Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người Việt ít học, ham chơi, nền giáo dục viển vông

Từ đầu thế kỷ XX, nền giáo dục và việc học của người Việt đã để lộ nhiều khuyết điểm. Tới nay, những mặt trái ấy dần được khắc phục, song những di chứng vẫn chưa được quét sạch.

Cuốn Người xưa cảnh tỉnh (Vương Trí Nhàn sưu tầm và biên soạn, Trần Văn Chánh tổng thuật và luận giải) trình bày một cách hệ thống thói hư tật xấu của người Việt trong con mắt các nhà trí thức nửa đầu thế kỷ XX. Được sự đồng ý của NXB Tổng hợp TP.HCM, Zing.vn trích đăng một phần nội dung sách.

Không học và ham chơi

Trong bài viết Hai chữ lao động (báo Tiếng Dân, 1930), Huỳnh Thúc Kháng viết: Người mình thiếu cái tư cách lao động ngày nay. Viễn nhân có nhiều mà nhất là không học. Đây nói học không phải thường cầm viết, ôm sách đi tới trường như học trò.

Không học nghĩa là không biết tập cách siêng năng kiệm ước và lo trau dồi cái nghề của mình cho tinh xảo, sửa sang tính nết của mình cho có tư cách công nhân. Không học thì nghề đã không tinh mà tư cách cũng kém, điều hư tật xấu không chừa, lời phải điều hay không biết bắt chước.

Còn cái cận nhân to nhất là ham chơi. Nhân phong trào lao động thế giới hết bị khinh rẻ như ngày xưa, nhiều người vào sở này, tới xưởng kia, tự xưng là làm thực nghiệp, kỳ thực không chăm nghề gì không được việc gì, rày đây mai đó lỡ dở thành người thất nghiệp.

Lại có kẻ du thủ du thực phóng đãng quen nết, nay gặp sở nào thuê mướn làm công, làm mấy cũng không đủ tiêu, lại xoay bày cách chơi bời cờ bạc mà quơ quét của bọn làm công, làm sâu mọt trong đám lao động.

Nguoi Viet luoi hoc anh 1
Sách Người xưa cảnh tỉnh

Theo Nguyễn Trọng Thuật viết trong Điều đình cái án quốc học (1931), bệnh căn của cõi học ta xưa, một là vì xã hội cẩu thả mà toàn mô phỏng, một nữa là vì kẻ học giả ham cái cận lợi khoa cử.

Trước khi vì học thuật nước nhà mà hy vọng ta phải hết sức từ bỏ căn bệnh cẩu thả đi, trừ bỏ cái tính tự tiện tự khí đi. Không thì về xã hội lại cứ lười biếng a dua không suy xét lựa chọn không có cái tinh thần tự giác tự tín; về kẻ học giả lại cứ tham cái cận lợi nhai văn nuốt chữ, lấy học đường của nước văn minh làm con đường tắt hiển vinh.

Bộ “lều chiếu chõng lọ” đã phá đập ở trường thi rồi, con ma nghiện cử nghiệp lại bò vào nơi “mễ đỏ bảng đen” ám ảnh. Thì học đến bao giờ cũng chung vô sở đắc ; mà dù có sở đắc được tí gì cũng chẳng để ý đến.

Nội dung học tập viển vông phù phiếm

Đó là quan điểm của Phan Kế Bính nêu ra trong cuốn Việt Nam phong tục (1915). Ông cho rằng cách học của ta trái phép sư phạm. Tự lúc nhỏ cho đến lúc lớn chẳng qua chỉ học trong hai khoa là luân lý với văn chương. Mà luân lý thì lại theo nghĩa hẹp hòi, bó mình vào trong lễ phép, làm cho người ta không thể theo được.

Văn chương thì cũng phù phiếm, người nước Nam mà bàn việc Nguyên Minh Đường Tống, ngồi xó nhà mà tả những cảnh Hoàng Hà Thái Sơn, thực là Ngồi Cầu Đơ mà nói chuyện quán Mọc (Cầu Đơ là tên cũ của thị xã Hà Đồng, quán Mọc nay thuộc quận Đống Đa, Hà Nội). Văn chương như thế thì vẽ sao được cái chân cảnh tạo hóa mà cảm động được lòng người.

Ngoài khoa văn chương với luân lý thì không còn khoa gì nữa, thể thao chẳng có, kỹ nghệ cũng không. Ai học rộng ra đến thiên văn địa lý y khoa lý số một đôi chút đã cho là vạn sự xuất ư Nho mà rút lại thì chẳng nghề gì là học cho đến nơi đến chốn. Học thuật của ta hủ bại như thế, trách nào mà tri thức của ta chẳng mờ mịt, văn minh của ta chẳng kém xa các nước.

Nguoi Viet luoi hoc anh 2
Trong mắt một số trí thức đầu thế kỷ XX, việc giáo dục trong gia đình cũng kém cỏi. 

Học giả Đào Duy Anh phê phán mạnh mẽ phương pháp giáo dục trong cuốn Việt Nam văn hóa sử cương (1938). Ông viết: 

Phương pháp giáo dục ở ta cẩu thả thô sơ. Xong mấy quyển sách sơ học thì thầy đem ngay các sách Bắc sử (sử Trung Quốc) và Ngũ kinh Tứ thư đại toàn ra dạy. Thầy nhắm mắt mà giảng chữ nào nghĩa ấy, chỉ sợ sai mất nghĩa của Tống nho; trò cũng nhắm mắt học cho thuộc lòng để đến khi hành văn nhớ lại mà đặt để.

Phương pháp giáo huấn vụng về chật hẹp như thế là do một nguyên nhân khác là chế độ khoa cử. Chế độ ấy cốt xô đẩy sĩ tử trong nước vào đường cử nghiệp hư văn. Triều đình lại cho những người khoa mục nhiều điều vinh diệu quá đáng, nào trâm bào dạo phố, nào cờ biển vinh quy, cùng là khắc tên ở bia đá bảng vàng để lưu truyền cùng hậu thế.

Học trò chỉ chăm học thuộc lòng một ít sách vở, và lo lựa lời cho khéo, gọt câu cho chỉnh, miễn là lời văn cho bóng bảy thì ý tứ dù là bã cặn của Tống nho cũng không can gì.

Cái thói trọng từ chương ưa hư văn đã thành một thứ thiên tính của dân tộc ta. Với cách giáo dục ấy thì dù người thiên tư lỗi lạc cũng phải nhụt đi, huống gì người tư chất tầm thường, thực là một thứ giáo dục giết chết nhân cách.

Việc giáo dục trong gia đình cũng bộc lộ nhiều khuyết điểm. Tác giả Thái Phỉ (Nguyễn Đức Phong) viết trong Một nền giáo dục Việt Nam mới (1941): Những bậc cha mẹ ở nước mình đẻ con thì muốn cho nhiều mà dạy con thì thật cẩu thả và biếng nhác.

Những ông bố hoặc là nhà kinh doanh, hoặc là người tòng sự các sở công sở tư, suốt ngày suốt tháng đầu tắt mặt tối về sự mưu sinh, có lúc nào rảnh rang thì dành cho các cuộc tiêu khiển như bài bạc hát xướng mà các ông cho là mình có quyền được hưởng sau khi làm việc.

Đại để thì đẻ con ra, nuôi chúng như vỗ lợn rồi xin cho chúng một chỗ ngồi trên ghế nhà trường, là tưởng đã làm xong cái trách nhiệm của người cha rồi vậy. Đến những bà vợ... Thỉnh thoảng các bà rờ đến con thì liệu hồn những vú già vú em! Con các bà không hề bị trừng phạt mà chính đầy tớ các bà lại là các bia chịu đạn.

Trong nhiều gia đình, sự thân mật quá độ và lầm lạc đã hầu thành hỗn xược. Trước mặt cha mẹ, con cái nói năng chẳng dè dặt chút nào. Họ nói với cha mẹ như với bạn. 

Người Việt giả dối, lười nhác, kiêu ngạo, sợ nói đến thói xấu của mình

Đó là vài trong số rất nhiều thói hư tật xấu của người Việt được các trí thức nửa đầu thế kỷ XX phê phán, và được tập hợp trong cuốn “Người xưa cảnh tỉnh”.



Trích sách "Người xưa cảnh tỉnh"

Bạn có thể quan tâm