Ngày 18/7, dẫn đầu Tổ công tác của Thủ tướng kiểm tra Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác đã nêu rõ 6 vấn đề mà Thủ tướng yêu cầu NHNN giải trình, làm rõ, trong đó có việc nghiên cứu giải pháp huy động nguồn lực USD trong dân.
Thống đốc cho biết các giải pháp điều hành vĩ mô tổng thể những năm qua là rất trúng, nhờ đó nguồn lực ngoại tệ đã chuyển hóa thành VND.
Chẳng hạn năm 2016, NHNN đã mua vào gần 10 tỷ USD để tăng dự trữ ngoại hối, một phần lớn là từ ngoại tệ nắm giữ trong dân, qua đó chuyển thành đồng Việt Nam và được người dân đưa trực tiếp một phần vào sản xuất kinh doanh, phần khác gửi vào các ngân hàng thương mại.
“Chúng tôi cho rằng đây là giải pháp huy động nguồn lực tốt nhất trong điều kiện của chúng ta mà vẫn giữ được ổn định vĩ mô, không để những biến động ngoài tầm kiểm soát.
Ngay cả với vàng, trong những năm qua chúng ta không mất ngoại tệ để nhập vàng, người dân cũng không đổ nguồn lực mua vàng như trước nữa, chuyển hóa nguồn lực vào nền kinh tế. Chúng tôi sẽ tiếp tục báo cáo Chính phủ các giải pháp cụ thể huy động các nguồn lực nhưng làm sao bảo đảm ổn định”, Thống đốc khẳng định.
Tín dụng có thể tăng 18-20%, rủi ro được kiểm soát rất chặt
Thống đốc cũng cho biết, vừa qua sau khi NHNN có quyết định thì nhiều ngân hàng đã giảm lãi suất 0,5% cho vay ngắn hạn với lĩnh vực ưu tiên. Nhiều ngân hàng đã áp dụng chương trình tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp với lãi suất 5-6,5%; sẽ tiếp tục giảm lãi suất cho vay một số chương trình trung dài hạn với lĩnh vực ưu tiên xuống 8% và lãi suất cho vay ngắn hạn với khách hàng tốt từ 4-5%.
Đến ngày 30/6, tín dụng với nền kinh tế đã tăng 9,06%, cao hơn cùng kỳ 2015, 2016. Thống đốc khẳng định cơ cấu tín dụng chuyển dịch rất tốt, tập trung vào sản xuất kinh doanh, trong đó tín dụng cho một số ngành trọng điểm tăng cao hơn so với mức tăng chung như nông nghiệp nông thôn tăng 9,9%, công nghiệp tăng 10,34%. Những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát rất chặt thông qua giám sát, cảnh báo từ xa và kiểm tra tại chỗ.
“Tín dụng có thể tăng như chỉ đạo của Chính phủ là từ 18-20%, nhưng phải kiểm soát được ổn định vĩ mô, bảo đảm chất lượng tăng trưởng tín dụng, đưa tín dụng vào những lĩnh vực sản xuất kinh doanh, ưu tiên. NHNN sẽ linh hoạt điều chỉnh theo diễn biến vĩ mô”, Thống đốc cho biết.
Riêng với lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, đến nay các ngân hàng đã cam kết cho vay 120.000 tỷ, giải ngân gần 33.000 tỷ. Tuy nhiên, vẫn còn một số điểm rất vướng liên quan tới thế chấp tài sản trên đất.
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng và Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng tại buổi làm việc. Ảnh: VGP/Nhật Bắc . |
Về sở hữu chéo, trong dự thảo đề án cơ cấu lại tổ chức tín dụng, NHNN đã báo cáo rất rõ hiện trạng. Trong đó có trường hợp như Vietcombank hiện còn sở hữu cổ phần ở một số ngân hàng là để tạo thuận lợi cho tái cơ cấu các ngân hàng này, nhưng vẫn phải thoái vốn theo quy định.
“Chúng tôi đã yêu cầu các ngân hàng khẩn trương thực hiện, chủ trương đã rất quyết liệt và rõ ràng, nhưng việc này phụ thuộc nhiều vào điều kiện khách quan như tìm đối tác, giá thị trường…”, Thống đốc khẳng định.
NHNN đã trình Thủ tướng các giải pháp triển khai Nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ xấu, sau khi được phê duyệt, NHNN sẽ tổ chức hội nghị toàn quốc ngành ngân hàng để quán triệt. Đây sẽ là nhiệm vụ trọng tâm trong năm nay và những năm tới.
NHNN cũng triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo đảm an toàn thanh toán và hoạt động của hệ thống ATM; cải cách thủ tục vay vốn…
Riêng với việc thực hiện Nghị định 67 về cho ngư dân vay đóng tàu, Thống đốc kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ NN&PTNT khẩn trương tổng kết việc thực hiện chủ trương rất đúng nhưng hiện có nhiều vướng mắc này. Còn NHNN đã báo cáo, kiến nghị đầy đủ về các bất cập và hướng xử lý.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo NHNN cũng nêu rõ nguyên nhân chậm trễ 5 nhiệm vụ trong tổng số 477 nhiệm vụ được giao tính từ đầu năm 2016 tới nay, gồm việc xây dựng chiến lược phát triển ngành ngân hàng tới năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; đề xuất tăng vốn điều lệ của Bảo hiểm tiền gửi; và 3 nhiệm vụ được giao trong các văn bản mật.
NHNN đang khẩn trương triển khai thực hiện và sẽ sớm báo cáo Chính phủ, Thủ tướng.
Sau buổi kiểm tra, NHNN sẽ có báo cáo đầy đủ, cụ thể với Tổ công tác về các vấn đề trên.
Dòng tiền đã hướng vào sản xuất
Phát biểu kết luận, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng cho biết buổi kiểm tra giúp đôn đốc các cơ quan thực hiện nghiêm nhiệm vụ được giao và phối hợp tốt hơn. Tổ công tác cũng nắm bắt, báo cáo Chính phủ tháo gỡ các vướng mắc về thể chế, trong đó nhiều vấn đề liên quan tới các bộ khác, không chỉ riêng NHNN mà làm được.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng phát biểu kết luận buổi kiểm tra. Ảnh: VGP/Nhật Bắc . |
Tổ công tác đánh giá cao việc điều hành chính sách tiền tệ trong 6 tháng đầu năm của NHNN đã chủ động, linh hoạt, thành công, góp phần ổn định vĩ mô, tăng trưởng tín dụng hợp lý, cơ cấu dòng tiền tốt hơn, thực sự đi vào sản xuất kinh doanh, những lĩnh vực ưu tiên.
Đặc biệt, Tổ công tác đánh giá cao sự chia sẻ của các ngân hàng thương mại với quyết tâm tiết kiệm chi phí để hạ lãi suất, từ đó vướng mắc, kêu ca của doanh nghiệp trong tiếp cận tín dụng sẽ giảm đi.
Tuy nhiên, Thống đốc cần tiếp tục chỉ đạo quyết liệt để hoàn thành 80 nhiệm vụ còn lại chưa hoàn thành.
Ghi nhận những giải trình của Thống đốc về 6 vấn đề mà Thủ tướng yêu cầu, Tổ trưởng Tổ công tác Mai Tiến Dũng yêu cầu NHNN có kế hoạch thực hiện tốt hơn trong thời gian tới.
“Trong đó, nhiệm vụ số 1 vẫn là tăng trưởng tín dụng và hạ lãi suất, nhưng phải làm sao tăng đều qua các quý, không dồn toa vào cuối năm, tín dụng hướng vào sản xuất kinh doanh, vào doanh nghiệp khởi nghiệp, đầu tư hạ tầng, đồng thời vẫn kiểm soát được lạm phát, ổn định vĩ mô”, Tổ trưởng Tổ công tác nhấn mạnh.
Cùng với đó, sớm báo cáo Thủ tướng các giải pháp thực hiện Nghị quyết về xử lý nợ xấu, giải tỏa cục máu đông trong 5 năm tới; đẩy mạnh tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, xử lý sở hữu chéo….
“Còn việc huy động nguồn lực trong dân rất quan trọng, Nghị quyết phiên họp Chính phủ vừa rồi cũng đã yêu cầu, NHNN phải tính toán cho hợp lý, đừng để tiền chảy ra nước ngoài”, Tổ trưởng Tổ công tác nêu rõ.
Tổ công tác sẽ tiếp thu toàn bộ các kiến nghị của NHNN và các ngân hàng thương mại, tổng hợp và báo cáo cụ thể Chính phủ, Thủ tướng, đặc biệt là những vướng mắc về chính sách, cơ sở pháp lý.
Vướng mắc lớn nhất với gói 100.000 tỷ
Tại buổi làm việc, đại diện các ngân hàng thương mại lớn đã báo cáo các kết quả đạt được thời gian qua. Tuy nhiên, Tổ trưởng Tổ công tác Mai Tiến Dũng đề nghị các ngân hàng tập trung làm rõ về các vướng mắc chính sách hiện hành.
Theo ông Trịnh Ngọc Khánh, Chủ tịch Agribank, vướng mắc lớn nhất hiện nay trong cho vay nông nghiệp công nghệ cao là tài sản thế chấp. Vì đầu tư cho lĩnh vực này rất lớn, có thể lên tới 30-40 tỷ đồng mỗi ha, nhưng các tài sản trên đất lại không được thế chấp vay vốn.
“Lúc được mùa thì các tài sản này rất giá trị, nhưng gặp thiên tai, mất mùa thì không đáng bao nhiêu, kể cả nhà máy tới 500 tỷ đồng nhưng mất mùa thì cũng thế”, ông Khánh giãi bày.
Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết thêm về vướng mắc pháp lý này. Đó là tài sản trên đất thuê trả tiền hàng năm thì không được cấp giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu, nên khi đưa ra thế chấp thì không được chấp nhận. Chính phủ đã đưa vấn đề này vào Nghị quyết, giao NHNN phối hợp với Bộ Tư pháp nghiên cứu tháo gỡ.
Ngoài ra, ông Khánh cũng kiến nghị một số vấn đề về thủ tục, chẳng hạn như theo quy định hiện hành, để kỷ luật nghỉ việc người lao động thì trong cả hệ thống Agribank chỉ duy nhất ông được phép ký, nhưng “với 40.000 lao động thì chỉ riêng việc ký này cũng đủ ốm”.
Một thông tin đáng chú ý khác, Tổng giám đốc Ngân hàng Công Thương Lê Đức Thọ cho biết đang phối hợp với Sở Công Thương TPHCM tổ chức trung tâm hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp tại các tỉnh phía Nam.