Ngày 18/7, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng dẫn đầu đoàn kiểm tra Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về tình hình thực hiện các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng giao và các giải pháp góp phần bảo đảm mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2017.
Theo đánh giá 6 tháng đầu năm, NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ 6 chủ động, thể hiện qua lãi suất và tỷ giá ổn định, tăng trưởng tín dụng hợp lý, hướng dòng vốn vào sản xuất kinh doanh, mặt bằng lãi suất cho vay ổn định hơn.
Tuy nhiên, từ đầu năm tới nay, Chính phủ đã giao NHNN 477 nhiệm vụ, so với các bộ, cơ quan thì không phải là nhiều, nhưng các nhiệm vụ rất quan trọng. Đến nay, NHNN đã hoàn thành 397 nhiệm vụ (359 nhiệm vụ trong hạn và 38 nhiệm vụ quá hạn). Còn 80 nhiệm vụ chưa hoàn thành. Chủ nhiệm VPCP đề nghị Thống đốc phải giải trình để báo cáo tại phiên họp Chính phủ tới đây.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ làm việc với NHNN. Ảnh: Nhật Bắc . |
Đồng thời, thông qua buổi làm việc, ông Mai Tiến Dũng đã truyền đạt lại 6 vấn đề Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu NHNN giải trình và có các hướng giải quyết.
Đầu tiên là vấn đề tăng trưởng tín dụng với mục tiêu 18-20% và hạ lãi suất cho vay. Ông Mai Tiến Dũng nhắc lại lời Thủ tướng tại Hội nghị Chính phủ với địa phương cho biết "không nên chảy vào một số đại gia lớn, dòng tiền phải chảy vào doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh".
“Tính toán phác thảo, dư nợ tín dụng của Việt Nam khoảng trên 5 triệu tỷ đồng, nếu giảm lãi suất 1% thì các doanh nghiệp dành được 50.000 tỷ đồng, cứ tính 5 đồng vốn 1 đồng lãi thì chúng ta đã có 10.000 tỷ đồng. Riêng tiền thuế thu nhập doanh nghiệp đã có 2.000 tỷ đồng và giúp tăng 0,25% GDP. Hay nợ công trong nước hiện khoảng 1 triệu tỷ đồng, nếu giảm lãi suất 1% thì tiết kiệm từ ngân sách khoảng 10.000 tỷ đồng”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết.
Vấn đề thứ hai là xử lý nợ xấu. Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đánh giá muốn hạ lãi suất phải xử lý nợ xấu, nhưng xử lý nợ xấu phải có lộ trình.
Thứ ba, Thủ tướng yêu cầu NHNN nghiên cứu giải pháp huy động nguồn lực trong dân, cụ thể là huy động USD. Thay vì lãi suất 0% hiện nay thì ngành ngân hàng cần có chính sách huy động để nguồn lực đó đi vào đầu tư, sản xuất nhưng phải đảm bảo chống đôla hóa nền kinh tế.
“Chúng ta vẫn phải mua trái phiếu quốc tế với lãi suất trên 4%, vậy huy động trong dân thế nào”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng phát biểu.
Vấn đề thứ tư chính là sở hữu chéo các tổ chức tín dụng. Theo đó sau khi NHNN ban hành Thông tư 36 thì việc sở hữu chéo đã được kiểm soát tốt hơn, nhưng vẫn còn tồn tại.
Trước khi Thông tư 36 có hiệu lực, Vietcombank sở hữu 9,8% cổ phần MBBank, 8,2% Eximbank, 5,26% SaigonBank và 4,6% OCB, đến nay Vietcombank vẫn đang nắm hơn 7,16% cổ phần MBBank, 8,19% Eximbank, 5,07% OCB và 4,3% Saigonbank. Vì vậy cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc Thông tư 36.
Thứ năm, Chính phủ đề nghị ngân hàng quan tâm tới việc doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc vay vốn liên quan tới tài sản thế thấp.
Và cuối cùng, Thủ tướng yêu cầu ngành ngân hàng cần quan tâm tới an toàn thông tin cho người gửi tiền và an toàn thông tin mạng...
Ngoài ra, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng yêu cầu NHNN và các NHTM trong buổi làm việc đưa ra các giải pháp thực hiện nhằm góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 6,7%.