"Có khoảng 15 hộ gia đình người Việt đang sinh sống tại khu vực ngập. Thông tin ban đầu cho thấy họ đều an toàn, nhưng chúng tôi chưa thể xác minh cụ thể. Phía Lào cũng chưa có số liệu gì", Đại sứ Bá Hùng nói với Zing.vn sáng nay.
Ông cho biết cuộc họp thông báo tình hình của Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội Lào đã bị hoãn.
Các đơn vị mang hàng cứu trợ đến quyên góp cho khu vực bị lũ lụt. Ảnh: NVCC. |
Nhiều người dân chờ cứu trợ
Ông Ngô Sĩ Quý, giám đốc Công ty Kinh doanh Chế biến Lâm sản Việt - Lào Attapeu, cho biết ông đang có mặt tại trung tâm tiếp nhận hàng cứu trợ tỉnh Attapeu để quyên góp 20 thùng mì tôm, 20 két nước và 5 tạ gạo nếp cho nạn nhân vụ vỡ đập nhà máy thủy điện Xepian-Xenamnoy.
Theo ông Quý, nhiều đơn vị khác cũng đóng góp quần áo, chăn chiếu và lương thực, thực phẩm. “Tôi nhận thấy có rất nhiều người, từ dân thường, cán bộ địa phương, xí nghiệp trong và ngoài nước, đang có mặt tại trung tâm tiếp nhận hàng cứu trợ tỉnh Attapeu để quyên góp cho khu vực bị lũ lụt”, ông Quý nói.
Vị giám đốc cho biết ông làm việc tại tỉnh Attapeu được 10 năm, nhưng chưa bao giờ chứng kiến bất kỳ thiên tai nào như vụ vỡ đập thủy điện. Lượng mưa trước khi đập sập lớn gấp 3 so với thông thường.
Ông Quý tả cảnh trực thăng di chuyển liên tục, xe chở hàng cứu hộ xếp hàng dài tại trung tâm tiếp nhận. “Rất may là thị trấn Attapeu, nơi tôi đang làm việc, không chịu ảnh hưởng gì vì cách khu vực lũ lụt đến 50 km. Công ty của tôi hiện có 70 công nhân người Việt”.
Công ty Cổ phần Xây dựng và Nhân lực Việt Nam (CMVietnam), nhà thầu thi công một số hạng mục của nhà máy thủy điện Xepian-Xenamnoy, tỉnh Attapeu, cho biết sự cố vỡ đập xảy ra cách vị trí công ty thi công 180 km và không có bất cứ ảnh hưởng nào đến công việc, nhân sự và thiết bị của CMVietnam.
Theo thông tin từ website chính thức của CMVietnam, công ty này đã ký hợp đồng với tổng thầu SK Engineering & Construction (Hàn Quốc), thành viên chính trong liên doanh xây dựng thủy điện Xepian-Xenamnoy, nơi vừa xảy ra sự cố vỡ đập khiến hàng trăm người mất tích và nhiều người có thể đã thiệt mạng.
Công ty CMVietnam phụ trách thi công 2 gói thầu, gồm Gói 9 (Thi công xây dựng Nhà Máy, đường ống áp lực và trạm phân phối điện) và Gói 3 (Thi công hệ thống cơ điện (M&E): điều hòa, thông gió, phòng cháy, chữa cháy, hệ thống thông tin liên lạc,…). Tổng trị giá 2 gói thầu khoảng 385 tỷ đồng, đến nay cơ bản hoàn thành và chuẩn bị bàn giao.
Ông Ngô Sĩ Quý (áo trắng, đứng giữa) chuyển hàng cứu hộ đến trung tâm tiếp nhận hàng cứu trợ tỉnh Attapeu. Ảnh: NVCC. |
Nước dâng cao, thiệt hại nhiều
Anh Nguyễn Sang, làm việc tại nhà máy mía đường thuộc tỉnh Attapeu, cách địa điểm vỡ đập thủy điện 30 km, cho biết khu vực anh sinh sống không bị ngập, nhưng nhiều địa bàn khác nước dâng cao, thiệt hại rất lớn.
"Mực nước lụt hiện đã giảm chút ít, tôi chưa nhận được yêu cầu di tản từ chính quyền, nhưng được biết có 7 bản tại huyện Sanamxay chưa kịp di tản. Khoảng 300 người mất tích, chưa phân biệt được người Việt hay người Lào", anh nói.
Theo anh Sang, huyện Sanamxay là khu vực có nhiều người Việt đang sinh sống và buôn bán.
Vị trí đập phụ (số 1) bị vỡ vào đêm 23/7, thuộc dự án thủy điện Xe Pien-Xe Namnoy. Đồ họa: BBC. |
Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam tại Lào theo dõi sát tình hình, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng sở tại để cập nhật thông tin về người Việt Nam hoặc kiều bào tại khu vực bị ảnh hưởng, đồng thời sẵn sàng có các biện pháp hỗ trợ trong trường hợp có người bị ảnh hưởng.
Trong trường hợp cần thiết, công dân Việt Nam có thể liên hệ số điện thoại bảo hộ công dân tại Lào 008562096106775 hoặc tại Việt Nam 0084981848484.
Trả lời Tuổi Trẻ, Thiếu tướng Đặng Anh Dũng, tư lệnh Binh đoàn 15 (đóng tại tỉnh Gia Lai), cho biết sau khi nhận tin đập thủy điện tại Attepeu bị vỡ, đơn vị đã cử một phó tư lệnh sang nước bạn để chỉ đạo công tác hỗ trợ cứu nạn.
Theo thông tin của lực lượng binh đoàn từ Attapeu, sau khi đập vỡ, nước đổ xuống nhanh và gây lũ lớn, nhấn chìm làng mạc ngay lập tức. Lực lượng của Công ty Hợp tác kinh tế 385 ở cách vị trí đập vỡ 30 km đã kịp thời ứng cứu người dân vùng bị nạn, giúp sơ tán người và tài sản.
Đập của công trình thủy điện Xepian-Xe Nam Noy ở tỉnh Attapeu đổ sụp vào 20h ngày 23/7, mang theo 5 tỷ m3 nước nhấn chìm 6 bản của huyện Sanamxay. Nhiều nhà dân bị cuốn trôi.
Hàng trăm người mất tích trong đợt lũ. Nhiều nơi mực nước dâng cao đến 10m. Khoảng 1.300 gia đình và khoảng 6.600 người rơi vào cảnh màn trời chiếu đất. Người dân được bố trí đến ở tại khu lều dựng tạm sau khi sự cố xảy ra.
Sự cố xảy ra tại đập dâng D nằm trên sông Xe-Namnoy, thuộc Dự án thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy ở tỉnh Attapeu, phía đông nam Lào.
Ngày 22/7, công ty Hàn Quốc SK Engineering & Construction phát hiện vết nứt trên công trình đập và lập tức cảnh báo cho chính quyền địa phương.
Ngày 23/7, SK Engineering & Construction nỗ lực khắc phục bất thành. Đến 18h cùng ngày, mức độ hư hại của công trình trở nên nghiêm trọng do lượng nước đổ về tăng cao sau nhiều ngày mưa.
Khoảng 20h ngày 23/7, công trình sụp đổ, giải thoát lượng nước lớn xuống hạ lưu, hướng về khu vực dâng cư cách đó gần 5 km. Khoảng 6 bản của huyện Sanamxay chìm trong biển nước, gồm: Yai Thae, Hinlad, Mai, Thasengchan, Tha Hin, và Samong.
Ngày 24/7, truyền thông Lào cho biết hơn 1.300 gia đình và 6.600 người rơi vào cảnh mất nhà cửa. Ít nhất 100 người được thông báo mất tích.
Ngày 25/7, chính quyền địa phương xác nhận tìm thấy 17 thi thể các nạn nhân.
Ông Nguyễn Bá Hùng, đại sứ Việt Nam tại Lào, cho biết 15 hộ gia đình người Việt đang sinh sống tại khu vực ngập. Thông tin ban đầu cho thấy họ đều an toàn. Đại sứ quán đã cử người đến hiện trường và tiến hành các biện pháp hỗ trợ cho địa phương gặp nạn.