Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Người Việt hội hè liên miên, chơi bời lãng phí dịp đầu năm'

“Tục hội hè của ta, rước xách rất phiền phí, ăn uống lôi thôi, chơi bời chán chê, tiêu pha rất tốn kém”, Phan Kế Bính đã cảnh tỉnh về phong tục đầu năm của người Việt.

Đầu năm là dịp các lễ hội nở rộ. Bên cạnh ý nghĩa thờ phụng thần, thánh, cầu mong an vui, một số lễ hội ngày nay có những hoạt động với nhiều mặt trái. Thực trạng này đã được chỉ ra qua nhiều cuốn sách.

Quá tải lễ hội

Nước ta có khoảng 8.000 lễ hội. Sách Tập tục đời người của Phan Cẩm Thượng dẫn lại thống kê từ các tài liệu và website nghiên cứu về lễ hội, năm 2009 cả nước Việt Nam có 7.966 lễ hội.

Nguoi Viet hoi he lien mien anh 1
Tranh cướp tại lễ hội làng Sơn Đồng (Hoài Đức, Hà Nội). Ảnh: Việt Hùng

Trong đó có 7.039 lễ hội dân gian (chiếm 88,36%), 332 lễ hội lịch sử (chiếm 4,16%), 544 lễ hội tôn giáo (chiếm 6,28%), 10 lễ hội du nhập từ nước ngoài (chiếm 0,12%), còn lại là các lễ hội khác (chiếm 0,5%). Các địa phương có nhiều lễ hội là Hà Nội, Hà Nam, Hải Dương và Phú Thọ.

Theo Phan Cẩm Thượng, từ cuối thế kỷ 19 đến hết thế kỷ 20, Việt Nam rơi vào hoàn cảnh chiến tranh và bất định liên tục, lễ hội bị đình đốn đến mất hết bản sắc. Cho tới sau thời kỳ đổi mới, không chỉ nền kinh tế được phục hồi, các di tích văn hóa cổ cũng được tái kiến thiết, cũng như lễ hội dần trở lại. “Cho đến năm 2000, lễ hội trở nên quá tải, và có khi trở thành vấn nạn”.

Khó có thể kể hết tên các lễ hội của người Việt trong một năm. Gần 8.000 lễ hội như thống kê cho thấy sự đa sắc tộc, văn hóa ở nước ta, trong đó các lễ hội mang tính truyền thuyết hư ảo pha trộn với thực tế lịch sử.

Các lễ hội trước đây ra đời để dành sự ngưỡng vọng cho thần thánh, cầu chúc cho mùa màng, thể hiện tài năng thi thố trong lễ hội. Ngày nay, mỗi lễ hội quy mô làng cũng có hàng ngàn người tham dự, rất nhiều khách thập phương, tôn giáo và địa phương coi lễ hội là dịp kinh doanh, khiến cho lễ hội biến tướng, và áp lực lớn lên môi trường của những làng nhỏ.

Trong phần “Các lễ hội trong năm”, cuốn Tập tục đời người của Phan Cẩm Thượng đưa ra đánh giá tầm quan trọng của lễ hội, đó là “một hoạt động quy tụ con người, kết nối họ trong một cội nguồn văn hóa, đưa họ trở về với quá khứ và san bằng các khoảng cách”. Song ngay bên dưới, nhà nghiên cứu cũng phê phán: “…nếu không là sự thăng hoa văn hóa, lễ hội có thể là sự quá khích của một cộng đồng, khi mà con người cất lý trí cá nhân của mình hòa vào đám đông”.

Nguoi Viet hoi he lien mien anh 2
Sách Tập tục đời người của Phan Cẩm Thượng.

“Mỗi lễ hội đều phản ánh một tập tục đã qua hay hiện tồn, và phản ánh mức độ văn hóa của xã hội hiện tại”, Phan Cẩm Thượng nhận xét.

Đánh giá ấy dễ dàng được kiểm chứng. Vài năm nay, mỗi dịp đầu năm, các lễ hội với những biến tướng trở thành điểm nóng trên khắp phương tiện truyền thông. Từ việc chen lấn, xô đẩy tranh cướp lộc, tới cúng bái mê muội, tệ hơn cả là những nạn cờ bạc, trộm cắp... khắp các lễ hội. 

Hội hè liên miên gây lãng phí, nhiều tệ nạn

Người Việt hội hè liên miên, với những lễ nghi kém văn hóa đã được Phan Kế Bính phê phán mạnh mẽ từ năm 1915. Trong cuốn Việt Nam phong tục, ông viết: “Xét cái tục hội hè của ta, rước xách rất phiền phí, ăn uống rất lôi thôi, chơi bời rất chán chê, tiêu pha rất tốn kém, thực là hại của mà lại mua lấy cái khó nhọc vào mình”.

Phan kế Bính cho rằng việc mở hội trước để thờ phụng thần, thánh, sau là cầu vui, cầu an cho dân. Nhưng việc rước xách tế bái nhiều hóa ra khổ. Ông cũng chỉ ra lễ hội gây tốn kém, là nơi diễn ra nhiều tệ nạn: “…đã gọi là hội, trừ ra việc đóng góp việc ăn mặc cũng đã tốn kém nhiều rồi. Còn ngần nào chơi bời, ngần nào cờ bạc, con em bỏ công bỏ việc để ở nhà đi hội, chẳng những vô ích mà lại hại thêm cho làng nữa”.

Nguoi Viet hoi he lien mien anh 3
Sách Việt Nam phong tục của Phan Kế Bính.

Theo Phan Kế Bính, những người có thế lực trong làng sính mở hội, vì hội hè là dịp họ có thể thu nhiều món lợi riêng. Trong hội có mở những điểm chơi tổ tôm, bài phu, hoặc gá bạc… Họ mượn tiếng thờ thần, thánh, nhưng sự thật là để cầu lợi.

“Mà khốn nạn cho dân đàn em lại phần nhiều là ngu xuẩn, nói đến việc sự thần không ai dám gàn trở gì nữa, dẫu khổ cực thế nào cũng phải nhắm mắt chịu. Nếu ai gàn trở thì sợ thần quật chết tươi. Mà thần chẳng quật, bọn hào trưởng cũng quật, tội nghiệp!”, Phan Kế Bính viết.

Không chỉ tại các hội hè, Tết nhất là dịp người Việt chơi bời lãng phí. Ca dao có câu “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”, cho thấy nếp sinh hoạt người xưa, dành nguyên một tháng để ăn chơi. Cho tới nay, tinh thần ăn chơi từ Tết cho hết tháng Giêng chưa hẳn đã được loại bỏ.

Vấn đề này đã được tác giả Trần Chánh Hiếu phản ánh  từ năm 1907 trên Lục Tỉnh Tân Văn: “Theo tục ông bà để lại, hễ mãn một năm thì ăn tết một lần, ấy cũng là phải. Sao tôi thấy hễ tới ngày ấy, ai ai cũng đốt pháo, dựng nêu, treo bùa tứ tung ngũ hoành, đánh đáo đánh quần tới bảy bữa, rồi nào me (gây ăn thua trong cuộc chơi tiền), nào lú (con nít dùng tiền đánh đố), bài cào, xóc đĩa tổ tôm đủ thứ. Thậm chí có ông ăn tết rồi thì bán nhà bán cửa nợ réo trước nợ réo sau. Đã bần nhược lại biếng nhác vậy thì biết chừng nào mà giàu có như người ta”.

Tục điểm ngực ca nương trong lễ hội Ném Thượng xưa

Lễ hội làng Ném Thượng xưa với nghi thức chém lợn thả mang tinh thần thượng võ, cùng lệ điểm ngực (sờ ngực) ca nương nay đã không còn.




Tần Tần

Bạn có thể quan tâm