉ được đi lại trong chung cư”.

Thượng Hải đã trải qua gần một tháng phong tỏa, nếu ngày 20/4 tình hình không thể thay đổi, người dân sẽ đối mặt với thời kỳ phong tỏa kéo dài mà không rõ ngày kết thúc.

Tuy nhiên, chị Trang nhận định: “Tôi nghĩ mọi người sẽ không phản đối mạnh mẽ như ban đầu, vì họ cũng đã hiểu được chính sách của nhà nước. Trung Quốc có số lượng người cao tuổi nhiều hơn một số nước khác”.

“Thượng Hải là trung tâm tài chính, phong tỏa thế này ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế, nhưng họ chấp nhận đánh đổi để thể hiện họ coi trọng mạng sống và sự bình an của người dân”, chị Trang nói.

Trong khi đó, chị Oanh thể hiện rõ sự chán nản nếu thành phố tiếp tục phong tỏa sau ngày 20/4. “Lâu lắm rồi tôi không được đi ra ngoài ăn uống nên điều đó làm tôi khá bức bối”, chị nói.

Quan chức y tế Thượng Hải ngã bệnh do áp lực chống dịch

Giám đốc Ủy ban Y tế Thượng Hải Wu Jinglei là quan chức phụ trách phòng chống Covid-19 tiếp theo gặp vấn đề về sức khỏe do áp lực từ chiến dịch kiểm soát dịch bệnh.

Chuyên gia: Người Thượng Hải cần thực phẩm hơn thuốc Liên hoa thanh ôn

Chuyên gia y tế Trung Quốc hoài nghi hiệu quả của thuốc đông y Liên hoa thanh ôn trước Covid-19 và đặt câu hỏi vì sao hàng triệu hộp thuốc này được ưu tiên đưa tới Thượng Hải.

Vân Đinh - Hải Linh

Bạn có thể quan tâm