Nguyễn Thanh Tùng - chàng trai tuổi Quý Hợi - có mặt tại Phố Sách Xuân Kỷ Hợi 2019 giao lưu và ký tặng cuốn sách Giai Hà Nội lặn lội London. Nhân dịp này, Thanh Tùng chia sẻ về quá trình du học ở tuổi 34, việc thực hiện ước mơ, và quan điểm "không bao giờ là quá muộn để trải nghiệm".
"Ông trời thấy tôi già quá rồi mà vẫn mộng mơ nên giúp tôi đi du học"
- Đang có công ăn việc làm tốt (nghề biên tập viên và dẫn chương trình truyền hình được coi là công việc sinh động, hấp dẫn), điều gì khiến anh quyết định chia tay công việc để đi học?
- Vào thời điểm quyết định đi du học, tôi đang là biên tập viên mảng khai thác quốc tế cho một kênh truyền hình. Nhưng thực sự bản thân tôi luôn cảm thấy có gì đó thiếu thiếu khi mà ước mơ được đi du học từ ngày còn sinh viên vẫn không thực hiện được.
Công việc tôi vẫn làm tốt, cuộc sống cũng xuôi chèo mát mái, nhưng tinh thần của mình cứ có điều gì lấn cấn. Tôi cứ sống như vậy đến năm… 34 tuổi thì quyết định chuyển hướng.
Sách Giai Hà Nội lặn lội London của Nguyễn Thanh Tùng. |
- Ở tuổi 34, nhiều người tạo lập sự nghiệp, lập gia đình ổn định, vì sao anh lại lặn lội đi du học?
- Có lẽ câu trả lời chính xác nhất cho câu hỏi này là từ “ước mơ”. Tôi vẫn nhớ như in những bài học tiếng Anh đầu tiên từ năm lớp 3, nhớ hình ảnh vẽ trong sách về nước Anh, về nữ hoàng trên các trang sách để rồi bây giờ nghĩ lại mới thấy, có lẽ đó chính là những “hạt mầm” đầu tiên gieo tình yêu tiếng Anh và nước Anh vào con người tôi.
Tôi cứ thầm ước được đến ngắm Big Ben, được đi bộ trên cây cầu Tower Bridge vào một ngày nào đó; và những ước mơ ấy cứ lớn dần lên theo năm tháng, nhất là khi có nhiều bạn bè đi du học Anh chụp ảnh, chat chit kể về cuộc sống bên đó.
Và rồi có lẽ đến năm 34 tuổi, khi ông trời thấy tôi “già” quá rồi mà vẫn cứ mơ mộng mãi nên “đành” giúp tôi biến ước mơ này thành hiện thực.
- Người ta thường du học ở tuổi ngoài đôi mươi, anh gặp khó khăn gì khi lên đường ở độ tuổi "già" của việc du học?
- Gia đình tôi không dư dả đến mức có thể chu cấp 100% tiền học phí. Công việc với mức lương đủ sống cũng không hỗ trợ được gì nhiều, nên tôi chỉ có thể tìm qua con đường học bổng. Tôi nộp hồ sơ học bổng của chính phủ Anh 5 lần đều bị loại hồ sơ từ vòng 1, vòng 2. Mỗi năm chỉ có một lần nộp hồ sơ thôi nên công việc này đã “lấy mất” của tôi 5 năm.
Cuối cùng, khi cảm thấy bản thân có lẽ không có duyên với quỹ học bổng này, tôi mới nộp trực tiếp xin học bổng của trường mà tôi muốn theo học. Thật may mắn, năm 2015, trường của tôi kỷ niệm 175 năm ngày thành lập và họ có một học bổng mang tên 175 để kỷ niệm dấu mốc này. Tôi đã được trao cho học bổng đó.
Với tôi, việc nhận được học bổng này là một sự may mắn mở đầu cho một chuỗi những may mắn của tôi trong quãng thời gian du học ở London.
- Và giai Hà Nội đã vượt qua những khó khăn đó như thế nào ở London?
- Tôi đã nhận được rất nhiều sự giúp đỡ từ những người bạn Việt Nam và quốc tế. Kể từ thời điểm tôi chia tay gia đình cho đến thời điểm tôi quay trở về nước, bất cứ lúc nào tôi cũng có được những sự giúp đỡ tận tình từ những người tôi gặp. Tìm nhà, làm bài tập, đi tình nguyện, đi chơi… những con người “trước lạ sau quen” cứ lần lượt xuất hiện trong cuộc đời và nâng bước cho tôi tiến về phía trước.
Tác giả trong thời gian du học ở Anh. |
Trở ngại lớn nhất với tôi là nền giáo dục “trọng quan điểm cá nhân” của nước Anh. Lứa 8X đời đầu như tôi lại quen với việc “cô giáo luôn đúng” nên khi nhận bài luận đầu tiên, tôi hoảng loạn thực sự vì cô giáo không gợi ý gì cả mà cho sinh viên được bày tỏ quan điểm của mình, dựa vào những cuốn sách họ đọc được. Đề bài chỉ vỏn vẹn một câu duy nhất mà nó khiến tôi lo lắng đến mức sợ mình sẽ phải trả lại học bổng vì không qua được bài luận đầu tiên.
Tôi viết email cho cô giáo để “tâm sự” về khó khăn ấy thì mới được biết hóa ra tôi không phải trường hợp đầu tiên mà hầu hết sinh viên từ các nước châu Á như Việt Nam, Trung Quốc đều ít nhiều gặp khó khăn này. Sau buổi nói chuyện với cô, tôi về viết lại bài luận đó và nhận được kết quả cao ngoài sức mong đợi.
Bước ra thế giới với trái tim nồng nhiệt
- Quãng thời gian ở nước Anh, ngoài học tập, anh có nhiều trải nghiệm như: lên truyền hình Thụy Điển, đi tình nguyện cho sinh nhật lần thứ 90 của nữ hoàng, thi The X Factor… Theo anh, một du học sinh cần chuẩn bị gì để có được những trải nghiệm phong phú trên xứ lạ?
- Điều đầu tiên cần chuẩn bị, theo tôi, là tiếng Anh. Ngành học của tôi là truyền thông nên rất nhiều bài luận dài phải viết, song song với các phần thuyết trình, tranh luận trên lớp. Nếu như vốn ngoại ngữ không đủ, tôi hoàn toàn có thể bị những sinh viên khác “nuốt chửng” trong những màn tranh luận được chấm điểm trực tiếp bởi thầy cô giáo và bởi chính các sinh viên khác. Nghe và hiểu ngoại ngữ tốt sẽ khiến cho mình không bị thiệt mỗi khi gặp phải tình huống phải “đấu lý” với người khác.
Điều cần chuẩn bị thứ hai là một trái tim đủ nồng nhiệt để bước ra thế giới. Từ việc tìm nhà, đến việc tham gia các hoạt động ngoại khóa ở London, tôi đều đặt mục tiêu “không bao giờ nói không với các cơ hội trải nghiệm nền văn hóa đa sắc tộc nơi đây”.
Tôi ở trong một ngôi nhà có 8 người đến từ 8 quốc gia khác nhau, tôi đi tình nguyện với hàng loạt sự kiện lớn nhỏ, tôi giúp đỡ trường của mình trong việc tư vấn cho các sinh viên mới, và cũng chăm chỉ tham gia hết các hoạt động của cộng đồng sinh viên Việt Nam học cùng trường với tôi.
Thanh Tùng (ngoài cùng bên phải) cùng đội tình nguyện trong sự kiện West End Live 2016. |
Thêm nữa, một trái tim nồng nhiệt còn bao hàm cả việc “tự coi” bản thân là Đại sứ văn hóa của Việt Nam nữa. Cứ có cơ hội là tôi nấu món ăn Việt cho những bạn cùng nhà và bạn cùng lớp. Các món ăn Việt Nam cũng chính là cầu nối giúp tôi được kéo gần hơn tới cộng đồng người dân ở London.
Tôi không biết với các sinh viên khác thì sao, nhưng với tôi, chỉ hai điều trên đã dẫn lối cho tôi đến rất nhiều câu chuyện thú vị ở London rồi. À, tất nhiên là cần chuẩn bị cả tài chính nữa.
- Trong vô vàn trải nghiệm ấy, kỷ niệm nào khiến anh nhớ nhất?
- Tôi tự hào nhất là quãng thời gian mình đi tình nguyện cho thủ đô London. Sinh nhật lần thứ 90 của nữ hoàng Anh, lễ kỷ niệm gặp gỡ các cựu chiến binh Anh đã tham gia thế chiến, các giải thi đấu thể thao quần chúng, các lễ diễu hành… tôi đều ghi danh tham gia hết. Tổng cộng, tôi đi tình nguyện gần 100 giờ cho thủ đô London, nhiều thứ nhì trong số các tình nguyện viên trong cùng tổ chức.
Giây phút tôi chia tay cả đội là lúc tôi cảm động nhất. Mọi người tổ chức buổi đó mà không nói với tôi, nên tôi hoàn toàn bất ngờ, đến mức đứng khóc như một đứa trẻ.
Thật may là các cô chú đều đáng tuổi bố mẹ tôi nên cũng không xấu hổ lắm. Mọi người tặng quà kỷ niệm, rồi xin địa chỉ, số điện thoại của tôi để giữ liên lạc. Lúc ấy, tôi cứ nghĩ là xã giao thôi, nhưng không. Một năm sau, tôi vẫn nhận được quà của mấy cô chú gửi về nhà riêng của tôi ở Việt Nam. Tình cảm ấm áp của người dân ở nước Anh là điều làm tôi không bao giờ quên được.
- Trong muôn vàn điều hấp dẫn ở London, điều gì khiến anh nói nhiều về các hiệu sách cũ?
- Tôi thích đọc sách lắm. Khi làm biên tập viên chương trình sách trên truyền hình, có tuần tôi đọc xong ba cuốn sách để giới thiệu cho khán giả. Sang London, tôi như cá về với nước vì sách cũ ở London rẻ lắm, rẻ hơn cả ở Việt Nam.
Nói là sách cũ nhưng thực ra chỉ là chủ nhân cũ của cuốn sách đã đọc xong và đem đi tặng hoặc bán giá rẻ hoặc từ thiện mà thôi. Tôi từng mua được những cuốn mới toanh như Cô gái Đan Mạch với giá 1 bảng (khoảng 34.000 đồng). Tôi thích la cà trong các hiệu sách cả mới lẫn cũ ở London vì sự yên tĩnh và cảm giác thư thái mà những nơi đó mang lại cho tôi. Mùi giấy cũng khiến tôi bị hấp dẫn. Các nhân viên trong các nhà sách cũng am hiểu về sách.
Nhưng điều tôi thấy thích nhất khi nói về sách ở London là việc được đọc sách trên tàu điện ngầm hay xe buýt. Sống ở London, tôi “chẳng may” tập cho mình được khả năng đọc sách trên tàu xe mà không bị say. Cứ lên tàu là tôi lấy sách ra đọc. Quãng đường di chuyển trên các phương tiện công cộng nhiều khi rất xa, có những lúc mất một tiếng, nên nếu không có sách thì sẽ buồn lắm. Hình ảnh những người dân ngồi đọc sách ở mọi nơi, trên tàu, xe, trong công viên… là hình ảnh ấn tượng nhất với tôi về văn hóa đọc ở London, và điều này đã gợi cảm hứng cho tôi chụp hẳn một album “người đọc” ghi lại những hình ảnh ấy.
Sau du học, Thanh Tùng trở về vừa làm việc trong ngành truyền thông, vừa là giáo viên dạy tiếng Anh, và không ngần ngại trải nghiệm điều mới mẻ. |
- Các cuốn sách du ký thường đưa ra thông điệp kiểu như “đi khi ta còn trẻ”. Vậy cuốn sách của một người đi khi không còn quá trẻ sẽ gửi gắm thông điệp nào tới độc giả?
- Lần cuối cùng bạn làm một việc gì đó lần đầu tiên là khi nào?
Những lần đầu tiên luôn để lại trong ta những cảm xúc khó tả. Lần đầu tiên đi du lịch một mình? Lần đầu tiên đi máy bay? Lần đầu tiên bốc thăm trúng thưởng? Nụ hôn đầu tiên?... nên với một người sống thiên về cảm xúc như tôi, những lần đầu tiên luôn có ý nghĩa nhất định.
Lần cuối cùng tôi làm một việc gì đó lần đầu tiên là cách đây 4 tháng, khi tôi làm ra bánh xà phòng đầu tiên, để rồi bây giờ công việc làm xà phòng thiên nhiên đã trở thành một phần không thể thiếu của tôi.
Tôi cũng muốn nói đến một niềm “ham thích” được trải nghiệm những điều mới mẻ. Khi cuộc sống của bạn được xâu chuỗi bằng những cảm xúc hưng phấn, do những “lần đầu tiên” mang lại, bạn sẽ thấy cuộc sống của mình đa sắc màu hơn hẳn. Và người truyền cảm hứng được cho người khác cũng chính là những người không ngại trải nghiệm những điều mới mẻ trong cuộc sống như thế.