Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người Việt ngày càng dễ mua đồ công nghệ online

Không còn tâm lý e ngại khi mua các sản phẩm công nghệ trên sàn thương mại điện tử hay mua online từ các đại lý, người dùng Việt ngày càng dễ dàng "chốt đơn" hơn.

Người dùng Việt ngày càng dễ dàng "chốt đơn" online các thiết bị điện tử. Ảnh: Phương Lâm.

Cách đây 2 năm, anh Mạnh Cường (Cầu Giấy, TP. Hà Nội) luôn ra trực tiếp các chuỗi bán lẻ để mua smartphone. Anh cho rằng không nên mua đồ công nghệ online vì sẽ gặp nhiều rủi ro như hỏng hóc, bị tráo hàng hoặc không được giao hàng.

Tuy nhiên, kể từ năm 2021 do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh Covid-19 mà anh Mạnh Cường đã dần quen với việc đặt hàng và thanh toán online, kể cả với các thiết bị điện tử.

Không còn e ngại

Anh Cường chia sẻ bản thân từng đọc trên mạng xã hội (MXH) và nghe bạn bè kể về việc bị tráo hàng khi mua các thiết bị điện tử hay smartphone có giá trị cao nên luôn quyết định ra cửa hàng mua sắm trực tiếp.

"Mình nhớ từng có vụ tráo hàng khá nổi trên MXH. Một khách hàng đã đặt mua iPhone thông qua hình thức online nhưng hàng nhận được lại là miếng gạch vỡ. Lúc đó mình đã nghĩ không hiểu sao nhiều người có thể mua một chiếc điện thoại hàng chục triệu đồng theo hình thức online", anh Cường cho biết.

mua hang online anh 1

Người tiêu dùng chọn mua máy từ sàn TMĐT. Ảnh: NVCC.

Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay anh Cường đã thay đổi thói quen mua sắm. Anh cho biết bản thân nhận thấy việc mua hàng online cũng có nhiều điểm lợi hơn so với việc phải ra mua trực tiếp tại cửa hàng.

"Năm nay mình chọn mua iPhone 14 trên sàn TMĐT vì máy sẽ không cần phải kích hoạt. Mình khá hài lòng về trải nghiệm khi không cần phải đi xa, xếp hàng hay lo sợ việc không biết khi nào mới được giao máy", anh Cường chia sẻ.

Không riêng anh Cường mà nhiều người tiêu dùng khác đều có xu hướng mua các sản phẩm công nghệ online từ xa thay vì mua trực tiếp tại cửa hàng.

Chị Thu Hà (nhân viên văn phòng tại TP.HCM) cho biết bản thân không có thời gian ra trực tiếp các cửa hàng mua sắm. Bên cạnh đó, việc giao hàng cũng được các đại lý đảm bảo, thời gian chờ đợi không quá lâu, chỉ 2-3 tiếng đã nhận được nên dần chị cũng lười mua các món đồ công nghệ trực tiếp.

Ghi nhận con số tăng trưởng

Chia sẻ với Zing, đại diện các sàn thương mại điện tử (TMĐT) lớn tại Việt Nam là Shopee, Tiki và Lazada đều khẳng định nền tảng ghi nhận sự tăng trưởng mua sắm mạnh mẽ các món đồ công nghệ từ người tiêu dùng.

Đơn cử như dòng smartphone được quan tâm nhất những tháng cuối năm là iPhone 14. Shopee ghi nhận lượng tăng trưởng cao hơn 20% so với mẫu iPhone 13 năm ngoái.

"Shopee ghi nhận sự gia tăng về nhu cầu mua sắm các mẫu smartphone vừa ra mắt trong năm nay", đại diện Shopee chia sẻ.

mua hang online anh 2

Người dùng đang dần dễ mua các thiết bị điện tử có giá trị lớn thông qua hình thức online. Ảnh: Phương Lâm.

Đại diện sàn TMĐT Lazada cho biết ngành hàng điện tử là một trong những ngành hàng quan trọng và chiến lược của sàn. Sàn này đang sở hữu đa dạng sản phẩm đến từ nhiều thương hiệu lớn trong và ngoài nước.

"Vào tháng 10 vừa qua, gần một nghìn sản phẩm thuộc iPhone 14 series đã được đặt hết chỉ sau ít phút mở đặt hàng", đại diện sàn TMĐT này tiết lộ.

Theo báo cáo doanh thu quý III của Lazada, thiết bị điện tử là một trong những ngành hàng góp mặt trong top ghi nhận lượng mua sắm cao, các sản phẩm dành được sự quan tâm lớn từ người tiêu dùng.

Tại CellphoneS, chuỗi này cho biết tỷ lệ đặt đơn online rơi vào khoảng 20%. Đại diện chuỗi này cũng ghi nhận việc ngày càng nhiều người dùng lựa chọn mua thiết bị công nghệ online. Thậm chí đây sẽ là xu hướng trong tương lai bởi sự tiện lợi và nhanh chóng.

Theo nghiên cứu thị trường thương mại điện tử nửa đầu năm 2022 của Metric, Việt Nam đang trở thành thị trường lớn thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á, chỉ đứng sau Indonesia.

So với thực trạng thương mại điện tử thế giới, Việt Nam có mức tăng trưởng khá mạnh. Theo Statista, tốc độ phát triển thương mại điện tử toàn cầu có tốc độ phát triển là 16,24% vào năm 2021 và dự báo bứt phá lên 24,5% vào năm 2025.

Còn tại Việt Nam, con số này năm 2021 là hơn 20%, với quy mô 16 tỷ USD. Đến năm 2025, tốc độ phát triển của thương mại điện tử ở nước ta có thể lên đến 29%, đạt 39 tỷ USD.

Dữ liệu của Metric cho thấy Shopee, Lazada, Tiki và Sendo là 4 sàn thương mại điện tử có thị phần lớn nhất tại Việt Nam.

Báo cáo “Digital in Vietnam 2021” ghi nhận chi tiêu thương mại điện tử tại Việt Nam trong năm 2020 cho từng ngành hàng. Trong đó, người mua chi tiêu nhiều nhất cho ngành du lịch, vận tải và lữ hành với tổng chi tiêu lên đến 3,18 tỷ USD.

Tiếp theo là ngành hàng điện tử với tổng doanh thu đạt 1,57 tỷ USD, bằng 50% so với ngành dẫn đầu. Các ngành đạt doanh thu thương mại điện tử tỷ USD khác là thời trang và làm đẹp, nội thất và hàng gia dụng, thực phẩm.

Những câu chuyện ít được biết về tỷ phú công nghệ

Tủ sách Công nghệ đem đến cho độc giả những cuốn sách hay nhất, đúc kết hàng trăm giờ chia sẻ của Steve Jobs, Elon Musk và những người liên quan. Chúng chứa đựng những câu chuyện công nghệ thú vị, ít khi được bật mí.

Elon Musk lại bán tick xanh Twitter

Sau khi ngừng cung cấp dịch vụ tick xanh với giá gần 8 USD vào 11/11, mới đây Elon Musk cho biết dịch vụ này sẽ quay trở lại vào 29/11.

Mẫu iPhone thất bại hoàn toàn tại Việt Nam

Không chỉ ghi nhận nhu cầu thấp từ người dùng, iPhone SE 2022 còn không được các chuỗi bán lẻ nhập thêm hàng vì số lượng máy tồn kho còn nhiều.

Thúy Hạnh

Bạn có thể quan tâm