Nhiều chuyên gia cho rằng xu hướng tiêu dùng trên không chỉ cho thấy thực trạng “chảy máu ngoại tệ”, mà còn là lời cảnh báo cho các DN Việt khi đã và sẽ “mất khách” nếu không chuyển mình.
Tour nội địa chưa đủ hút khách, người Việt chi 7-8 tỷ USD du lịch nước ngoài
Theo thống kê của Hiệp hội Du lịch Việt Nam, năm 2016 có khoảng 6,5 triệu lượt khách Việt ra nước ngoài du lịch, tăng khoảng 15% so với năm trước, và chi tiêu từ 7-8 tỷ USD.
Người Việt Nam chi 7-8 tỷ USD/năm đi du lịch nước ngoài. |
Đối với việc chi tiêu được cho là khá cao của người Việt khi du lịch nước ngoài, ông Đặng Thanh Tùng - GĐ Công ty Neworld Travel - cho biết khách Việt luôn nằm trong top những khách hàng tiềm năng của các nước lân cận. Đặc biệt, mức chi tiêu mà mỗi du khách Việt dành mua sắm đều trên 1.000 USD/người tại các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Đài Loan… Chưa kể mức chi tiêu sẽ cao hơn rất nhiều nếu du khách đi tour tại các nước châu Âu.
Ngoài việc các dịch vụ tour tại nước ngoài có chất lượng ổn định và giá hợp lý, du khách Việt mạnh tay chi tiêu mua sắm còn bởi các mặt hàng gia dụng, đồ điện tử, quần áo đều đảm bảo “hàng chuẩn”, không có “giá trên trời”.
Ông Lê Đình Chiến - Tổng thư ký Hiệp hội Lữ hành Việt Nam - cho rằng người Việt thường có tâm lý “sính ngoại”. Điều này dẫn tới thực tế là mỗi lần có dịp ra nước ngoài người Việt luôn tranh thủ mua sắm vì cho rằng mua ở nước ngoài hàng mới chuẩn.
Thêm nữa, các nước khu vực châu Á như Trung Quốc, Thái Lan... đều có những “chiêu thức” bán hàng độc đáo nhằm thúc đẩy chi tiêu của du khách khi đến đây.
Trong khi đó, chất lượng tour du lịch nội địa còn không ít vấn đề, chưa kể bản thân một số đơn vị cung cấp dịch vụ cũng có tâm lý “sính ngoại” thích khách Tây hơn khách Việt. Do đó, để không “chảy máu ngoại tệ” và có thể giữ chân khách Việt, các DN du lịch cần đa dạng hóa sản phẩm, cải thiện thái độ phục vụ, đảm bảo dịch vụ chất lượng, môi trường sạch và an toàn.
Tìm nơi trú ẩn, “tuồn” hàng chục tỷ ra nước ngoài mua nhà
Hiện chưa đơn vị nào có thể thống kê được lượng tiền người Việt đổ ra nước ngoài để đầu tư BĐS. Dư luận chỉ giật mình chú ý tới xu hướng này khi Hiệp hội Quốc gia Chuyên viên địa ốc Mỹ (NAR) công bố báo cáo “Hồ sơ hoạt động quốc tế về bất động sản tại Mỹ năm 2017” với con số 3,06 tỷ USD của người Việt. Và khi nhìn lại, người ta mới thấy Việt Nam đã đứng trong danh sách 10 quốc gia có công dân mua nhà đất tại Mỹ nhiều nhất thế giới từ 5 năm nay và xu hướng này chưa hề thay đổi. Ngoài Mỹ, Australia, Canada cũng là điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư BĐS Việt Nam.
Ngoài số tiền đầu tư mua nhà tại Mỹ, người Việt hàng năm còn chi hàng trăm triệu USD đầu tư vào Mỹ theo diện EB-5.
EB-5 là chương trình đầu tư định cư, hay còn gọi là chương trình EB-5, là một phần trong hệ thống di trú Hoa Kỳ. Dự án này cho phép bạn đầu tư tối thiểu 500.000 USD vào tài sản hoặc các hạng mục kinh doanh đã được chính phủ Mỹ phê duyệt và hoàn vốn sau khi có thẻ xanh vĩnh viễn và khi tham gia, nhà đầu tư sẽ có được thẻ xanh cho cả gia đình và sau đó chính thức trở thành một công dân Mỹ.
Theo thống kê của Công ty Tư vấn đầu tư EB-5 có văn phòng giao dịch tại phố Lý Thường Kiệt (Hoàn Kiếm, Hà Nội), số lượng visa định cư Mỹ diện đầu tư EB-5 gia tăng từ 121 visa (năm 2014) lên 280 visa (năm 2015) và 334 visa năm 2016. Với số lượng visa mới này, Việt Nam đứng thứ hai chỉ sau Trung Quốc.
Trao đối với PV tại buổi giới thiệu đầu tư EB-5, đại diện Cty tư vấn EB-5 cho hay, lượng khách hàng chủ yếu của công ty này tương đối đa dạng.
“Trước năm 2015, doanh nhân vẫn chiếm ưu thế trong lượng đầu tư nhưng đến năm 2016 đã có sự thay đổi, mở rộng đáng kể. Đứng sau doanh nhân là lượng quan chức từ các tỉnh, bộ, ngành tham gia ngày càng đông hơn. Tuy nhiên, với các đối tượng này (quan chức) họ thường không đứng tên trực tiếp mà thông qua con ruột” - đại diện công ty này cho biết.
Y tế, giáo dục - lĩnh vực hút tiền người Việt
Ngoài BĐS và du lịch, giáo dục và y tế được nhận định là hai lĩnh vực hút tiền ra nước ngoài nhiều không kém. Theo một số liệu chưa chính thức của Nhóm Công tác Giáo dục và Đào tạo (Diễn đàn Doanh nghiệp thường niên VBF), số lượng học sinh Việt Nam ra nước ngoài học hàng năm ngày càng tăng cao.
Hiện nay, có hơn 110.000 học sinh du học ở 47 quốc gia với mức học phí từ 30.000 - 40.000 USD mỗi năm. Ước tính, người Việt Nam, mỗi năm chi khoảng 3 tỷ đôla Mỹ để có được nền giáo dục quốc tế.
Người Việt tốn rất nhiều tiền để ra nước ngoài chữa bệnh. Ảnh: T.C.A |
Tương tự, trong lĩnh vực y tế, Bộ Y tế ước tính mỗi năm người Việt chi 2 tỉ USD chữa bệnh ở nước ngoài. Ngoài các dịch vụ y tế ở Singapore và Thái Lan, người Việt Nam có điều kiện tài chính có xu hướng đi Nhật Bản, Pháp, Hàn Quốc để khám chữa bệnh, do nền y tế của các nước trên đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh không phải chờ đợi và dịch vụ chăm sóc người bệnh chu đáo, tận tình.
Nhiều chuyên gia đánh giá đây là một nghịch lý bởi lẽ y tế Việt Nam đã tạo được những bước đột phá mạnh mẽ, nhưng vẫn chưa “giữ chân” được người bệnh ở trong nước.
Về mặt kỹ thuật, bác sĩ Việt Nam đã triển khai nhiều kỹ thuật y khoa tương đương ở nước ngoài, nhiều bác sĩ người nước ngoài sang Việt Nam học tập, khi Việt Nam đưa robot vào phẫu thuật cột sống (triển khai ở Bệnh viện Việt Đức) thì cả Đông Nam Á chưa nước nào áp dụng hay Bệnh viện Răng Hàm Mặt T.Ư chỉ cần triển khai thành công và làm thường quy một kỹ thuật liên quan đến tái tạo xương hàm mặt là đã giữ chân được 500 người Việt không phải ra nước ngoài chữa bệnh...
Trong khi năm 2016, ngành du lịch Việt Nam đón trên 10 triệu lượt khách quốc tế, tăng 26% so với năm 2015 và tăng gấp 2 lần so với năm 2010, tổng thu từ khách du lịch đạt 417.000 tỷ đồng.
7 tháng đầu năm 2017, lượng khách quốc tế đã đạt 7,25 triệu lượt, tăng 28,8% so với cùng kỳ, tổng thu từ khách du lịch đạt gần 307.000 tỷ đồng, tăng hơn 26% so với cùng kỳ năm 2016.