Theo Báo cáo Kinh tế số Đông Nam Á (SEA) 2020 được Google, Temasek và Bain & Company công bố hôm 11/11, Việt Nam là nước có tỷ lệ người dùng các dịch vụ kỹ thuật số mới cao nhất Đông Nam Á (41%). 94% trong số đó có ý định sử dụng những dịch vụ này ngay cả khi đại dịch kết thúc.
Trước dịch Covid-19, người Việt Nam dành trung bình 3,1 giờ/ngày để truy cập Internet cho mục đích cá nhân. Trong khoảng thời gian thực thi giãn cách xã hội trên diện rộng, con số này tăng vọt lên 4,2 giờ/ngày và hiện ở mức 3,5 giờ/ngày.
Cứ 10 người dùng thì có tới 8 người cho rằng công nghệ là công cụ rất hữu ích trong thời gian diễn ra đại dịch. Công nghệ đã trở thành một phần không thể thiếu của cuộc sống hàng ngày.
Dịch Covid-19 làm gia tăng số người dùng mới của các dịch vụ kỹ thuật số. Ảnh: Nikkei. |
Xu hướng chuyển sang kỹ thuật số
Cũng theo báo cáo này, tại Đông Nam Á, hơn 1/3 người dùng kỹ thuật số bắt đầu sử dụng dịch vụ trực tuyến lần đầu tiên vì dịch Covid-19. Trong số đó, 95% người có ý định tiếp tục dùng các dịch vụ trực tuyến sau đại dịch.
Phần lớn người dùng Internet mới đến từ các khu vực ngoại thành, đặc biệt là ở Malaysia, Indonesia và Philippines. Năm 2020, nền kinh tế số trong khu vực (bao gồm Singapore, Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam), có 40 triệu người dùng Internet mới, nâng tổng số lên 400 triệu người.
Bất chấp môi trường kinh tế đầy thách thức, các lĩnh vực kỹ thuật số của Đông Nam Á tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, đạt 100 tỷ USD vào năm 2020 và đang trên đà vượt mốc 300 tỷ USD vào năm 2025.
Thương mại điện tử nổi lên mạnh mẽ nhất, tăng 63%, đạt 62 tỷ USD vào năm 2020 và dự kiến tiếp tục quỹ đạo tăng trưởng, chạm ngưỡng 172 tỷ USD năm 2025. Mặt khác, du lịch là phân khúc bị ảnh hưởng nhiều nhất, giảm từ 58% còn 14 tỷ USD.
Thương mại điện tử tăng trưởng mạnh mẽ trong thời kỳ dịch Covid-19. Ảnh: Nikkei. |
Ngoài ra, mảng giao đồ ăn và truyền thông trực tuyến cũng tăng mạnh. Cùng với đó, người tiêu dùng và các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) cởi mở hơn với giao dịch trực tuyến, giúp ích cho dịch vụ tài chính kỹ thuật số. Thanh toán kỹ thuật số tiếp tục tăng trưởng từ 600 tỷ USD vào năm 2019 lên 620 tỷ USD năm 2020 và dự kiến đạt 1.200 tỷ USD năm 2025.
Truyền thông trực tuyến tăng 22% đạt 17 tỷ USD vào năm 2020. Điều này được thúc đẩy bởi sự gia tăng bứt phá của các nhà cung cấp dịch vụ phát video trực tuyến (video streaming). Mức tăng trưởng đạt 12 lần tại Việt Nam và 18 lần ở Thái Lan.
Do ảnh hưởng của đại dịch, những lĩnh vực công nghệ non trẻ như y tế công nghệ (healthtech) và giáo dục công nghệ (edtech) cũng tăng trưởng mạnh hơn. Các ứng dụng kỹ thuật số y tế và giáo dục hàng đầu được sử dụng nhiều hơn, lần lượt 400% và 300% so với trước đại dịch, giúp thúc đẩy đầu tư vào hai lĩnh vực.
"Covid-19 đã thay đổi thói quen cuộc sống hàng ngày của mọi người, thúc đẩy xu hướng chuyển dịch sang kỹ thuật số nhanh và mạnh mẽ hơn ở rất nhiều ngành và lĩnh vực. Đáng chú ý là việc ứng dụng công nghệ cho y tế và giáo dục mở đường cho healthtech và edtech bên cạnh tài chính kỹ thuật số", bà Trâm Nguyễn, Giám đốc điều hành thị trường Việt Nam, Lào và Campuchia Google châu Á Thái Bình Dương, bình luận.
Lạc quan nhưng thận trọng
Bối cảnh đầu tư công nghệ trong khu vực tiếp tục khởi sắc với số thương vụ tăng 17% từ nửa đầu năm 2019 đến năm 2020. Tuy nhiên, tổng giá trị thương vụ giảm nhẹ từ 7,7 tỷ USD xuống 6,3 tỷ USD so với cùng kỳ. Nguyên nhân là sự sụt giảm trong các khoản đầu tư lớn vào "kỳ lân" (công ty khởi nghiệp đã ở giai đoạn phát triển có giá trị đạt hơn 1 tỷ USD).
Điều này có nghĩa là các khoản đầu tư nhỏ hơn tiếp tục tăng lên, chiếm hơn một nửa (53%) tổng giá trị thương vụ, so với 34% cùng kỳ năm trước.
Giá trị thương vụ trong lĩnh vực tài chính kỹ thuật số (fintech) nhảy vọt lên 835 triệu USD trong nửa đầu năm 2020, so với 475 triệu USD cùng kỳ năm 2019. Nhìn chung, số lượng giao dịch trong giai đoạn này đã tăng 24%.
Báo cáo chỉ ra các nền tảng hiện tại tập trung vào hoạt động kinh doanh cốt lõi, củng cố điểm mạnh, ưu tiên hướng tới lợi nhuận. Nguồn vốn cho "kỳ lân" trong những lĩnh vực phát triển như thương mại điện tử, vận chuyển, thực phẩm, du lịch và truyền thông giảm từ 5,1 tỷ USD trong nửa đầu năm 2019 xuống 3 tỷ USD nửa đầu năm 2020.
Các nền tảng hiện tại tập trung vào hoạt động kinh doanh cốt lõi, củng cố điểm mạnh và ưu tiên hướng tới lợi nhuận. Ảnh: Nikkei. |
Đối với du lịch trực tuyến, lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất, có những dấu hiệu phục hồi với du lịch nội địa, nhất là các khách sạn và địa điểm nghỉ dưỡng không quá xa thành phố. Du lịch trực tuyến dự kiến tăng trở lại 60 tỷ USD vào năm 2025.
Với vận tải, các hạn chế và lệnh giãn cách đã được nới lỏng ở một số quốc gia tại khu vực Đông Nam Á, nhưng quy định làm việc tại nhà của nhiều công ty và sự bất an của người dân trong việc sử dụng phương tiện giao thông công cộng có thể ảnh hưởng đến sự hồi phục của lĩnh vực trong nửa đầu năm 2021.
Dự kiến, lĩnh vực vận tải và thực phẩm sẽ tăng trở lại, tổng giá trị GMV đạt 42 tỷ USD vào năm 2025.
Theo báo cáo, Đông Nam Á cũng đạt được tiến bộ vượt bậc trong việc giải quyết những thách thức ban đầu của nền kinh tế Internet. Tuy nhiên, hạn chế về nguồn nhân lực vẫn là vấn đề ngày càng cấp bách cho các công ty đang tìm kiếm nhân sự có tay nghề cao. Họ là những người đóng vai trò quan trọng tạo thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế số.