Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người Việt ở Pháp muốn ai đắc cử tổng thống?

Trước vòng bầu cử tổng thống thứ hai, dù người Việt tại Pháp có nhiều ý kiến trái chiều về ứng cử viên xứng đáng, họ đều đặt chung kỳ vọng về một đất nước ổn định hơn.

“Nếu tôi được bầu, chắc chắn tôi sẽ lựa chọn ông Emmanuel Macron”, chị Phạm Hà, một người Việt hiện sinh sống tại thành phố Rouen (Pháp), chia sẻ với Zing.

Theo ghi nhận của chị Hà, hai ứng cử viên dẫn đầu vòng bầu cử tổng thống đầu tiên đang "đốt nóng" các cuộc thảo luận trên mạng xã hội của cộng đồng người Việt tại Pháp.

Cụ thể, vào ngày 24/4, Pháp sẽ bước vào vòng bỏ phiếu bầu cử tổng thống thứ hai. Với vị thế dẫn đầu trong vòng thứ nhất, ông Macron và bà Marine Le Pen sẽ gặp nhau trong vòng bỏ phiếu này, một lần nữa tái hiện tình thế từng diễn ra trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2017.

Lý giải cho lựa chọn của mình, chị Hà cho rằng tổng thống đương nhiệm là người trẻ nhất trong số 12 ứng cử viên, nên có lẽ sẽ “mang quan điểm tích cực hơn”. “Tôi e ngại rằng những ứng cử viên lớn tuổi sẽ giữ quan điểm bảo thủ”, chị nói.

Cộng đồng người Việt tại Pháp đang bàn luận sôi nổi về vòng bầu cử này, đặc biệt là hai ứng viên tiềm năng nhất. Những chính sách của họ có thể ảnh hưởng lớn tới cuộc sống người dân Pháp nói chung, cũng như cộng đồng người Việt tại quốc gia này nói riêng.

Quan điểm trái chiều

Đồng quan điểm với chị Hà, chị Phương Lê, ở Bordeaux (Pháp), cho biết: “Hiện tôi chưa có cơ hội bầu cử vì chưa mang quốc tịch Pháp. Nhưng nếu được bầu, tôi sẽ lựa chọn Tổng thống đương nhiệm Macron”.

Theo chị Phương, trong 5 năm qua, Tổng thống Macron đã “giúp nước Pháp giải quyết nhiều vấn đề tồn đọng từ thời các tổng thống cũ như Francois Hollande và Nicolas Sarkozy, giảm tỷ lệ thất nghiệp, hỗ trợ tiền trợ cấp thất nghiệp trong đại dịch Covid-19, cũng như ứng phó với cuộc khủng hoảng năng lượng”.

nguoi Viet tai Phap anh 1

Tổng thống đương nhiệm Emmanuel Macron nói chuyện với người dân địa phương ở ngoại ô Saint-Denis, Paris, Pháp. Ảnh: AP.

Trong khi đó, chị Phương cho rằng nếu bà Le Pen thắng cử, “những người chưa có quốc tịch Pháp như tôi sẽ gặp nhiều khó khăn vì chính sách nhập cư” của ứng cử viên này.

“Bà ấy cho rằng mọi vấn đề của xã hội là dân nhập cư”, chị Phương nhận định.

Vì vậy, chị Phương rất mong tổng thổng đương nhiệm sẽ tái đắc cử. “Khả năng đắc cử của ông Macron rất cao, đặc biệt là sau cuộc tranh luận hôm 20/4”, chị nói.

Trong khi đó, chị Kim Phương, đã có 12 năm sinh sống tại Marseille (Pháp), lại có quan điểm trái ngược. “Tôi đã bầu cho bà Le Pen. Hiện tại, ông Macron và bà Le Pen là hai ứng viên mạnh nhất, nhưng nhìn những gì tổng thống đương nhiệm đã làm trong 5 năm qua, tôi có phần thất vọng”.

“Bà Le Pen đã hứa hẹn mang đến nhiều thay đổi để cải thiện cuộc sống của người dân và cam kết sẽ trục xuất những người nhập cư bất hợp pháp để đảm bảo an ninh cho nước Pháp”, chị nói.

Khi được hỏi về quan điểm của người Việt trước vòng bầu cử tổng thống vào ngày 24/4, chị Phương Lê chia sẻ: “Người Việt bên này chia thành hai phe. Những người đã có quốc tịch Pháp thường ủng hộ bà Le Pen, nhưng cũng có nhiều người trong số họ bầu cho ông Macron”.

Đồng quan điểm với chị Phương Lê, chị Kim Phương cũng cho biết: “Những người có giấy tờ hợp pháp thường sẽ ủng hộ bà Le Pen, nhưng những người không giấy tờ đương nhiên sẽ không thích bà ấy, vì lo sợ bị trục xuất”.

Người Việt tại Pháp hy vọng gì?

Tuy mang những quan điểm trái chiều về việc ai xứng đáng là người lèo lái nước Pháp trong 5 năm tới, người Việt đều hy vọng vị tổng thống này sẽ vực dậy “đất nước hình lục lăng”.

Theo chị Kim Phương, cuộc bầu cử tổng thống đang là tâm điểm chú ý và bàn luận của người dân Pháp trong thời gian gần đây.

“Đi đâu tôi cũng thấy mọi người nhiệt tình bàn luận xem chủ nhật này sẽ bầu cho ai. Người dân đều hào hứng mong chờ đến ngày bầu cử để biết tổng thống mới là ai”, chị Phương cho biết.

nguoi Viet tai Phap anh 2

Một điểm bỏ phiếu bầu cử tổng thống ở Trappes, Pháp. Ảnh: New York Times.

“Tôi chỉ hy vọng tổng thống mới sẽ giúp nước Pháp có an ninh tốt hơn. Đó là điều duy nhất tôi kỳ vọng lúc này”, chị nói.

Về vấn đề này, chị Hà chia sẻ nhiều gia đình thậm chí còn cãi nhau vì có những luồng quan điểm trái ngược liên quan đến cuộc bầu cử tổng thống Pháp. “Gia đình tôi cũng không ngoại lệ. Vì vậy, chúng tôi phải hạn chế đề cập đến vấn đề này vì lo sợ mâu thuẫn”, chị nói với Zing.

Theo chị Hà, người Việt cũng có những quan điểm trái chiều về ông Macron và bà Le Pen. Tuy nhiên, chị khẳng định “dù tổng thống tiếp theo của Pháp là ai, cộng đồng người Việt tại đây đều mong đợi hệ thống an sinh xã hội hiệu quả hơn”.

“Tôi mong rằng tổng thống tiếp theo của Pháp sẽ điều chỉnh lại hệ thống an sinh xã hội để tránh những người trục lợi. Chẳng hạn, nhiều người chỉ cố dựa vào trợ cấp xã hội để không đi làm”, chị nói. Bên cạnh đó, chị Hà và gia đình cũng mong tình hình an ninh ổn định hơn.

“Do chính quyền không siết chặt an ninh dẫn đến nhiều băng nhóm hoạt động tích cực, buôn bán ma túy hoặc chất cấm. Điều này khiến nhiều 'khu phố nóng' xuất hiện, an ninh không đảm bảo”, chị chia sẻ.

'Lưỡi liềm thiệt thòi' có châm ngòi địa chấn chính trị ở Pháp?

Sự chênh lệch giàu nghèo giữa những thành phố như Bordeaux và khu vực xung quanh khiến nền chính trị Pháp ngày càng chia rẽ. Các ứng cử viên tổng thống đang tận dụng điều này.

Tỷ phú Pháp đổ tiền vào đâu trong cuộc bầu cử tổng thống?

Thay vì tài trợ trực tiếp cho chiến dịch tranh cử, các tỷ phú Pháp đang tranh giành vị trí đắt giá trên truyền thông để “mua sức ảnh hưởng” cho các ứng cử viên.

Hải Linh - Vân Đinh

Bạn có thể quan tâm