Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người Bắc ở Sài Gòn xưa ăn Tết như thế nào?

Một gia đình khoa cử miền Bắc khi vào Sài Gòn sinh sống vẫn giữ nhiều phong tục truyền thống như gói bánh chưng, làm mứt, chơi cờ thăng quan...

Trong cuốn Sách Tết Kỷ Hợi 2019, nhà nghiên cứu Trịnh Bách có bài viết "Tết người Bắc ở Sài Gòn xưa", trong đó ông kể nhiều ký ức của chính gia đình mình với sự chuẩn bị cầu kỳ, cái Tết đậm tính văn hóa truyền thống. Được sự đồng ý của Đông A - đơn vị nắm bản quyền sách - Zing.vn trích đăng một phần nội dung bài viết.

Đêm ba mươi

Đêm ba mươi là lúc Tết nhất của Tết. Càng gần giờ giao thừa thì mọi người càng trở nên nghiêm túc hơn, “hiền” hơn. Bố mẹ tôi tự nhiên có vẻ nghiêm trang, nhưng nhã nhặn hơn ngày thường. Bàn thờ giao thừa và bàn thờ gia tiên đã sẵn sàng.

Bố tôi vẫn giữ được đôi tranh Thần Đồ, Uất Lũy cũ đem ra treo hai bên cửa ra vào dưới nhà, từ tối ba mươi Tết mỗi năm. Người Bắc xưa ngày Tết treo cặp tranh Thần Đồ, Uất Lũy hay đôi tranh Tử Vi, Huyền Đàn để trấn trước nhà, chứ không treo tranh Trình Giảo Kim, Tần Thúc Bảo như người Hoa.

Cũng có năm bố tôi trổ tài vẽ và giảng giải về ba vuông bảy tròn và cung tên bằng vôi cho chúng tôi. Vì sân trước nhỏ, nên việc này đành phải thực hiện ở sân sau nhà.

Nguoi Ha Noi o Sai Gon don Tet anh 1
Một trang trong cuốn Sách Tết Kỷ Hợi 2019.

Rồi giao thừa đến. Trên radio, và sau này cả trên truyền hình, bài Ly rượu mừng vang lên. Hương khói nghi ngút. Mẹ tôi trở nên nghiêm trang, thành kính tối đa trong mỗi cử chỉ. Phấn son, nhưng mẹ vẫn mặc áo dài năm cũ khi cúng giao thừa. Những kiêng cữ như tránh quét nhà, to tiếng, nói dối... bắt đầu được tuân thủ.

Trang nghiêm là đúng, vì đối với các thế hệ cũ thì cho đến lúc ấy mọi sự tin tưởng và kiêng cữ vẫn còn là hơi thở. Theo phong tục cổ của người mình, thời khắc giao thừa là giờ phút thiêng liêng nhất của năm. Lúc trừ tịch này trên không trung phải tuyệt đối tĩnh lặng để các thần năm cũ giao tiếp với các thần năm mới.

Trong khi đó dưới đất phải đốt pháo, đánh trống chiêng, xoong, nồi các thứ thật ồn ào để xua đuổi ma quỷ nhân đêm tối nhất của năm, khi mọi thổ, trạch thần đều vắng mặt, mà xâm nhập làm hại thế gian. Sai nguyên tắc này sẽ không bao giờ đạt được quốc thái dân an trong năm mới.

Lúc mọi nhà cúng giao thừa và gia tiên xong, ở những năm được đốt pháo, pháo bắt đầu rền. Các bánh pháo Điện Quang, Toàn Hồng nổ giòn vang xa gần. Mỗi đoạn khoảng 20 cm pháo con lại chen một cái pháo đại. Văn hóa đốt pháo của giới trẻ hồi đó bây giờ nghĩ lại thấy lành lắm.

Nghịch nhất cũng chỉ là úp ống lon sữa bò lên pháo rời nhặt được rồi đốt cho lon bay lên. Dĩ nhiên cũng có những trường hợp rắn mặt hơn, nhưng cố ý làm đau người khác thì rất họa hoằn. Thật ra lũ chó mèo là bọn oán hờn pháo nhất. Các tràng pháo có khi dài từ lầu ba xuống đất, hoặc có khi dài hơn. Mùi khói pháo tuyệt vời và rất “sạch”.

Họp mặt mồng một Tết

Sáng sớm mồng một Tết được bắt đầu bằng tràng pháo đón vị khách đầu tiên của năm mới. Quần áo mới được mọi người đem ra diện. Với bọn nhỏ chúng tôi thì câu vui như tết chỉ cảm thấy được đêm ba mươi và sáng mồng một mà thôi.

Vì những người họ hàng và bạn bè thân thiết nhất của bố mẹ tôi đều đến chúc Tết vào buổi sáng này. Và họ là những khách sộp mừng tuổi hậu hĩ nhất. Doanh thu của tất cả thời giờ còn lại của mấy ngày Tết sau đó thường không bằng một phần ba buổi sáng mồng một.

Nguoi Ha Noi o Sai Gon don Tet anh 2
Tranh của Trần Nguyễn Trung Tín vẽ minh họa bài viết của Trịnh Bách. 

Sau khi tiếp các vị khách này, bố tôi đi chúc Tết họ hàng bè bạn, trong khi mẹ tôi ở nhà tiếp khách. Đến gần trưa bố tôi về, và lúc đó các họ hàng và bè bạn chí thân của gia đình đã có mặt đông đủ để dùng bữa đầu năm với chúng tôi.

Có một cái lệ đặc biệt mà những người thuộc dòng dõi khoa bảng cũ miền Bắc vẫn còn giữ ở Sài Gòn cho đến mãi sau này, là khi đã họp mặt đông đủ ngày mồng một Tết, người ta giở tấm Thăng quan đồ ra để chơi cờ Thăng quan, loại giải trí phổ thông nhất của giới nho sỹ khoa bảng từ ngàn xưa, để xem vận mệnh công danh trong năm mới.

Cụ Ngô Tất Tố có lẽ đã bỏ quên món này trong tác phẩm Lều chõng. Bản Thăng quan đồ to bằng một mặt bàn nhỏ. Sang thì bằng gỗ sơn son thếp vàng có thể gập đôi lại được. Thường thì in trên vải hay giấy.

Trên đó chia thành nhiều ô ghi cấp bậc của hệ thống quan chế triều đình ngày xưa, từ thấp nhất là Hàn lâm Đãi chiếu (tòng cửu phẩm văn giai) cho đến cao nhất là Thái tử Thái bảo (trên nhất phẩm, đầu triều). Mỗi người chơi nhận quân của mình rồi gieo xúc xắc (xí ngầu) mà đi.

Chung quanh ô của mỗi cấp bậc đều có các ô mà sa vào đấy sẽ có ghi rõ việc được thăng thưởng, hay bị giáng phạt thế nào. Ai đạt đến Thái tử Thái bảo trước hết cả là thắng.

Bàn cờ Thăng quan bố tôi giữ được không phải thuộc hệ thống triều Lê, mà từ thời Tự Đức. Cờ Thăng quan hồi đó đã được dịch ra chữ quốc ngữ, và trong Sài Gòn hồi ấy có thể mua ở các tiệm tạp hóa của người Bắc ở chợ Ông Tạ.

Hình như bàn cờ Thăng quan bố tôi có hồi ấy chỉ có văn ban chứ không có võ ban. Năm 1992 tôi có mua được một bản Thăng quan đồ in trên giấy từ một cửa hàng tạp hóa ở Cửu Long, Hong Kong. Nhưng bản đó lại theo quan chế Minh triều, Trung Quốc, và cũng chỉ có văn ban.

Cỗ bàn ngày tết

Rồi cỗ bàn lúc nào cũng sẵn sàng, một phần nhờ ơn cái tủ lạnh. Ngoài những món truyền thống cố hữu của ngày Tết như bóng, chân giò ninh măng, thang cuốn, giò chả, bánh chưng, hành kiệu, thịt thà...

Vì tổ tiên họ Trịnh chúng tôi ngày xưa xuất phát từ Thanh Hóa nên mẹ tôi còn được các cụ truyền cho vài món cỗ tết đặc biệt của vương thất xứ Thanh xưa, như sơn hào hải vị thang, nộm sứa khô bát vị...

Đây là những món dùng nguyên liệu khô có thể nấu được trong những ngày tết không có họp chợ. Nguyên liệu nấu những món này như gân nai, hải sâm trắng, sứa khô, vẫn còn mua được ở Sài Gòn thuở ấy. Một vài thí dụ của những món đơn giản hơn là nem ngang, giò lòng.

Nem ngang hơi giống như nem Phùng hay nem bì của các vùng Hà Tây, Nam Định, Ninh Bình. Thịt lợn thật tươi cắt miếng vừa phải, luộc hơi tái bên ngoài, thấm thật khô, nêm với ít nước mắm, thái nhỏ, rồi băm giập đi bằng sống dao.

Bì lợn luộc thái sợi với lượng nhiều nhất là bằng lượng thịt. Mỡ luộc thái nhỏ hạt lựu. Thính giã thô. Tất cả trộn đều rồi nắm thật chặt lại bằng nắm tay. Nem ngang bao lót bằng lá ổi chứ không dùng đinh lăng như ở vài nơi khác. Sau đó gói bằng lá chuối đã rửa thật sạch, lau và phơi khô thật kĩ rồi buộc lại.

Khác với nem bì nấu chín ăn ngay của Nam Định, nem ngang Thanh Hóa phải đợi ít nhất ba ngày cho chín, nghĩa là hơi chua, mới dùng. Ngon nhất là cuốn bánh tráng với rau diếp, húng, thơm, ngò (mùi) cho thật chặt, rồi thái khúc. Khi ăn chấm nước mắm ngon pha tỏi ớt.

Nguoi Ha Noi o Sai Gon don Tet anh 3
Tranh của Trần Nguyễn Trung Tín trong Sách Tết Kỷ Hợi.

Làm giò lòng thì cũng giống như giò thủ, nhưng thay mũi, tai bằng lòng, khấu đuôi, bao tử, và bì heo đã bỏ sạch mỡ thái nhỏ. Giò lòng phải được nêm nhiều hạt tiêu.

Thử tưởng tượng ngày xưa khi chưa có tủ lạnh, nếu không có không khí lạnh giá của miền Bắc thì loại giò này có thể giữ được bao lâu. Và hồi ấy người ta vẫn còn dùng hàn the mà chưa biết là độc.

Chiều mồng một bố mẹ tôi bắt đầu cùng nhau đi chúc Tết họ hàng, bè bạn. Chúng tôi ở nhà tiếp khách để nhận mừng tuổi. Bắt đầu từ chiều hôm nay cho đến chiều ngày mồng ba Tết, đường phố bắt đầu có nhiều người hơn.

Các nhóm Sơn Đông mãi võ lưu động, phần nhiều là người Hoa, đi múa lân và biểu diễn võ thuật kiếm tiền thưởng khắp thành phố. Chiêng trống inh ỏi. Người Hoa ở Sài Gòn múa lân (khác với múa sư tử ngoài Bắc) vào dịp Tết Nguyên đán chứ không phải tết Trung thu như ở Huế và ngoài Bắc.

Tối ba ngày Tết nhiều đình đền ở Sài Gòn và các vùng phụ cận có tổ chức hát bội. Vẫn ăn uống, bài bạc, nhưng bắt đầu từ tối mồng một Tết, không khí thiêng liêng của ngày Tết đã bắt đầu nhạt.

Ngày vui qua mau

Sang đến ngày mồng hai Tết thì câu “ngày vui qua mau” đã bắt đầu được cảm thấy. Vẫn có khách đến chúc Tết, ăn uống, bài bạc, nhưng sự háo hức không còn nữa. Mồng ba Tết bắt đầu phải ăn bánh chưng rán.

Khách chờ đến ngày hôm nay mới đến chúc Tết có vẻ hơi thẹn, gượng gạo. Chủ nhà vẫn niềm nở nhưng quần áo, thái độ không còn được chăm chút như hai ngày đầu. Bọn trẻ thì tên nào mặt mũi cũng buồn rười rượi.

Đến sau khi mẹ tôi hóa vàng tối mồng ba thì tiếng Tết gần như bị tránh nhắc đến, mặc dù các hội hè nhiều nơi vẫn được tổ chức cho đến rằm tháng giêng.

Để ý kỹ thì dường như thường thường tối hôm mồng ba bố mẹ tôi không giấu được nét mệt mỏi và tiếng thở dài nhẹ nhõm, có lẽ vì đã thoát được ba ngày giữ gìn, kiêng cữ và đóng bộ hết mức. Chưa kể đến sự tiêu pha đến xót ruột và công sức bỏ ra trong cả tháng trời trước đó.

Sách Tết Việt trở lại sau 60 năm gián đoạn

Không chỉ quy tụ những cây bút đặc sắc trên văn đàn hiện nay, "Sách Tết 2019" còn có sự góp mặt của các họa sĩ nổi tiếng như Thành Chương, Lương Xuân Đoàn, Tạ Huy Long...



An Tet o Ha Noi co gi vui? hinh anh

Ăn Tết ở Hà Nội có gì vui?

0

Tết đến là dịp để người ta thấy một vẻ đẹp khác của Hà Nội. Nét cổ kính, trầm mặc của thành phố nghìn năm tuổi như một thứ bảo vật được cất giữ suốt cả một năm dài.

Trịnh Bách

Bạn có thể quan tâm